TS. Nguyễn Trí Dũng - Tổng giám đốc Công ty Minh Trân: "Cơ hội để xây dựng tương lai mới giữa Việt Nam và Nhật Bản"

Ngọc Lý| 01/03/2023 06:00

TS. Nguyễn Trí Dũng - Tổng giám đốc Công ty Minh Trân là một trong số ít Việt kiều đầu tiên được Chính phủ Việt Nam mời về góp phần tìm giải pháp giúp đất nước vượt qua khó khăn sau khi nước nhà thống nhất. Bước sang tuổi 75, ông vẫn đi về giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ông cho rằng, cột mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023) là cơ hội để hai nước cùng nhau xây dựng tương lai mới. Trên nền tảng đó, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng kế hoạch hợp tác cho 20 năm, 50 năm tới.

Trở về Việt Nam với tâm thế một chuyên gia kinh tế của Liên Hiệp Quốc, TS. Nguyễn Trí Dũng đã góp phần quan trọng xây dựng nhiều chương trình nhằm kết nối kinh doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhiều năm qua, Minh Trân - Vườn ươm giấc mơ Việt Nam do TS. Nguyễn Trí Dũng xây dựng đã trở thành điểm kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tâm huyết với việc phát triển kinh tế, văn hóa nước nhà. Và ông luôn sẵn lòng chia sẻ những bài học quý giá về "tư duy phát triển Nhật Bản".

Cuộc gọi phỏng vấn của tôi với TS. Nguyễn Trí Dũng vào thời điểm ông vừa quay trở lại Nhật Bản thăm gia đình. Chia sẻ cảm xúc nhân dịp Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, ông cho biết: "Rất vui vì những đóng góp của tôi trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được cả hai chính phủ ghi nhận".

-1199-1677208264.jpg

* Trở lại Nhật Bản lần này, ông thấy diện mạo đô thị của Việt Nam hiện nay như thế nào so với Nhật Bản?

- Có thể nói, diện mạo đô thị tại các thành phố lớn của nước ta đã hiện đại hơn, có nhiều công trình tạo dấu ấn về kiến trúc, cảnh quan. Nhìn bên ngoài thì hình thức sinh hoạt giữa các đô thị Việt Nam và Nhật Bản không khác biệt nhiều như trước đây. Tuy nhiên, xét về giao thông đô thị, tại Nhật Bản tổ chức chặt chẽ, hợp lý hơn, cộng đồng dân cư cũng có ý thức giao thông cao hơn.

 * Dưới góc nhìn của một nhà trí thức, đồng thời là doanh nhân, theo tiến sĩ, Việt Nam và Nhật Bản đã có những bước tiến thế nào về quan hệ kinh tế và giao lưu văn hóa trong 50 năm qua?

- Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, cả hai bên đều cần thời gian để hiểu nhau. Ở giai đoạn đầu, một bộ phận nhân dân hai nước đặt câu hỏi về lý do thiết lập quan hệ hợp tác. Tuy nhiên, khi quan hệ, đầu tư, giao lưu văn hóa giữa hai nước ngày càng tăng thì không còn thắc mắc này. Quan hệ hai nước đã trở nên gần gũi, thân thiện. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Nhật Bản có cảm tình tốt với nhau.

Chúng ta thấy rõ việc hợp tác ngày càng phát triển giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản và ngược lại. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã làm ăn lâu dài ở Việt Nam. 5 năm gần đây, người lao động Việt Nam qua làm việc tại Nhật Bản ngày càng nhiều và ở chiều ngược lại, người Nhật cũng sinh sống nhiều ở các thành phố lớn tại Việt Nam.

Từ xuất phát điểm thấp, hiện Việt Nam đã có nhiều ngành công nghiệp phát triển nhưng chưa có sự tập trung, vẫn chủ yếu gia công, thiếu liên kết thành chuỗi. Vì vậy, hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản còn nhiều dư địa phát triển để cạnh tranh với các nước trong khối ASEAN.

Cột mốc kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản chính là cơ hội để hai nước xây dựng tương lai mới. Trên nền tảng đó, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng kế hoạch hợp tác cho 20 năm, 50 năm sắp tới. 

Quan điểm kinh doanh tương đồng rõ nét nhất của doanh nhân Việt Nam và Nhật Bản chính là duy trì chữ tín và giảm thiểu những tranh chấp không cần thiết. Điều này tương tự như cuộc sống vợ chồng, đã chung sống là có mâu thuẫn. Gia đình hạnh phúc là thuận vợ thuận chồng và sự khéo léo của hai bên.

* Trong quá trình kết nối giữa doanh nghiệp hai nước về thương mại, văn hóa, kỷ niệm nào để lại ấn tượng nhất trong ông?

- Trở về quê hương sau ngày thống nhất, nhận thấy đất nước còn khó khăn, quan hệ hai nước chưa thuận lợi, tôi đã xây dựng Hội Thị dân Nhật Bản ủng hộ Việt Nam, quyên góp và trao tặng hơn 1.200 máy may cho 60 trung tâm dạy nghề cho phụ nữ phát triển kinh tế. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và lan tỏa khắp nước Nhật. Đó cũng là tiền đề để tôi tổ chức giao lưu văn hóa và kết nối kinh doanh cho doanh nghiệp giữa hai nước sau này, trong đó có mạng kết nối Việt Nam - Nhật Bản (JAVINET). Đây là chương trình hợp tác Việt - Nhật do tôi thành lập để xúc tiến kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và vận động một số trí thức, chuyên gia đã nghỉ hưu sang Việt Nam làm việc trong 20 năm qua.

* Với vai trò kết nối, ông đánh giá đâu là điểm tương đồng văn hóa kinh doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản? Tính cách của doanh nhân Nhật và Việt có cụm từ chung nào mà riêng ông có thể đúc kết?

- Điểm tương đồng rõ nhất trong văn hóa kinh doanh của người Nhật và người Việt là tình cảm dành cho gia đình. Người Việt đa phần sống chủ yếu vì gia đình, nhưng ý thức cộng đồng chưa rõ nét. Người Nhật cũng vì gia đình, nhưng ý thức cộng đồng rất cao. Khi hợp tác với đối tác các nước phương Tây, doanh nghiệp Việt sẽ thấy họ dựa trên luật pháp để giải quyết mọi vấn đề. Nhưng khi hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản, sẽ thấy họ suy tính hợp tác rất kỹ, tránh tranh chấp, kiện tụng.

Còn nữa, quan điểm kinh doanh tương đồng rõ nét nhất của doanh nhân Việt Nam và Nhật Bản chính là duy trì chữ tín và giảm thiểu những tranh chấp không cần thiết. Điều này tương tự như cuộc sống vợ chồng, đã chung sống là có mâu thuẫn. Gia đình hạnh phúc là thuận vợ thuận chồng và sự khéo léo của hai bên.

* Nhiều doanh nhân Việt Nam đang trăn trở về đội ngũ kế thừa. Trong khi đó, ở Nhật Bản có nhiều doanh nghiệp tồn tại hằng trăm năm, họ đã chọn đội ngũ kế thừa và đào tạo ra sao, thưa ông?

- Chọn người kế thừa là công việc rất khó. Trong khu vực, vì có lịch sử  kinh doanh lâu đời, Nhật Bản là nước làm rất tốt việc này. Họ lựa chọn người kế thừa vì sự phát triển doanh nghiệp. Toyota là một ví dụ sinh động cho việc này. Từ một công ty chế tạo máy dệt, sau đó mới lập ra công ty ô tô trên cơ sở công nghệ của ngành dệt, Toyota đã trải qua nhiều đời nhưng người trong gia tộc kế thừa không liên tục. Quan điểm của người Nhật là chọn người có tài đức để trở thành lãnh đạo kế nhiệm.

Khi không chọn được người kế thừa trong gia tộc, người Nhật sẽ chọn người ngoài. Và người được lựa chọn phải trải qua nhiều vị trí, có nhiều đóng góp tại doanh nghiệp. Họ chuẩn bị rất kỹ cho việc này. Trong khi đó, người Việt thường muốn chọn người trong gia tộc.

* Từ chuyện của Honda trong cuốn sách Honda Soichiro - Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới mà tiến sĩ là dịch giả, ông có lời khuyên gì với doanh nhân Việt đang loay hoay tìm người kế thừa?

- Honda không đưa ai trong gia tộc vào công ty. Họ tìm người tài để kế thừa lãnh đạo và dẫn dắt doanh nghiệp. Khi được cả công ty thẩm định, đánh giá cao về năng lực thì người đó sẽ yên tâm phát triển kinh doanh.

Ở Nhật Bản, dù có con trai nhưng nếu chưa "xứng đáng" họ vẫn chọn con rể. Họ có chế độ nuôi rể, đổi họ và tuyên bố người đó là con của gia đình. Và khi vào gia đình, người rể sẽ thấy trọng trách của mình với doanh nghiệp và xã hội lớn hơn. Việc này ở Việt Nam còn rất xa lạ.

Theo tôi, doanh nghiệp Việt nên nghĩ sâu về vấn đề này. Bản thân tôi khi dịch tác phẩm Honda Soichiro - Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới cũng là với mong muốn giúp doanh nhân nước nhà có thêm thông tin và tham khảo về việc xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp. Ở bất kỳ quốc gia nào, việc lựa chọn người trong gia tộc kế nghiệp đều mang đến cảm giác yên tâm hơn. Nhưng dù làm chính trị hay doanh nghiệp thì cũng phải nghĩ "cha truyền con nối" chưa chắc là tư duy tốt.

* Theo quan sát của ông, so với 20 năm trước thì doanh nghiệp Việt khi làm việc với doanh nghiệp Nhật đã có những thay đổi gì?

- So với 20 năm trước, ở nhiều mặt, nhiều cấp, doanh nghiệp Việt đã có kinh nghiệm làm ăn với doanh nghiệp Nhật, đã đạt được những thành tựu nhất định và có những bước tiến xa so với giai đoạn đầu. Hai bên đã có sự thấu hiểu và đồng cảm. Trong các gia đình Việt, rất nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Nhật hiện diện và ở chiều ngược lại, nhiều sản phẩm Việt cũng xuất hiện tại Nhật. Nhiều công nghệ mới của Nhật được chuyển giao thành công tại Việt Nam.

Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, không thể tự mãn so với những cái mình đang có được. Về giao tiếp với doanh nghiệp Nhật, doanh nhân Việt cần phải trau dồi thêm tiếng Anh hay tiếng Nhật, cũng cần tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa Nhật Bản. Hiện ở Việt Nam có nhiều sách dịch viết về văn hóa Nhật Bản, nhưng không ít tư liệu được dịch qua tiếng Anh không còn giá trị hiện tại. Chẳng hạn như sách dịch về văn hóa thực dưỡng của Nhật, nhưng thực tế trong sinh hoạt hằng ngày, hiện nay người Nhật không thể hiện kiểu đó.

Nói chung, doanh nghiệp Việt khi hợp tác với doanh nghiệp Nhật đã có sự thay đổi tốt, nhưng vẫn ở mức độ tương đối so với nhu cầu. Do đó, chúng ta phải thay đổi để có tương lai mới.

-2471-1677208264.jpg

* Theo ông, văn hóa đóng vai trò thế nào trong việc kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản?

- Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng về văn hóa. Như Nhật Bản có kimono thì Việt Nam có áo dài truyền thống chẳng hạn. Trong lĩnh vực tôn giáo, tượng Phật của Việt Nam và Nhật Bản khá giống nhau. Khi nhìn vào tượng Phật của hai nước, thấy rõ tính nhân ái và sự bình an. Phạm trù về văn hóa thì rất rộng, mỗi người ở lĩnh vực khác nhau sẽ có định nghĩa và cách hiểu khác nhau. Nhưng trên tất cả, tôi cho rằng văn hóa tôn trọng là quan trọng nhất trong kinh doanh. Chúng ta hay dùng từ hợp tác win-win để mô tả việc hợp tác đôi bên cùng có lợi, không nghiêng về bên nào. Vì vậy, việc xây dựng niềm tin và tôn trọng đối tác là quan trọng nhất trong quá trình hợp tác làm ăn.

Việt Nam và Nhật Bản có điểm chung là đều từng trải qua chiến tranh nên nhân dân hai nước đều rất quý trọng hòa bình. Trong quá khứ, khi Việt Nam còn chiến tranh, nhân dân Nhật Bản đã ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến giành độc lập của Việt Nam. Đó cũng là lý do khi tôi kêu gọi ủng hộ phụ nữ Việt Nam máy may đã nhận được sự ủng hộ và lan tỏa mạnh mẽ trên toàn nước Nhật. Tình cảm của nhân dân hai nước ngày càng gắn kết hơn. Nhiều người Việt đã trở thành dâu, rể Nhật Bản và nhiều người Nhật đã kết hôn với người Việt. Bản thân tôi cũng có vợ là người Nhật. Trong gia đình, sự thấu hiểu nhau rất quan trọng để tạo nên sự gắn kết bền chặt và trong kinh doanh cũng vậy. Sự thấu hiểu về văn hóa là tiền đề để tạo nên sự hợp tác thành công về lâu dài.

* Hiện nay, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã và đang chuẩn bị các hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Với vai trò là Chủ tịch JAVINET, ông đã và đang làm gì để góp phần làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ giữa doanh nghiệp hai nước?

- Tôi nghĩ rằng, cùng với những hoạt động của chính phủ hai nước nhằm thắt chặt hơn quan hệ ngoại giao, việc xây dựng chiến lược ngoại giao nhân dân vô cùng quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn nhiều biến động hiện nay. 

Hiện nay, nhiều người Nhật có cảm tình với Việt Nam và muốn chuyển sang sinh sống tại đây, bởi họ nhận thấy sự thân thiện, dễ giao tiếp của người Việt. Đây cũng là nền tảng cho sự phát triển hơn nữa quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong những năm tới.

Việc tôi xây dựng Vườn Minh Trân và tổ chức giao lưu, kết nối tại đây chính là muốn góp phần xây dựng mô hình ngoại giao nhân dân. Tôi đã làm việc này suốt nhiều năm và sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh này. Tôi kỳ vọng Vườn Minh Trân là điểm kết nối của nhân dân Việt Nam với nhân dân Nhật Bản.

Để kỷ niệm cột mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, tôi đã dịch sang tiếng Việt cuốn cẩm nang bảo vệ sức khỏe cho thanh thiếu niên sử dụng rộng rãi trong nước Nhật. 

Dự kiến, khi trở lại Việt Nam lần này, tôi sẽ công bố tác phẩm này vào đầu tháng 4 tới. Đây được xem là sự đóng góp của tôi nhân sự kiện 50 năm thiết lập ngoại giao giữa hai nước.  

Tôi hy vọng sắp tới sẽ có sự hợp tác với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn để tổ chức chương trình tọa đàm kết nối kinh doanh và giao lưu văn hóa giữa doanh nhân Việt Nam và doanh nhân Nhật Bản.

* Cảm ơn tiến sĩ với những chia sẻ thú vị! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TS. Nguyễn Trí Dũng - Tổng giám đốc Công ty Minh Trân: "Cơ hội để xây dựng tương lai mới giữa Việt Nam và Nhật Bản"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO