Trung Quốc ‘hướng nội’ để đối phó chiến tranh thương mại

THÁI BẢO| 05/10/2018 00:35

Xuất khẩu giảm, trong khi sản xuất tăng trưởng chững lại, Trung Quốc đang tìm các giải pháp “hướng nội” để bảo vệ nền kinh tế.

Ngày 24/9, Mỹ chính thức áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Vài ngày sau đó, Washing tiếp tục cảnh báo sẽ tăng mức thuế lên 25% nếu Bắc Kinh không đồng ý nhượng bộ đúng thời hạn 1/1/2019. Đứng trước cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu có tín hiệu lung lay. Nguồn cầu cả trong và ngoài nước của ngành sản xuất chế tạo quốc gia này đều sụt giảm, trước đòn trả đũa cứng rắn của Mỹ.

Tín hiệu xấu trong sản xuất

Cuối tháng 9 qua, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của ngành sản xuất giảm xuống từ 51,3 điểm tháng 8 còn 50,8 điểm trong tháng 9, mức thấp nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây. Trong suốt 26 tháng qua, chỉ số này luôn nằm trên mức 50 điểm – ranh giới giữa tình trạng mở rộng hay thu hẹp sản xuất. Còn theo khảo sát của kênh kinh tế Caixin (Trung Quốc), chỉ số này chỉ đạt 50 điểm so với mức 50.6 vào tháng 8. Cả hai kết quả trên đều thấp hơn kết quả dự đoán 51,2 điểm do Reuters thực hiện.

Link bài viết

Bên cạnh đó, số lượng đơn hàng xuất khẩu của ngành cũng bắt đầu chững lại sau 15 tháng phát triển liên tục. Chỉ số phụ đơn hàng xuất khẩu đã giảm liên tục 4 tháng, từ 49,4 điểm trong tháng 8 còn 48 điểm, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tất cả những tín hiệu gần đây đều cho thấy nền kinh tế tăng trưởng nóng của quốc gia công xưởng số 1 thế giới này đang nguội dần. Áp lực từ ma sát và trả đũa thương mại từ Mỹ bắt đầu đè nặng lên giới chức trách Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ phải sớm tìm ra giải pháp kích thích tăng trưởng trong những tháng tới.

“Hướng nội” để giảm thiệt hại

Theo South China Morning Post, dù chiến tranh thương mại vẫn chưa thực sự gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Trung Quốc, cuộc đối đầu này vẫn gây nhiều hoang mang cho doanh nghiệp và người dân tại đây. Trung Quốc dự tính sẽ tái sinh thị trường nội địa bằng cách nâng cấp các vùng công nghiệp lạc hậu và khu vực nông thôn rộng lớn. Trong bài phát biểu tuần trước, ông Tập tuyên bố rằng chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại khiến Trung Quốc phải tự chủ hơn, và “không phải một điều xấu”.

Vài ngày sau khi Mỹ áp dụng đòn trả đũa mới nhất, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình công bố bản cải tiến kế hoạch phát triển kinh tế khu vực nông thôn giai đoạn 2018-2022. Bản sửa đổi này bao quát từ xử lý rác thải đến “chỉ số Engel” – chỉ số đo lường chi tiêu cho lương thực trên tổng thu nhập, được coi là chỉ số đo sự thịnh vượng của một quốc gia.

Ngoài ra, chính phủ nước này còn yêu cầu chính quyền các địa phương giảm phí tham quan các địa điểm nổi tiếng để kích cầu du lịch. Giới quan sát nhận định Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và khu vực dịch vụ. Chính quyền nước này hy vọng giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu và tránh tác động của chiến tranh thương mại với Mỹ.

Hoạt động xuất khẩu vốn chiếm 18% GDP của cường quốc châu Á này trong 6 tháng đầu năm 2018, với 1/5 trong đó là từ Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc ‘hướng nội’ để đối phó chiến tranh thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO