Thị trường Myanmar: Bước vào một chân

HỒNG NGA| 01/08/2012 05:07

Sau những dự báo khả quan, “thị trường vàng” Myanmar đã dần lộ diện với cả thuận lợi lẫn thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Thị trường Myanmar: Bước vào một chân

Sau những dự báo khả quan, “thị trường vàng” Myanmar đã dần lộ diện với cả thuận lợi lẫn thách thức đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Đọc E-paper

Hàng Việt Nam đang có chỗ đứng tại Myanmar - Ảnh: Người dân Myanmar - AFP

Yangon chờ hàng Việt

Các DN Việt Nam đã thâm nhập thị trường thành công Myanmar trên nhiều lĩnh vực như: dệt may, vận tải, công nghệ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp... Cụ thể, sau những lần tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, hệ thống phân phối Orange của Myanmar đã làm việc với nhiều đối tác của Việt Nam.

Trong đó, Orange đã đặt hàng Công ty Nước giải khát Tân Quang Minh số lượng khá lớn để đưa vào hệ thống phân phối tại thị trường này. Các công ty thực phẩm như Cầu Tre, Sagiang Food, Tân Hoàn Cầu cũng ký được một số hợp đồng đưa hàng vào các chuỗi bán lẻ lớn ở Myanmar.

Công ty May An Phước đã tiếp cận và ký được hợp đồng đưa hàng vào các trung tâm thương mại tại thủ đô Yangon và thành phố Mandalay của Myanmar.

Nhưng mạnh nhất hiện nay tại thị trường này là CT Group. Bà Trần Thị Mỹ Hòa, Giám đốc CT Retail (đơn vị con của CT Group), cho biết, CT Group đã thành lập văn phòng đại diện tại Myanmar và thiết lập một mạng lưới phân phối khá mạnh ở tất cả các kênh, từ chợ truyền thống cho đến siêu thị, trung tâm thương mại và cả hệ thống các đại lý, cửa hàng bán lẻ. “CT Group còn đang tiến hành xây dựng trung tâm thương mại tại thủ đô Yangon của Myanmar. Hiện tại, giấy phép đã xong và công ty đang thực hiện những bước tiếp theo để xây dựng trung tâm này”.

Trước hệ thống phân phối khá vững tại Myanmar, mới đây, CT Group đã ký hợp đồng với Vissan và Mỳ Gấu Đỏ để đưa hai mặt hàng này vào Myanmar. Hiện tại, doanh số của hai ngành hàng này đang rất tốt.

Theo nghiên cứu của CT Retail, hiện có khoảng 25 mặt hàng của Việt Nam đang bán rất chạy tại Myanmar là mì gói, nui, trà, cà phê, bánh kẹo, thực phẩm chế biết, hóa mỹ phẩm, quần áo trẻ em, đồ nhựa gia dụng, đồ điện gia dụng, dược phẩm, kim khí điện máy...

Vạn sự khởi đầu nan

Dù đã có những thành công bước đầu nhưng các DN cho biết vẫn còn nhiều rào cản khi làm ăn với Myanmar. Đó là chính sách chưa thật sự mở và minh bạch, các thủ tục pháp lý còn nhiêu khê, và cơ sở vật chất còn nghèo nàn.

Bên cạnh đó, hàng rào thuế với nhiều biểu thuế khác nhau, nhất là thuế nhập khẩu, cũng là một trở ngại lớn. Theo các DN, hiện nay, Myanmar áp thuế rất cao (thuế nhập khẩu từ 5-25%, thuế thương mại 1-20% tùy ngành hàng).

Bên cạnh đó, quy định về hạn ngạch nhập hàng và việc thiếu ngoại tệ để thanh toán cũng là trở ngại khi làm ăn tại Myanmar. Ở quốc gia này chỉ có ba ngân hàng có khả năng cung ứng dịch vụ thanh toán quốc tế. Phần lớn DN phải mở thư tín dụng tại ngân hàng nước thứ ba là Singapore.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng, tiềm năng xuất khẩu hàng tiêu dùng vào thị trường Myanmar còn rất lớn bởi sản xuất trong nước của Myanmar mới chỉ đáp ứng được 10%, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu.

90 triệu USD

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Myanmar đạt 90 triệu USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Myanmar đạt 40 triệu USD, tăng 30,2% và nhập khẩu hàng hóa từ Myanmar đạt 50 triệu USD, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm 2011.

Tuy nhiên, hiện tại, thị phần hàng xuất khẩu của Việt Nam tại Myanmar mới khoảng 1%. Ở thị trường này, sự cạnh tranh giữa hàng Việt Nam và Trung Quốc, Thái Lan đang diễn ra rất khốc liệt.

Hàng của Việt Nam đi bằng chính ngạch đang gặp khó khi phải cạnh tranh với hàng của hai nước này bằng tiểu ngạch. Nhờ giá rẻ, không phải chịu thuế nên tỷ lệ hàng hóa của hai nước này hiện chiếm tỷ trọng khoảng 70% trong hầu hết các siêu thị.

Không chỉ cạnh tranh với hàng Thái Lan, Trung Quốc, hàng Việt Nam còn cạnh tranh với chính hàng của nước mình do các nhà phân phối Thái Lan bán. Tại nước này, số lượng các nhà phân phối Thái Lan nhập tiểu ngạch hàng Việt đang chiếm số lượng lớn.

Vì vậy, nếu các DN đưa hàng vào thị trường này một cách đơn lẻ sẽ rất khó khăn. Đại diện Công ty Robot cho biết, hai năm qua, công ty đã tiếp xúc với nhiều đối tác Myanmar nhưng vẫn chưa thể thâm nhập được vào thị trường này.

Sau nhiều lần đến Việt Nam để lấy mẫu, các đối tác Myanmar “lặn mất tăm”. Đó là lý do nhiều năm nay Robot vẫn chưa thể đưa hàng vào thị trường này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường Myanmar: Bước vào một chân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO