4 vấn đề pháp lý cần lưu ý về thỏa thuận sáng lập viên

LS. NGÔ NHẬT MINH *| 18/12/2017 00:32

Thỏa thuận sáng lập viên (TTSLV) là một loại thỏa thuận được ký kết giữa những thành viên hoặc cổ đông đầu tiên của công ty để quy định những vấn đề liên quan đến việc thành lập công ty, quản lý công ty, quyền lợi và nghĩa vụ của những người tham gia TTSLV.

4 vấn đề pháp lý cần lưu ý về thỏa thuận sáng lập viên

Một số vấn đề pháp lý mà các bên tham gia TTSLV cần lưu ý khi soạn thảo và ký kết thỏa thuận này, cụ thể như sau:

1. Tính đảm bảo pháp luật của TTSLV

Pháp luật hiện hành (cụ thể là Luật Doanh nghiệp 2014 (LDN 2014) và các văn bản hướng dẫn) chưa có quy định cụ thể về nội dung của TTSLV. Dưới góc độ là một loại hợp đồng theo pháp luật dân sự, các bên của TTSLV có quyền tự do thỏa thuận về nội dung của thỏa thuận này, nhưng nếu có bất kỳ điều khoản bị xem là trái với pháp luật doanh nghiệp thì điều khoản đó sẽ không thể thi hành và có tính ràng buộc đối với các bên có liên quan.

LDN 2014 có quy định rằng mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền và nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau. Do đó, nếu có thỏa thuận của TTSLV rằng sáng lập viên nắm giữ một cổ phần phổ thông mà bên cổ phần đó tạo ra nhiều quyền lợi hơn so với một cổ đông khác trong công ty không tham gia TTSLV thì thỏa thuận đó có thể bị xem là trái LDN 2014.   

Vì vậy, các sáng lập viên nên kiểm tra kỹ các nội dung của TTSLV trước khi chính thức đặt bút ký, vì các nội dung trái quy định của pháp luật sẽ không có giá trị ràng buộc đối với các chủ thể liên quan.

Link bài viết

2. TTSLV mâu thuẫn với điều lệ của doanh nghiệp (Điều Lệ)

Trên thực tế, việc TTSLV mâu thuẫn với quy định của Điều Lệ là có xảy ra. Chẳng hạn như khi TTSLV quy định việc bổ nhiệm người quản lý công ty chỉ do các bên trong thỏa thuận bổ nhiệm nhưng Điều Lệ có quy định hội đồng thành viên là cơ quan có quyền bổ nhiệm người này. Trong trường hợp đó, việc bổ nhiệm sẽ tuân theo Điều Lệ hay TTSLV và nếu một sáng lập viên hoặc nhóm sáng lập viên không thông qua việc bổ nhiệm người quản lý đó thì có xem là họ thao túng quyền kiểm soát công ty?

TTSLV là thỏa thuận được ký giữa các sáng lập viên có liên quan, do đó sẽ có tính ràng buộc trước hết với những người này. Khi thỏa thuận này được áp dụng trên quy định của Điều Lệ, với điều kiện TTSLV không vi phạm pháp luật, thì nội dung của TTSLV vẫn được ưu tiên áp dụng với điều kiện các bên có quy định điều khoản của TTSLV được ưu tiên áp dụng. Tuy nhiên, điều này không mang ý nghĩa là TTSLV sẽ có hiệu lực ràng buộc với công ty, các thành viên khác và các bên thứ ba.

Một đề xuất để hạn chế việc mâu thuẫn giữa Điều Lệ và TTSLV là đưa các quy định của TTSLV vào Điều Lệ để tạo nên sự thống nhất giữa hai văn bản đó. Tuy nhiên, việc quy định các thỏa thuận có tính áp dụng hạn chế cho các sáng lập viên vào một văn bản có tính chất công khai như Điều Lệ cần được xem xét kỹ lưỡng để đạt được sự chấp thuận của các thành viên/ cổ đông khác trong công ty cũng như bên thứ ba khác.  

3. Công ty có thể bị ràng buộc theo TTSLV?

Thông thường, công ty không phải là một bên ký TTSLV và một thực thể độc lập đối với các thỏa thuận trong TTSLV. Mặc dù vậy, trong một số thủ tục nhất định việc tham gia của công ty là cần thiết, ví dụ như việc công ty hỗ trợ về các thủ tục pháp lý khi một sáng lập viên chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho người khác và rời khỏi công ty theo quy định trong TTSLV. Do đó, các sáng lập viên vẫn có thể quy định các nghĩa vụ nhất định cho công ty trong TTSLV dù không phải là một bên trực tiếp ký văn bản này.

4. Giải quyết tranh chấp liên quan đến TTSLV

Để đảm bảo bí mật giữa các sáng lập viên, thông thường các bên thường xác định trong TTSLV rằng trung tâm trọng tài là bên có quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ TTSLV, sau khi các bên đã áp dụng các biện pháp thương lượng, hòa giải nhưng không có kết quả. Lý do là khác với việc giải quyết tranh chấp thông qua tòa án, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai và mang tính chung thẩm (chỉ một giai đoạn xét xử).

Lưu ý rằng các bên cần kiểm tra về việc nhất quán trong việc thỏa thuận chọn trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp cùng với việc áp dụng quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài đó. Trong một số trường hợp thực tế, việc chọn quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài khác với trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp đã làm cho thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được khi vướng vấn đề trên và các bên vì nhiều lý do đã không thỏa thuận một thỏa thuận trọng tài khác

* Tác giả là Luật sư tại BLaw Vietnam Company Limited

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
4 vấn đề pháp lý cần lưu ý về thỏa thuận sáng lập viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO