Luật Đầu tư công 2019: Gỡ "nút thắt" về vốn cho doanh nghiệp

Vân Ly| 29/06/2020 07:16

Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công năm 2019 (Luật số 39/2019/QH14, ngày 13/6/2019 - sau đây gọi tắt là Luật số 39) với nhiều điểm mới nổi bật. Những điểm mới này được kỳ vọng sẽ giải được bài toán chậm giải ngân vốn đầu tư công, gỡ "nút thắt" về vốn cho doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án đầu tư công.

Theo đó, điểm mới thứ nhất mà Luật số 39 đã thống nhất được định nghĩa về vốn đầu tư. Theo quy định tại Khoản 22, Điều 4, có hai loại vốn đầu tư công, gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật. Như vậy, định nghĩa về vốn đầu tư công đã được thu hẹp hơn, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách nhà nước (trái phiếu chính phủ, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển).

5J0A6029-3773-1593145545.jpg

Thứ hai, Luật số 39 bổ sung quy định cụ thể về đối tượng đầu tư công (Điều 5). Theo đó, có 6 đối tượng đầu tư công, gồm 1- Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. 2- Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. 3- Đầu tư và hỗ trợ đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội. 4- Đầu tư của Nhà nước thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư. 5- Đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch. 6- Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, Luật số 39 thay đổi thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công tạo thuận lợi cho các tổ chức tham gia dự án được giải ngân vốn. Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 68, thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước đến hết ngày 31/1 năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau (trước đây là đến hết ngày 31/12). Trước đây, luật chỉ quy định chung chung là đến năm sau, nhưng ở Luật số 39 mới quy định rõ thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31/1 năm sau. Trong trường hợp bất khả kháng, thời gian này có thể sẽ được kéo dài đến ngày 31/12 năm sau.

Thứ tư, Luật số 39 cho phép phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, tăng tính chủ động, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương (Điều 83, Điều 84), xử lý được những tình huống phức tạp như công trình sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp ngân sách khác nhau.

Thứ năm, tại Khoản 2, Điều 89 Luật số 39 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đứng đầu tổ chức quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong hai kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp phải bảo đảm tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước của bộ, cơ quan trung ương, địa phương đó.

Thứ sáu, vốn kế hoạch đầu tư công sẽ chỉ được bố trí để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 1/1/2015 (Khoản 4, Điều 101). Đồng thời, Khoản 5 cũng chỉ rõ, đối với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 và năm 2020, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương được phép thực hiện và giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014, đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật Đầu tư công năm 2018.

Đặc biệt, Luật quy định rõ về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công. Hệ thống thông tin được xây dựng, triển khai thống nhất trên phạm vi cả nước phục vụ cho quản lý nhà nước về đầu tư công, bao gồm việc tổng hợp, báo cáo, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; theo dõi, đánh giá chương trình, dự án đầu tư công; quản lý, lưu trữ, công khai dữ liệu theo quy định.

Như vậy, điểm mới lớn nhất trong Luật số 39 là đơn giản hóa thủ tục và phân cấp cụ thể. Việc đơn giản hóa thủ tục từ thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư cho tới quyết định đầu tư, các kế hoạch đã rút ngắn được rất nhiều thời gian để một dự án sẵn sàng đi vào thực hiện và giải ngân. Việc phân cấp cụ thể cũng tạo điều kiện ra quyết định của các cấp có thẩm quyền được tiến hành một cách nhanh gọn hơn. Hy vọng rằng, với các thủ tục này sẽ giúp rất nhiều cho công tác thực hiện dự án và giải ngân.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Theo quy định hiện nay của pháp luật, doanh nghiệp được tham gia dự thầu đối với các gói đầu tư công theo quy định của Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư công khi có đủ các điều kiện được quy định tại Khoản 1, Điều 5 Luật Đấu thầu. Khoản 1, Điều 5 Luật Đấu thầu quy định nhà thầu là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện:

- Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp.

- Hạch toán tài chính độc lập.

- Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật.

- Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

- Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 Luật số 39.

- Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu.

Hiện nay, các văn bản pháp luật về đấu thầu và đầu tư công đã được quy định khá chặt chẽ về điều kiện, trình tự, thủ tục triển khai các gói thầu, trong đó Điều 14 Luật số 39 đã quy định về công khai, minh bạch trong đầu tư công; đồng thời, ngày 16/12/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả, có hiệu lực từ ngày 1/2/2020, cụ thể từ năm 2020 tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù. Do đó, việc tham gia dự thầu hiện nay là công khai, minh bạch, đảm bảo quyền tham gia của các nhà thầu khi có đủ điều kiện theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Luật Đầu tư công 2019: Gỡ "nút thắt" về vốn cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO