Đơn phương chấm dứt hợp đồng thế nào?

Vân Ly| 19/02/2020 06:00

Doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với đối tác, nhưng phát hiện ra nếu tiếp tục hợp đồng này thì công ty không đủ khả năng chi trả do những điểm bất hợp lý từ hợp đồng. Vậy doanh nghiệp muốn chấm dứt hợp đồng sẽ phải làm gì?

Đơn phương chấm dứt hợp đồng thế nào?

Doanh nghiệp A (bên A) và B (bên B) đã ký kết hợp đồng 5 năm. Khi thực hiện hợp đồng được 2 năm, bên A nhận thấy nếu tiếp tục duy trì hợp đồng này, bên A sẽ không đủ khả năng trả chi phí cho bên B, do mức phí của bên B tính bên A quá cao so với mặt bằng chung của thị trường. 

Tuy nhiên, theo hợp đồng đã giao kết, nếu bên A chủ động chấm dứt hợp đồng này, bên A sẽ phải đền bù 50% giá trị hợp đồng. Riêng bên B thì chỉ bị phạt 1% nếu vi phạm hợp đồng và đền bù 8% nếu không triển khai đúng hợp đồng đã ký kết. Trong hợp đồng không có điều khoản nào về việc bên B sẽ chấm dứt hợp đồng đã ký. 

Vậy bên A phải làm gì để chấm dứt hợp đồng này trước thời hạn mà bị tổn hại ít nhất? Đồng thời, tiến trình để chấm dứt được hợp đồng đã ký theo đúng quy định pháp luật được thực hiện thế nào? (Một doanh nghiệp tại quận 1, TP.HCM đề nghị không nêu tên)

Luật sư tại Hệ thống Luật Thịnh Trí giải đáp về trường hợp cụ thể này như sau:

Trong tình huống này được hiểu là cả hai doanh nghiệp ký kết hợp đồng vì mục đích kinh doanh sinh lợi.

Do đó, để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn mà giảm thiểu thiệt hại cho bên A thì:

- Thứ nhất, bên A cần chủ động bàn bạc, thỏa thuận với bên B về việc chấm dứt hợp đồng và mức bồi thường thiệt hại. Theo khoản 1 Điều 428 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: "Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định").

- Thứ hai, nếu không thể thỏa thuận được thì bên A cần nắm những quy định để giảm thiểu tổn hại như sau: 

Do quý công ty hỏi không rõ vấn đề chấm dứt hợp đồng sẽ phải đền bù 50% giá trị hợp đồng là quy định cho phạt vi phạm hay bồi thường thiệt hại. Nên, chúng tôi chia thành hai trường hợp:

+ Trường hợp 1: Phạt vi phạm - Bên A chỉ phải chịu 8% phần nghĩa vụ vi phạm, tức là 8% của mức phí hai bên đã thỏa thuận cho 03 năm còn lại được ghi nhận trong hợp đồng. 

Theo Điều 300 và Điều 301 Luật thương mại năm 2005:

Điều 300. Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.

Điều 301. Mức phạt vi phạm

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này".

+ Trường hợp 2: Bồi thường thiệt hại - Bên A chỉ có nghĩa vụ phải bồi thường nếu bên B chứng minh được thiệt hại xảy ra trên thực tế, trực tiếp mà do hành vi chấm dứt hợp đồng của bên A gây nên và khoản lợi trực tiếp mà bên B đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi nêu trên của bên A. 

Cũng căn cứ vào Điều 302, Điều 303, Điều 304 Luật thương mại năm 2005: 

"Điều 302. Bồi thường thiệt hại

1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.

2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Điều303. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:

1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;

2. Có thiệt hại thực tế;

3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

Điều304. Nghĩa vụ chứng minh tổn thất

Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm."

Do đó, đối với cả hai trường hợp nêu trên, việc quy định bồi thường ấn định 50% giá trị hợp đồng là không phù hợp với quy định pháp luật.

Tiến trình để chấm dứt hợp đồng đã ký đúng quy định pháp luật, bên A cần thông báo trước cho bên B theo thời hạn quy định trong hợp đồng. Trường hợp, hợp đồng không có thỏa thuận thì bên A phải thông báo thời hạn hợp lý để tránh gây thiệt hại cho bên B.

Theo khoản 2 Điều 428 BLDS 2015 quy định:

"Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường".

Như vậy, căn cứ vào hợp đồng ký kết giữa hai bên, bên A cần thông báo cho bên B trước theo quy định của hợp đồng, hoặc thông báo thời hạn hợp lý bên A đơn phương chấm dứt hợp đồng với bên B.

· Điện thoại tư vấn pháp luật miễn phí: 1800 6365

· Thư từ hỗ trợ, giải đáp pháp luật: 

Gửi về Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Lầu 5, Số 22 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đơn phương chấm dứt hợp đồng thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO