Cầm trên tay bản đề án, Chủ tịch IPPG Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, ông vừa ký kết hợp tác đầu tư với 4 đối tác lớn của Mỹ là Công ty Cantor Fitzgerald, Công ty Silver Stein, Công ty Weidner Resort - Gaming Asset Management và Công ty Steelman Partners để thực hiện 45 dự án trọng điểm do ông tâm huyết nghiên cứu và sẽ đồng bộ thực hiện tại 9 tỉnh, thành phố với quy mô lên đến hàng trăm tỷ USD, trong đó có đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế được TP.HCM đặt mục tiêu cho tầm nhìn đến năm 2050.
Với trách nhiệm của một người con đối với đất nước và với năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, cùng với đó là thế mạnh sở hữu hệ thống phân phối hơn 108 thương hiệu quốc tế tại Việt Nam... ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, đề án xây dựng TTTC quốc tế Việt Nam tại TP.HCM là tâm huyết đã được ông nghiên cứu từ cách nay cả thập kỷ và quyết tâm thực hiện các dự án này cũng như hỗ trợ vốn đầu tư công cho các tỉnh, thành, góp phần tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.
Nhận định vai trò quan trọng của việc thực hiện đề án TTTC quốc tế tại TP.HCM, trong văn bản đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM đã nhấn mạnh việc thành lập TTTC mang tầm cỡ quốc tế tại TP.HCM không chỉ là xu thế tất yếu của kinh tế hiện đại, mà còn là định hướng của một quốc gia năng động, phát triển, hội nhập, giúp nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới trên bản đồ tài chính thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam.
TP.HCM cũng sẽ thu hút được nhiều nguồn cung cầu về sản phẩm tài chính, phục vụ phát triển hoạt động thương mại, đầu tư vào kinh doanh, thu hút các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế hàng đầu trong nước và toàn cầu.
Trong lúc câu chuyện về các đề án đang được ông Johnathan Hạnh Nguyễn tâm huyết chia sẻ, cũng là lúc ông nhận tin vui từ Văn phòng Chính phủ: Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý chủ trương việc thành lập TTTC quy mô khu vực tại thành phố Đà Nẵng và đề án thành lập khu phi thuế quan tại Đà Nẵng của IPPG, càng khiến tâm trạng của ông Hạnh Nguyễn vui hơn. Ông nói: "Đây là một tin vui không chỉ cho riêng tôi, cho các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn tạo sự hứng khởi, lạc quan cho kinh tế Việt Nam tăng tốc trong năm 2022 và những năm tới".
37 năm với sứ mệnh là "người kết nối"
Trở lại với 45 dự án đang triển khai với mong muốn góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế của các tỉnh, thành cũng như đóng góp vào sự phát triển chung cho kinh tế Việt Nam, ông Hạnh nói: "Tôi đang tiếp tục sứ mệnh kết nối các nhà đầu tư để thực hiện nhiệm vụ của một người con đối với Tổ quốc". Nói đến đây, tôi bỗng nhớ đến câu chuyện của ông cách đây 37 năm.
Khi đó, Việt Nam đang tồn tại nền kinh tế bao cấp và việc di chuyển giữa Việt Nam với các quốc gia khác bằng đường hàng không hết sức khó khăn, phần lớn chuyến bay phải đi qua Bangkok, Thái Lan. Trong vai trò kết nối và hướng tâm trí của mình về quê hương Việt Nam, ông đã kết hợp với các đối tác khởi động những chuyến bay giữa TP.HCM và Manila (Phiippines) và đã tạo ra bước ngoặt lớn của lịch sử phát triển hàng không Việt Nam, cũng như của mối quan hệ Việt Nam - Phillippines và các nước tư bản trên thế giới.
Năm 1990, khi Việt Nam và Mỹ bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn lại tiếp tục kết nối và thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Thời điểm đó, dù môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn nhiều rủi ro, nhưng ông vẫn nỗ lực thuyết phục đối tác đầu tư các dự án vào Việt Nam để xây dựng và phát triển kinh tế.
Từ những dự án đầu tiên là sản xuất các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu, tạo việc làm cho gần 8.000 lao động địa phương, tiếp sau đó ông đã thành công khi kêu gọi được 18 dự án trong nhiều lĩnh vực như lắp ráp ô tô, chế biến song mây, sản xuất dây khóa kéo hay đầu tư xây dựng khách sạn... Hiện tại, ông đã mang về Việt Nam hơn 100 thương hiệu thuộc lĩnh vực thời trang, ẩm thực, rượu... là những thương hiệu lớn và đẳng cấp thế giới. Cũng vì thế người ta gọi ông là "Vua hàng hiệu" .
Ông nói: "Ngoài trách nhiệm của một người con đối với Tổ quốc, mong muốn của tôi là tiếp tục đưa tập đoàn vươn tầm lớn mạnh và tiếp tục hành trình "mang tinh hoa của thế giới đến với Việt Nam". Và đúng vậy. Hành trình "kết nối" nhà đầu tư nước ngoài của ông vẫn đang tiếp tục. Năm 2016, ông đã kết nối, liên danh các nhà đầu tư Mỹ đề xuất với TP.HCM đầu tư TTTC TP.HCM. Tuy nhiên thời điểm đó, thành phố chưa sẵn sàng các điều kiện về cơ chế và chính sách, chưa bố trí được nguồn lực về đất đai và quy hoạch cho dự án nên đề xuất của liên danh đầu tư chưa được xem xét phê duyệt.
Kiên trì và đặt trọn niềm tin vào các đề án ấp ủ sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam và TP.HCM, đến thời điểm này, ông rất vui khi 45 dự án trọng điểm cho Việt Nam đang dần trở thành hiện thực.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết: "Năm 2020, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn đã gây ra những bất ổn về kinh tế, khi thấy các tổ chức tài chính đang nôn nóng tìm kiếm địa điểm mới ở các nước châu Á để dịch chuyển dòng vốn, tôi nghĩ đây chính là thời điểm để Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội vàng. Vì thế, tôi tiếp tục "kiên trì” sứ mệnh là người kết nối và thuyết phục các nhà đầu tư Mỹ quay trở lại".
Link bài viết
TTTC quốc tế "mới": Bộ mặt của thành phố tương lai
Trước xu hướng phát triển của các TTTC trên thế giới đang chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình phi truyền thống (hay còn gọi là TTTC "mới"), dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số; kết hợp giữa khởi nghiệp sáng tạo với các dịch vụ tài chính hiện đại như công nghệ tài chính, đi kèm đó là các dịch vụ tiện ích chất lượng cao như khu giải trí, tổ hợp khu nghỉ khách sạn cao cấp... ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, TTTC Việt Nam cần phải phát triển theo mô hình phi truyền thống thì mới tạo được điểm nhấn, thu hút được các định chế tài chính, các nhà đầu tư hàng đầu thế giới cũng như gia tăng sức cạnh tranh của Việt Nam với các TTTC khác như Singapore, Dubai, Thượng Hải, Hồng Kông, Tokyo...
Ông Hạnh cũng cho biết: "Singapore và Hồng Kông hiện là hai trong số các TTTC lớn trên thế giới, ngoài ra còn có nhiều TTTC trọng điểm khác trong khu vực như Thượng Hải, Tokyo và Bắc Kinh. Những TTTC mới hơn như Thẩm Quyến, Quảng Châu và Thành Đô cũng đang có những bước đáng kể trong bảng xếp hạng toàn cầu. Điều này cho thấy xu hướng thành lập các TTTC để thu hút các nhà đầu tư lớn và cạnh tranh TTTC giữa các quốc gia trong khu vực và thế giới đang diễn ra mạnh mẽ. Vì thế, TTTC của Việt Nam cần hướng đến việc tái định vị Việt Nam như một cửa ngõ cho các nhà đầu tư toàn cầu trong thị trường khu vực ASEAN và cạnh tranh được với Singapore và Hồng Kông".
Cùng với mô hình TTTC "mới" thì vị trí đặt TTTC cũng đóng vai trò rất quan trọng, là một trong những yếu tố tạo sự thành công. Vì thế, các nhà đầu tư Mỹ đã đề xuất đặt TTTC tại các vị trí trung tâm thành phố, kết nối để tạo thành một tổng thể hài hòa, hiện đại xứng tầm với vị thế TP.HCM - một thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước.
Trong vai trò là người kết nối và cùng tham gia với các nhà đầu tư chiến lược, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, để các dự án có thể giúp Việt Nam phát triển bứt phá, tiêu chí chọn nhà đầu tư không chỉ có tiềm lực tài chính mạnh mà còn phải có kinh nghiệm, đặc biệt là phải có tiếng nói và tầm ảnh hưởng toàn cầu đẳng cấp thế giới trong các lĩnh vực tài chính, thiết kế xây dựng, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí... "Đó là lý do tôi kiên trì thuyết phục Cantor Fitzgerald L.P. - một tập đoàn tài chính toàn cầu thuộc danh sách Fortune Global 500 - đứng đầu cùng quay trở lại đầu tư và thực hiện dự án".
Lợi thế để nhà đầu tư chọn Việt Nam
Theo ông Hạnh Nguyễn, so với các TTTC khu vực châu Á, Việt Nam có nhiều lợi thế được các nhà đầu tư đánh giá cao, đó là sự ổn định về chính trị. Mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh chính trị toàn cầu. Điều đó đảm bảo để thực hiện một chính sách kinh tế nhất quán. Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, tính kết nối cao, có múi giờ khác biệt với 21 TTTC lớn nhất toàn cầu - một điều kiện rất thuận lợi để tận dụng, tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực. Đây cũng là lợi thế riêng của Việt Nam và đặc biệt là việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch giữa các TTTC quốc tế khác múi giờ.
Một lợi thế khác không kém quan trọng, đó là Việt Nam đã và đang cải tiến nhiều thể chế mang tính cạnh tranh quốc tế thu hút nhà đầu tư, đáp ứng điều kiện phát triển TTTC khu vực như môi trường kinh doanh pháp luật từng bước và các quy định về đầu tư khác. Điều đó thể hiện sự quyết tâm và ước vọng của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam là đưa đất nước trở thành nước phát triển vào năm 2045. Trong giai đoạn 2021-2030, kinh tế vĩ mô Việt Nam được dự báo tiếp tục ổn định. Mô hình tăng trưởng chuyển đổi theo hướng phát triển hài hòa giữa chiều rộng lẫn chiều sâu, nền kinh tế tăng trưởng xanh và bền vững hơn. Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện.
Theo dự báo đến năm 2050, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, trung bình khoảng 5,1%/năm. Đến năm 2035, hơn 50% dân số dự kiến gia nhập tầng lớp trung lưu với mức tiêu dùng 15 USD/ngày hoặc cao hơn, GDP bình quân đầu người theo PPP (giá USD năm 2011) có thể tăng lên mức 15.000 USD vào năm 2035 và tăng lên 18.000 USD vào năm 2040 nếu kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng 5%/năm và lên 22.000 USD vào năm 2045 nếu tăng trưởng đạt 5%/năm.
Link bài viết
"Đây chính là những yếu tố thể hiện tiềm năng to lớn cho sự phát triển thị trường tài chính Việt Nam trong tương lai", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Đặc biệt, TP.HCM chiếm hơn 31% doanh nghiệp, thu hút hơn 37% dự án FDI cả nước, là nơi có mật độ tập trung các định chế tài chính cao nhất so với các địa bàn khác và có năng suất lao động đạt khoảng 293 triệu USD/lao động/năm, gấp 2,7 lần năng suất lao động các nước. Với những lợi thế riêng hoàn toàn đủ sức cạnh tranh trong cuộc đua thu hút các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính lớn trên thế giới hội tụ nếu chúng ta quyết tâm làm.
Cần giải bài toán thách thức
Dù có nhiều lợi thế nhưng Việt Nam cũng cần "dè chừng" các nước trong khu vực cũng đang chạy đua và đang thay đổi các quy chế để thu hút các định chế tài chính lớn trên thế giới, vì họ hiểu rằng chỉ có một số tập đoàn tài chính với "vị thế khủng, uy tín mạnh mới có thể giúp các nước thành lập TTTC "đúng tầm " và trong một thời gian nhanh nhất.
Cũng như Việt Nam, các nước khu vực đều muốn tận dụng sự dịch chuyển dòng vốn của các định chế lớn và vươn lên trở thành TTTC lớn khu vực và quốc tế. "Vì vậy, chúng ta cần nắm bắt thời cơ nghìn năm có một một cách khẩn trương, Chính phủ cần sớm ban hành khung chính sách riêng cho TTTC Việt Nam phù hợp với thông lệ chuẩn quốc tế. Cùng đó, mức độ tự do hóa tài khoản vốn, độ mở, độ phát triển của thị trường tài chính cũng cần cải thiện nhanh hơn nữa." ông Hạnh nói.
Riêng TP.HCM, cần giải quyết bài toán hạ tầng, hạ tầng công nghệ thông tin... Đặc biệt, cải thiện mức xếp hạng PCI (năng lực cạnh tranh). "Đó là những thách thức cần sớm tháo gỡ để TTTC quốc tế Việt Nam tại TP.HCM sớm hình thành để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các đầu tư công cũng như cho các doanh nghiệp, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, đóng góp vào sự thịnh vượng của nước nhà và là niềm tự hào của mỗi người con Việt Nam", ông Hạnh Nguyễn chia sẻ.