Pháp luật về lao động có quy định một số trường hợp người lao động nước ngoài không cần xin giấy phép lao động.
Một trong những trường hợp này là di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO.
Theo đó, 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO bao gồm:
1. Kinh doanh;
2. Thông tin;
3. Xây dựng;
4. Phân phối;
5. Giáo dục;
6. Môi trường;
7. Tài chính;
8. Y tế;
9. Du lịch;
10. Văn hóa giải trí;
11. Vận tải.
Căn cứ để xác định người lao động (NLĐ) nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc các ngành dịch vụ được nêu bao gồm:
• Doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam.
• Hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam hoạt động thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ tương ứng với từng vị trí.
• Người nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi được cử sang Việt Nam làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp đó trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật, hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam bao gồm các hình thức như hợp đồng hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài.
Các giấy tờ chứng minh NLĐ nước ngoài thuộc trường hợp di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp và không phải xin giấy phép lao động bao gồm:
• Văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử sang làm việc cho hiện diện thương mại tại Việt Nam có ghi rõ thời hạn làm việc.
• Văn bản xác nhận là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.
• Văn bản chứng minh rằng NLĐ đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi cử sang Việt Nam làm việc.
• Văn bản chứng minh hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong phạm vi các ngành dịch vụ theo quy định của pháp luật như giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Các giấy tờ được liệt kê nêu trên nếu bằng tiếng nước ngoài thì được miễn hợp pháp hóa lãnh sự nhưng phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.