Cuộc gọi phỏng vấn của tôi với Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ vừa đúng lúc chuyến bay từ Hà Nội đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Bên kia đầu máy, ông Kỳ cho hay, ông vừa tham dự hội nghị với Thủ tướng để tháo gỡ những khó khăn cho ngành du lịch, nửa tiếng nữa sẽ có mặt tại công ty.
Đúng nửa tiếng, tôi có mặt tại trụ sở Công ty Vietravel trên đường Pasteur, Q.3. Với vẻ hơi mệt mỏi và thoáng chút ưu tư, ông nói: "Hà Nội mấy ngày nay lạnh và buốt. Mình không quen lắm với cái lạnh. Trước khi ra sân bay, nghe dự báo thời tiết đêm nay Hà Nội có đợt rét mạnh tràn về. Song cái lạnh của thời tiết không bằng nỗi buồn về chuyến đi chưa có giải pháp thật tốt như mong đợi".
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ |
Ông tiếp: Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Việt Nam đã giải quyết dịch rất nhanh nhờ sự thay đổi cách chống dịch bằng chiến dịch vaccine. Từ không vaccine, chúng ta chuyển thành có vaccine và đã giúp cả dân tộc, đất nước vượt qua đại dịch sớm. Tất nhiên, vẫn phải trả giá nhưng sự trả giá đó xứng đáng vì chúng ta bước ra khỏi vùng dịch sớm và ngày 15/3/2022, Việt Nam đã chính thức mở cửa với quốc tế - sớm hơn tất cả các nước trong khu vực.
Mặc dù điểm cộng của ta là có chính sách mở cửa sớm, nhưng du lịch Việt Nam lại về chậm và đến tháng 12 thì lại trở thành điểm trừ, khiến du lịch Việt Nam đang từ vùng sáng lại trở thành vùng tối.
Tại hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam vừa diễn ra vào sáng 21/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đặt câu hỏi: "Tại sao các nước xung quanh mở cửa chậm hơn Việt Nam nhưng họ lại về đích trước?".
* Và mấu chốt sự chậm trễ này là...
- Vấn đề lớn nhất sau khủng hoảng toàn cầu 2020-2022 là tất cả các nước, các doanh nghiệp (DN) đều trở về vạch xuất phát như nhau, không kể lớn hay nhỏ. Vì thế, anh nào chuẩn bị tốt, chạy trước, xuất phát nhanh sẽ chiếm lĩnh thị trường. Nước nào chuẩn bị tốt, giải quyết đại dịch sớm và có chính sách xuất phát nhanh sẽ lấy thị trường. Không có chuyện lớn thắng nhỏ mà đây là nhanh thắng chậm.
Tuy nhiên, để phục hồi kinh tế, cần phải có cái mới, nhận thức mới, phương thức mới và cách làm mới nhưng "cái mới" lại bị khung pháp luật, pháp lý cũ, nói cách khác là bị tình thế cũ, tình hình cũ bó buộc, níu lại không làm được. Muốn sửa thì phải sửa cả một hệ thống, phải có nhiều cơ quan ban ngành và không thể sửa một sớm một chiều.
Sự giằng co, níu kéo giữa những quy định mới và cũ không giải quyết được nên thay vì chúng ta xuất phát sớm, xuất phát nhanh thì cứ lùng nhùng mãi thành ra chậm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng không thể gỡ khó đồng bộ cùng lúc tất cả lĩnh vực, vì còn nhiều ngành nghề khác phải ưu tiên trước.
* Và ông gọi đó là sự "lệch pha"?
- Phải nói rằng sau khủng hoảng cả Chính phủ và DN đều mong muốn phát triển, muốn tiến tới, không ai muốn dừng lại. Nhưng DN muốn đi nhanh thì phải có hệ thống pháp luật, pháp lý, cơ chế chính sách, khung pháp luật mới phù hợp tình hình mới, chứ không thể vượt qua pháp luật mà đi.
Nói cách khác, Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương với vai trò là kiến tạo phải đi trước, phải kiến tạo khung pháp lý phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt là Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và DN phải đồng hành với nhau và phải thấu hiểu. Vì nếu đi trước mà không hiểu và thấu hiểu thì DN cũng chết. Cho nên phải đi trước và thấu hiểu mới chia sẻ và khuyến khích được DN, giúp họ phát huy hết nội lực, năng lực, phát huy hết sự nhiệt tình, kiên định và giữ được lòng tin.
Song thực tế đến nay thì việc kiến tạo này vẫn còn chậm. Đây là sự lệch pha. Tôi hay nói đùa sự lệch pha này là "chân cao chân thấp", nó làm cho chúng ta không đi nhanh được và không phát huy được hết thế mạnh của mỗi bên, dẫn đến cản trở sự phục hồi nhanh của DN.
* Ông vừa nói "phải có sự thấu hiểu, chia sẻ”... điều này cũng là tâm tư của ông với câu chuyện đang diễn tiến tại Vietravel?
- Tôi luôn nói lợi ích giữa Nhà nước và DN phải hài hòa. Hài hòa là gì? Là DN khi đã làm tròn nghĩa vụ đóng thuế, làm đúng pháp luật và đầy đủ nghĩa vụ nhưng khi có rủi ro Chính phủ phải chia sẻ với DN.
Ví dụ vừa qua, khi Vietravel có 3 khách trốn ở lại Hàn Quốc. Đó là sự cố, hay nói cách khác là vấn đề bất khả kháng và rủi ro của DN. Nhưng Sở Du lịch đề nghị tước giấy phép du lịch của Vietravel và phải đóng mức phạt kịch khung, rút giấy phép du lịch quốc tế...
Tôi khá bức xúc về cách xử lý và quyết định này bởi từ sau dịch đến giờ, Vietravel đã đưa đi nước ngoài hàng trăm nghìn khách, nếu chỉ có 3 khách trốn trong khi chúng tôi đã làm tất cả chặt chẽ rồi thì khi rủi ro, sự cố, cơ quan quản lý cần tìm hiểu, không nên ra quyết định một cách vô cảm, không có sự sẻ chia và thấu hiểu DN như vậy.
* Nhận diện được mấu chốt và sự lệch pha, chắc chắn hội nghị cũng đã có giải pháp?
- Chưa có giải pháp gì. Điều đáng buồn là đến ngày hôm nay, đến giờ phút này nhiều lãnh đạo cơ quan quản lý vẫn không nhận ra. Tại hội nghị sáng nay, nhiều lãnh đạo địa phương và cơ quan quản lý vẫn phát biểu theo kiểu cũ khiến rất nhiều đại biểu, đặc biệt là giới DN khá thất vọng. Đây chính là câu chuyện thấu hiểu cần phải giải quyết.
* Đó cũng chính là nỗi buồn của ông sau hội nghị?
- Thật ra trước đó tôi cũng không vui, khi thấy du lịch phát triển chậm, rất chậm tôi đã rất sốt ruột. Với tư cách của mình và đại diện cho Vietravel - một công ty du lịch trong số các công ty đầu đàn của ngành, tôi đã tham gia rất tích cực vào nhóm tìm kiếm giải pháp, đề xuất hiến cách làm.
Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ để có cuộc họp hôm nay và rất kỳ vọng cuộc họp này sẽ giải quyết được nhiều nút thắt vấn đề, nhưng vẫn chưa có một kết luận, giải pháp cụ thể nào được đưa ra. Giải pháp cuối cùng vẫn như trước đây. Vẫn là những phát biểu đại loại "chúng ta đã mở cửa rồi, phải rà soát lại đi, xem lại chỗ này, chỗ nọ, chỗ kia".
Vấn đề lúc này không phải là rà soát, xem lại nữa mà phải chỉ rõ tại sao nó vướng. Ví dụ, vấn đề visa đang vướng phải chỉ rõ cách làm thế nào. Cụ thể, theo luật xuất nhập cảnh hiện chỉ cho 15 ngày, không cho 30 ngày, trong khi các nước xung quanh cho visa đến 90 ngày.
Luật là do Nhà nước kiến tạo và tạo ra luật. Nhà nước tạo ra luật thì phải sửa luật, phải chỉ ra được điểm không phù hợp để sửa lại, để gỡ khó, gỡ tắc cho DN và kịp cạnh tranh với các nước xung quanh.
Hay như việc tiếp cận các gói tín dụng. Hiện nay, tiếp cận tín dụng của các DN du lịch rất khó. Tuy xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và Chính phủ cũng đã có gói tín dụng đến 380.000 tỷ đồng, nghe đâu trong 6-7 tuần nữa phải sử dụng hết nhưng DN du lịch thì không biết tiếp cận cách nào.
Như vậy phải chỉ ra trong gói này dành cho du lịch được bao nhiêu, giao cho ai, cách DN tiếp cận thế nào. Tóm lại là phải có quy định rất cụ thể, nghiên cứu trong bao nhiêu ngày phải trình cho Chính phủ để quyết thì cũng không được đề cập.
* Nhìn lại năm 2022 với rất nhiều gam màu xám với du lịch và vận chuyển hàng không - hai lĩnh vực ông đang điều hành, ông có tâm tư và kiến nghị gì chính sách hỗ trợ cho hai ngành này?
- Dĩ nhiên, trong đại dịch thì nhiều ngành bị ảnh hưởng nhưng du lịch và hàng không là hai ngành bị tổn thương rất nặng. Khi Chính phủ quy định "Ở nhà là yêu nước" thì xem như hai ngành này không có khách, không nhúc nhích được gì hết.
Vì thế, ngành du lịch, hàng không và bản thân tôi cũng mong muốn Chính phủ có những thiết chế đặc biệt cho hai ngành này. Vừa qua du lịch nội địa tăng trưởng nhanh vì không có rào cản, các hãng hàng không không bay ở nước ngoài, tập trung hết nguồn lực bay trong nước nên đóng góp phần rất lớn trong việc phát triển du lịch nội địa.
Ngược lại, với các chuyến bay quốc tế thì các hãng hàng không lại không bay được vì không có khách nên bị ảnh hưởng rất nặng. Chưa kể giá xăng dầu lên rất cao, toàn bộ nhân công, chi phí đều bằng ngoại tệ mà ngoại tệ, tỷ giá lại tăng cao liên tục. Đến giờ phút này không một hãng nào dám nói tôi có lợi nhuận. Tất cả đều kinh doanh dưới chi phí, dưới giá thành và đang lỗ hết. Càng lớn càng lỗ nhiều.
Thế nhưng, cũng chưa có một chính sách cụ thể nào để may đo cho hàng không. Trong khi nguồn lực đầu tư cho hàng không cũng là nguồn lực của đất nước và tài sản của DN cũng là tài sản của đất nước.
Sự mất đi hay lỗ lã của DN nào cũng là thiệt thòi của đất nước, làm mất đi sức cạnh tranh cho DN và cả quốc gia.
* Với nhiều thách thức và khó khăn, nhất là phải gồng mình với cỗ máy Vietravel và Vietravel Airlines, có bao giờ ông cảm thấy quá sức , cảm thấy nếm trải thương trường đã đủ và muốn bỏ cuộc?
- Thật sự, đôi lúc tôi cũng cảm nhận sự quá tải và luôn trăn trở: "Bao giờ mới thoát ra khó khăn này?". Nhiều lúc nản lắm. Có nhiều người gặp tôi hỏi: "Ông chưa bị điên à?". Tôi cười bảo: "Phải tự mình cân bằng để làm việc".
Thương trường trải qua bao nhiêu năm kể từ khi làm công tác đoàn thể đến làm thương nhân, lên làm quản lý nhà nước rồi quay trở lại làm DN... qua nhiều môi trường, lăn lộn nhiều, nó cũng giúp mình hiểu được: "Làm gì thì làm, luôn luôn phải bình tĩnh".
Với một người đang đứng đầu một DN, sau lưng mình là niềm tin của bao nhiêu con người đang đặt vào mình nên phải làm, phải vượt qua chính giới hạn, năng lực của mình để tạo ra một giới hạn mới. Bắt buộc mình phải tự mình giải quyết dù biết chắc chắn rằng, sẽ còn rất nhiều thách thức trước mắt. Đó không phải sĩ diện hão hay sĩ vì "cái tôi" mà vì danh dự, trách nhiệm, vì niềm tin mọi người đang đặt cho mình.
* Với khó khăn còn đó, ông có giải pháp, kế hoạch gì cho năm 2023?
- Dự báo năm 2023, tình hình sẽ còn rất khó khăn. Du lịch nội địa bắt đầu giãn ra rồi, sau dịch người dân đi du lịch nhiều, ví như độ nén của lò xo bật ra rất mạnh, nhưng bây giờ nó bung rồi, duỗi ra hết rồi, khách bắt đầu xuống. Bên cạnh đó, tiêu dùng trong xã hội cũng tiết kiệm lại, rồi chi phí cao dẫn đến giá thành du lịch cũng cao. Đó là thách thức rất lớn cần phải tính toán để có một giải pháp trọn vẹn, căn cơ và thật tốt.
Nhưng hiện tại tôi vẫn chưa có giải pháp căn cơ, thật tốt mà chỉ có giải pháp tạm thời mang tính vá víu. Mà nếu không có giải pháp căn cơ thì lúc nào DN cũng lạch bà lạch bạch, lúc nào cũng nằm ở trạng thái rủi ro cao. Song muốn căn cơ thì không chỉ chủ quan mình mà phải có chính sách từ Nhà nước.
* Là Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) nhiệm kỳ 2022-2027, ông có cảm thấy áp lực khi còn nhiều khó khăn phía trước? Nếu có hiến kế mới giúp cho HUBA nhiệm kỳ mới tốt hơn, ông sẽ có cách làm và hiến kế gì?
- Lực lượng DN, doanh nhân TP.HCM mạnh lắm, phải nói là mạnh nhất cả nước. Vai trò của HUBA trong những năm vừa qua cũng có từng lúc, từng thời điểm, có những thăng trầm nhất định và vẫn chưa đạt được đúng vị thế của nó, nếu không nói là đang đặt dưới cái tầm của nó.
Bởi thứ nhất, HUBA vẫn chưa đoàn kết, tập hợp, quy tụ nhiều sức mạnh của DN. Đâu đó vẫn có gì đó bị cứng nhắc, rụt rè, chưa tự tin, tự giới hạn mình lại. Còn đối với lãnh đạo thành phố cũng chưa nhìn thấy hết, chưa đánh giá đủ khả năng và nguồn tiềm lực cũng như năng lượng của tổ chức này. Cho nên chính sách hướng về HUBA, thúc đẩy nó phát triển vẫn chưa có. Đó là điều đáng tiếc mà tôi nhìn thấy.
Vậy thì phải đòi hỏi cả hai phía, bản thân HUBA cũng phải đổi mới lại mình, thay đổi lại, hãy cố thoát ra khỏi cái bóng tổ chức chính trị, chúng ta không phải là tổ chức chính trị mà là một tổ chức tập hợp các DN và doanh nhân để mưu cầu làm kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đó cũng là lý do tại sao VCCI cũng đổi thành Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam. Cho nên tôi cũng có đề nghị nên thay đổi HUBA thành Liên đoàn DN - là liên đoàn, liên kết tất cả sức mạnh đoàn kết lại trong một tâm thế tốt nhất, là cánh tay nối dài, triển khai các chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.
Dĩ nhiên, cái gì cũng phải có quá trình, nhận thức rồi lột xác. Mong muốn của tôi là khi tham gia tổ chức nào đó, phải làm mới nó, nếu không làm mới được, không đóng góp gì được cho nó thì không nên tham gia.
* Với mong muốn đó và với thành viên ban chấp hành mới, ông có kỳ vọng HUBA sẽ mạnh hơn, đoàn kết hơn và có nhiều hoạt động, tiếng nói mạnh mẽ hơn không?
- Tôi đang lo là ban thường trực đông quá, chưa thấy ban thường trực nào nhiều phó chủ tịch như thế. Thực ra, nhiều là tốt nhưng cấu trúc tổ chức HUBA theo tôi, nó giống như căn nhà. Anh chưa xây dựng được ngôi nhà mà cho nó nhiều cột quá thì khi đi sẽ va vào nhau, diện tích sử dụng của nó bị hẹp lại.
Tôi cũng đề nghị nhiều vấn đề và vấn đề quan tâm là làm thế nào để HUBA có nhiều chương trình, sản phẩm, kế hoạch đưa ra thu hút mọi người hưởng ứng, vì bản chất việc tham gia hiệp hội của mọi người là mưu cầu phải mang lại lợi ích gì cho mình. Có thể, tôi không thích anh, nhưng tôi thích kế hoạch của anh nên tôi theo.
* Theo ông, làm công tác quần chúng, người lãnh đạo cần tố chất gì?
- Người lãnh đạo muốn có ý tưởng mới thì phải phải biết kiên nhẫn để lắng nghe. Bởi nghe là cách thu thập thông tin để biến lượng thành chất. Một người lãnh đạo phải có thông tin từ nhiều nguồn và biết cách tổng hợp lại cùng với sự thông minh, bản lĩnh của họ đưa ra những ý tưởng. Tóm lại, phải làm được 3 điều sau. Một là phải có ý tưởng. Hai là phải nói cho mọi người hiểu ý tưởng. Ba là biết cách tổ chức để mọi người làm cùng mình.
* Đang điều hành DN, lại là chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực, giờ lại tham gia vào HUBA, ông mong muốn sẽ làm được gì cho HUBA?
- Như đã nói, vị thế của HUBA còn có thể lớn hơn hiện nay rất nhiều nên tôi muốn tham gia để có cơ hội đóng góp phát triển kinh tế thành phố. Một khi kinh tế phát triển, thành phố phát triển, DN phát triển thì bản thân Vietravel cũng được nhờ. Trong đó, cũng có một chút riêng. Vietravel hiện có văn phòng ở trên 40 tỉnh, thành nhưng trụ sở chính của Vietravel lại nằm tại TP.HCM.
Riêng cá nhân tôi tuy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng nơi cho tôi cuộc sống, trưởng thành và phát triển thì lại là đất Sài Gòn. Vì thế, việc tôi tham gia tổ chức, hiệp hội nào đó như HUBA chẳng hạn, nghĩa là tham gia giúp ích cho cái gì tốt lên một chút cũng là sự trả ơn của mình với mảnh đất tử tế này. Dù rằng thành công hay không thì nó cũng giúp cho mình thành người.
* Từng trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió, điều đọng lại trong ông một triết lý sống như thế nào?
- Con người ta có thể thăng trầm lên xuống, có thể làm bất cứ chuyện gì nhưng phải làm con người tử tế. Tử tế với con người, tử tế với cuộc đời, tử tế với chính mình. Đã là con người thì đôi lúc cũng sẽ có những suy nghĩ mờ ám, bực bội chuyện này chuyện kia, tại sao nó đối xử với mình như thế, tại sao và tại sao nhưng nghĩ thì cứ nghĩ, vấn đề là không được quyền để điều đó chi phối con người tử tế của mình.
* Hỏi thật, ông dự định làm đến bao giờ sẽ nghỉ ngơi?
- Có một chủ tịch của một quỹ từ thiện nước ngoài đã 86 tuổi nhưng khi có người hỏi: "Tại sao ông chưa nghỉ hưu đi?", ông ta nói: "This is my life" (Đây là cuộc đời của tôi). Và tôi làm việc là do tôi quyết định cuộc đời của tôi. Điều đó cho thấy, mỗi người trong cuộc đời đều chọn cho mình một con đường để sống. Ai đến tuổi cũng muốn được đi chơi bời, nghỉ ngơi. Và tôi chọn nghỉ ngơi trong công việc.
Luôn luôn tự nhủ, cuộc sống nếu không có mục tiêu, mục đích thì cuộc sống đó trở nên vô vị. Tôi muốn trở thành một phần trong cuộc sống, trong xã hội này và giá trị đó được xây dựng thông qua việc mình làm. Nếu mình không làm thì cuộc sống đó không có giá trị cuộc sống nữa. Cho nên người ta hay nói, con người sống đó, cười đó, đi đó, nói đó nhưng đã chết rồi, chưa chôn thôi. Nhưng có những người đã chết rồi nhưng ai cũng nhắc đến họ, có nghĩa là họ đang sống. Họ để lại giá trị trong cuộc sống.
* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị.