Con dấu bị chiếm giữ, nên giải quyết thế nào?

Luật Thịnh Trí| 15/10/2019 09:21

Trong quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh, con dấu của doanh nghiệp (DN) bị một trong các bên hợp tác, liên kết, hoặc thành viên ban lãnh đạo chiếm giữ thì hoạt động của công ty hầu như bị dừng lại. Trong trường hợp này, chủ DN nên giải quyết như thế nào?

Con dấu bị chiếm giữ, nên giải quyết thế nào?

Về tình huống này, luật sư Hệ thống Luật Thịnh Trí trả lời như sau:

Từ những quy định của pháp luật về con dấu của DN cho thấy, trong từng thời điểm khác nhau, pháp luật quy định việc quản lý, sử dụng con dấu khác nhau. Có thời điểm con dấu được giao cho nhân viên văn thư giữ, có nhiệm vụ đóng lên chữ ký của người có thẩm quyền. Có thời điểm con dấu được giao cho người đại diện theo pháp luật công ty chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng. Còn hiện nay, việc giao cho ai quản lý, sử dụng con dấu tùy thuộc chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đối với DNTN, Hội đồng thành viên (HĐTV) đối với công ty hợp danh, HĐTV hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần quyết định, được thể hiện trong Điều lệ của công ty.

Trên thực tế cho thấy, trong giai đoạn luật quy định con dấu được giao cho nhân viên văn thư giữ, có trách nhiệm đóng dấu lên chữ ký người có thẩm quyền thì việc tranh chấp liên quan đến con dấu DN rất hiếm xảy ra. Bởi nhân viên văn thư giữ dấu không có quyền lợi gì ngoài trách nhiệm luật buộc phải làm. Trong khi đó, tranh chấp liên quan đến con dấu thường xảy ra nhiều nhất ở giai đoạn người đại diện theo pháp luật được quản lý, sử dụng con dấu. Khi con dấu bị chiếm giữ, mọi hoạt động của công ty hầu như bị dừng lại, DN không có cách nào khác là buộc phải khởi kiện ra Tòa án đòi con dấu để DN được tiếp tục hoạt động hoặc kiến nghị cơ quan công an yêu cầu xử lý hình sự về hành vi chiếm giữ con dấu.

Link bài viết

Khi xảy ra bất đồng, trong nội bộ công ty có tranh chấp, người đang quản lý, sử dụng con dấu bị truất quyền, họ vẫn muốn tìm cách duy trì quyền lực của mình, hoặc muốn gây khó khăn cho DN nhằm đạt được mục đích nào đó, thì họ tìm mọi cách trì hoãn, không bàn giao con dấu cho công ty hoạt động hoặc cố tình chiếm giữ, cất giữ con dấu ngoài DN.

Vấn đề nan giải trong cách giải quyết là nếu chọn cách ra Tòa án, vụ án sẽ bị kéo dài, do người chiếm giữ con dấu không hợp tác, cố tình tránh né, đến khi có bản án thì việc chây ỳ, không chịu thi hành bản án, chắc chắn là điều không thể tránh khỏi. Việc cưỡng chế thi hành đối với hành vi buộc giao con dấu cũng rất khó khăn vì không thể biết được con dấu được cất giữ ở đâu để cưỡng chế thu hồi con dấu.

Còn về hành vi chiếm đoạt con dấu thì tại thời điểm này, Bộ luật hình sự năm 2005 chỉ quy định hành vi chiếm giữ con dấu đối với cơ quan nhà nước, nên nhiều DN tỏ ra lúng túng, nội bộ DN phải tìm cách thỏa thuận, thương lượng với người chiếm giữ dấu theo yêu cầu của họ thì việc đòi con dấu mới được tháo gỡ. Như vậy, chúng ta rút ra kinh nghiệm rằng, việc kiện tụng hoặc nhờ cơ quan chức năng can thiệp khi và chỉ khi việc thương lượng, thỏa thuận giữa đôi bên tranh chấp không thể thực hiện được.

Khác với Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Doanh nghiệp 2014 đã giao cho DN chủ động, tự quyết định về con dấu. Con dấu giao cho ai quản lý, sử dụng được căn cứ vào tính đặc thù hoặc tình hình nội bộ DN. DN được quyền quyết định giao con dấu cho ai quản lý, sử dụng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất có thể có tranh chấp phát sinh về con dấu. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, tranh chấp về con dấu hầu như không xảy ra khi con dấu được giao cho nhân viên văn thư quản lý, sử dụng. Do đó, DN có thể giao con dấu cho nhân viên văn thư quản lý, sử dụng và buộc nhân viên văn thư phải thực hiện nhiệm vụ của họ theo Điều lệ DN quy định.

Mặt khác, Luật Doanh nghiệp cho phép DN chủ động khắc con dấu, thay đổi con dấu do DN quyết định, đặc biệt là sau khi DN thực hiện đúng quy trình thông báo mẫu con dấu đến cơ quan đăng ký kinh doanh nơi DN có trụ sở và đã được đăng tải thông tin về con dấu của DN trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN thì thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của DN các lần trước đó không còn hiệu lực.

Vì vậy, việc chiếm giữ, chiếm đoạt con dấu thường có cách giải quyết nhẹ nhàng êm thắm. Vấn đề con dấu bị chiếm giữ đối với DN hiện nay không còn làm các DN đau đầu, buộc phải kiện tụng để đòi bằng được con dấu như trước đây.

Song rất tiếc, đã có các DN không cập nhật quy định này để dẫn đến tranh chấp đòi con dấu không đáng có. Không hẳn khi có tranh chấp về việc bị chiếm giữ con dấu, chỉ có một biện pháp duy nhất là khởi kiện ra Tòa án hoặc Trọng tài. Thậm chí, khi bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, buộc phải thi hành nhưng bị đơn vẫn không giao con dấu vì cho rằng mình không giữ con dấu.

Thi hành án có thể lập biên bản vi phạm hành chính phạt tiền, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đề nghị khởi tố theo Điều 342 Bộ luật hình sự hiện hành quy định về tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo khoản 1 điều này, người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu có các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có thể bị phạt tù đến năm năm. Hoặc chấp hành viên có thể đề nghị khởi tố người cố tình không thi hành án về tội không chấp hành án theo Điều 380 Bộ luật hình sự năm 2015: Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm hoặc có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.

Trong kinh doanh, thường những người trong DN đều là những người thân tín, bạn bè thân hữu, họ hàng, việc dẫn đến tranh chấp thưa kiện nhau đã là chẳng đặng đừng, nay kéo theo hậu quả bị phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự là điều không nên có. Dẫu biết rằng DN được quyền khởi kiện, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN, đòi lại những gì thuộc về DN cũng như yêu cầu thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Vấn đề ở đây khi Luật Doanh nghiệp 2014 đã mở rộng quyền tự quyết định cho DN thay đổi con dấu về hình thức, nội dung con dấu DN, thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh và khi mẫu con dấu DN đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN thì DN được quyền sử dụng con dấu. Như vậy, DN nên vận dụng các điều luật cho phép để chủ động làm con dấu mới theo đúng trình tự luật quy định và vô hiệu hóa con dấu cũ để tiếp tục điều hành hoạt động kinh doanh, mà không cần phải khởi kiện, tránh để hoạt động kinh doanh của DN bị đình trệ và kết quả kiện tụng cũng không lấy gì khả quan hơn.

• Điện thoại tư vấn pháp luật miễn phí: 1800 6365

• Thư từ hỗ trợ, giải đáp pháp luật: Gửi về Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Lầu 5, Số 22 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con dấu bị chiếm giữ, nên giải quyết thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO