TGĐ Lâm Hoàng Phát: Lãnh đạo là phải hành xử theo nguyên tắc

LỮ Ý NHI thực hiện| 18/12/2015 06:52

Nhượng lại "cơ nghiệp" đầu tiên là cửa hàng vi tính để tiếp tục du học 3 năm, sau đó...

TGĐ Lâm Hoàng Phát: Lãnh đạo là phải hành xử theo nguyên tắc

Nhượng lại "cơ nghiệp" đầu tiên là cửa hàng vi tính để tiếp tục du học 3 năm, sau đó đi làm thuê cho các công ty nước ngoài hơn 5 năm để tích lũy kinh nghiệm là "quyết định sáng suốt" của Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Hoàng Phát - Nguyễn Thị Mỹ Hạnh. 

Đọc E-paper

* Động lực nào khiến bà và ông xã "tương lai" tạm gác việc lập gia đình để đi học?

- Sau hai năm cùng ông xã "tương lai" mở cửa hàng vi tính, tích cóp được một khoản tiền kha khá, chúng tôi quyết định sang nhượng cửa hàng để sang Hà Lan học tiếp.

Khi thử nghiệm kinh doanh với cửa hàng vi tính, tôi nhận ra, muốn đi theo kinh doanh thì ngoài kiến thức chuyên môn còn phải biết thêm nhiều kỹ năng và kiến thức khác, trong đó marketing và quản trị doanh nghiệp (DN) là hai lĩnh vực không thể thiếu.

Bản thân tôi cũng thích công việc đào tạo, tư vấn nên muốn tham gia nghiên cứu các chương trình đào tạo và giảng dạy, đây cũng là dịp để mình học hỏi, cập nhật thêm kiến thức kinh doanh và quản trị. Sau khi về nước, chúng tôi lập gia đình, chồng tôi làm việc cho một công ty sản xuất bóng đèn, công ty xuất khẩu gỗ, rồi làm tổng giám đốc nhà máy sản xuất đồ nội thất tại Việt Nam.

Dù mức lương lúc đó khá cao, hơn 10.000USD, nhưng tôi nghĩ nếu cứ an phận thì mãi mãi chỉ là người đi làm thuê. Hơn nữa, nhiều năm tư vấn cho nhiều DN cách làm thương hiệu, quản trị và xây dựng chiến lược kinh doanh, tôi nghĩ, tại sao không xây dựng thương hiệu cho riêng mình? Ý nghĩ đó đã cho tôi động lực để mở công ty riêng.

* Người ta thường "nắm nghề” mới dám kinh doanh, còn bà lại chọn nghề hoàn toàn do sự tình cờ. Bà có gặp trở ngại, vấp váp?

- Chọn một lĩnh vực kinh doanh thành công, theo tôi, ít nhiều cũng có yếu tố may mắn. Thời gian học ở Hà Lan, thấy người dân ở đây thường sử dụng đồ nội thất bằng gỗ sồi, vợ chồng tôi lại rất mê loại gỗ này, nên lúc đó tôi đã lóe lên suy nghĩ khi về Việt Nam sẽ tìm hiểu ngành sản xuất đồ gỗ để làm ra những sản phẩm bằng gỗ sồi.

Đang lúc loanh quanh tìm hướng hiện thực hóa ý tưởng thì tình cờ gặp một đối tác trong ngành này, từng là khách hàng được tôi tư vấn khi công ty sắp phá sản. Anh tâm sự vẫn đang vướng mắc một số khó khăn và mời tôi về công ty anh làm việc. Tôi từ chối và chia sẻ ý định đang muốn mở công ty riêng.

Và anh đồng ý bán lại nhà máy cho tôi. Nhờ 6 năm đi cùng DN để tư vấn nên tôi hiểu rất rõ về công ty của anh, về những cái khó công ty đang gặp phải cũng như mấu chốt vì sao nhà máy hoạt động không hiệu quả. Một lợi thế nữa để tôi thêm tự tin là ông xã tôi cũng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất đồ nội thất. Vì vậy, tôi xem đây là nhân duyên tốt và Lâm Hoàng Phát ra đời.

Ngay khi mở công ty, tôi đã xác định, kinh doanh đồng nghĩa với chấp nhận dấn thân vào con đường gai góc và chồng chất vất vả. Khó đến đâu gỡ đến đó, bởi nếu ngại thì sẽ không bao giờ chạm được tới thành công. Điều đáng mừng là càng làm, chúng tôi càng thấy mình có duyên với nghề này.

* Cụ thể, cái duyên với nghề đã mang lại cho bà điều gì?

- Theo tôi, làm một công việc nào mà mình không biết chán, không biết mệt, có nhiều cảm hứng và không ngừng sáng tạo, càng làm càng nhạy bén, càng có niềm vui với nó thì đó là cái duyên với nghề. Mỗi khi chiêm ngắm một căn nhà vừa hoàn tất, thấy khách hàng hài lòng, tôi có cảm giác như mình vừa hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật với nhiều niềm vui, cảm xúc rất khó tả.

Không chỉ có duyên trong nghề, khi làm việc với khách hàng hằng tháng trời để tư vấn về sản phẩm, nắm bắt nguyện vọng, sở thích của họ, sợi dây vô hình đó đã cho tôi nhiều mối lương duyên trong công việc và sau mỗi công trình, chúng tôi đều trở thành bạn bè.

* Thời kỳ làm tư vấn cho DN, bà chưa làm kinh doanh, ít đụng thực tế nên không tránh khỏi lý thuyết chủ quan, bây giờ tiếp cận thực tế, chắc hẳn bà có cái nhìn khác?

- Nhiều người làm tư vấn vẫn thường nói đùa: Nghề tư vấn là nghề "buôn" nước bọt, mà đã là nghề thì không hề dễ. Muốn tư vấn cho khách hàng, không chỉ phải hiểu chuyên môn mà còn cần có khả năng thuyết phục, làm cho khách hàng tâm phục, khẩu phục. Có thể nói, nghề tư vấn là nghề phải học từ thực tế nhiều nhất.

Nhớ hồi mới vào nghề, gặp các CEO nhiều kinh nghiệm, họ đặt ra cho tôi nhiều câu hỏi và vấn đề rất hóc búa để tôi giải quyết. Và muốn giải quyết được thì mình phải lăn vào thực tế DN để tìm hiểu. Tuy nhiên, lý thuyết chỉ là những kiến thức nền nên không thể không chủ quan và nó chỉ được xem như chiếc "chìa khóa" để mỗi DN tự tìm cách mở cửa.

Chỉ khi bản thân làm chủ, được trải nghiệm thực tế mới thật sự có nhiều góc nhìn khác nhau. Khi phải điều hành công ty, đụng cả một bộ máy từ sản xuất, thiết kế đến marketing, nhân sự..., tôi mới thấy giữa lý thuyết và thực tế là một khoảng cách không dễ xóa bỏ hoặc thu hẹp. Song, nhờ từng làm tư vấn nên khi kinh doanh, tôi cũng có nhiều lợi thế và biết cách tư vấn cho khách hàng về sản phẩm.

Đơn cử, gỗ sồi là dòng sản phẩm rất kén khách hàng, đa số những người đã từng ở nước ngoài, có tiền, biết cảm nhận vẻ đẹp mộc mạc của gỗ sồi và thích thì mới dùng. Vì vậy, khi giới thiệu sản phẩm cho những người chưa biết, chưa thích, mình cũng phải có cách tư vấn khác các sản phẩm tiêu dùng bình thường.

* Một thực tế là các DN sản xuất đồ gỗ, nhất là đồ gỗ xuất khẩu, thường hay bị tình trạng hàng tồn, hàng lỗi. Lâm Hoàng Phát xử lý và khắc phục tình trạng này như thế nào?

- Kinh doanh đồ nội thất bằng gỗ sồi là không dễ do nguồn nguyên liệu gỗ phụ thuộc vào nhập khẩu từ Bắc Mỹ. Trong khi đó, nguồn khách hàng xuất khẩu chưa nhiều, thị trường trong nước còn ít người biết dùng loại gỗ này.

Tuy nhiên, tiêu chí chúng tôi đặt ra ngay từ ban đầu là uy tín và chất lượng nên tôi chỉ chọn loại gỗ tốt nhất để làm ra sản phẩm đạt chuẩn tốt nhất. Với khách hàng nước ngoài, đây là yếu tố quan trọng quyết định chặng đường dài họ đồng hành với mình.

Thông thường, khi mới hợp tác làm ăn, họ ràng buộc rất nhiều điều kiện, nhưng khi đã tạo được uy tín thì họ sẽ là khách hàng lâu dài và rất dễ tính, thậm chí khi mình làm không kịp đơn hàng, họ vẫn thông cảm. Hoặc nếu có bị sai sót một chút về kỹ thuật thì họ cùng mình giải quyết, tháo gỡ nên tôi hầu như không có hàng tồn, hàng lỗi, nếu có cũng rất ít.

Đối với khách hàng trong nước, dù họ chỉ đặt hàng một lần hoặc lần thứ hai là tối đa, tôi vẫn tuân thủ tiêu chí chất lượng, bởi nếu mình làm tốt, những khách hàng này sẽ là người quảng cáo truyền miệng cho mình và cái hay là với mỗi khách hàng, tôi lại tìm thêm được cái mới, càng làm càng thấy hay.

* Nhiều doanh nhân vẫn hay nói là "kinh doanh phải có tâm", vậy trong những chữ "tâm" với khách hàng, với sản phẩm, với cộng đồng..., bà xem trọng chữ "tâm" nào nhất?

- Chữ "tâm" chính là đạo đức của người làm kinh doanh, vì vậy, tất cả những gì liên quan đến việc kinh doanh đều cần có chữ "tâm". Riêng với tôi, chữ "tâm" còn phải thể hiện với chính nhân viên của mình. Người lãnh đạo phải biết ứng xử có tình có nghĩa với nhân viên thì họ mới trung thành và hết lòng gắn bó với mình.

Ở Lâm Hoàng Phát, chúng tôi có Câu lạc bộ Mẹ và bé cùng nhiều chương trình thiện nguyện đóng góp cho con em công nhân viên trong Công ty để các cháu có thêm tiền đi học. Với triết lý "sống bằng cái tâm, bằng sự sẻ chia", tất cả nhân viên đều cảm thấy như đang sống trong ngôi nhà Lâm Hoàng Phát chứ không phải đang làm việc cho Lâm Hoàng Phát.

* Nhiều người cho rằng, làm kinh doanh khó nhưng không "đau đầu" bằng quản lý một công ty có vài trăm công nhân. Bà cảm nhận câu nói này như thế nào khi đang quản lý hơn 200 công nhân?

- Quản lý công nhân không dễ. Trăm con người thì mỗi người một ý, có người năm đầu tiên vào làm thì thế này nhưng năm sau đã thay đổi nên để hiểu hết tâm tính, sự biến chuyển trong suy nghĩ của họ là cả một vấn đề.

Chưa kể mỗi nhóm nhân sự cũng phải có cách quản lý phù hợp. Đơn cử, với công nhân sản xuất phải có nội quy riêng, phải giám sát thường xuyên, nhưng với nhân viên văn phòng thì không thể áp dụng cách quản lý như vậy.

Làm doanh nghiệp tại Việt Nam còn có thêm cái khổ nữa là nhân sự liên tục nhảy việc, người giỏi thì hay tự mãn, ít chịu lắng nghe góp ý. Bên cạnh đó, nhiều công nhân giỏi được mình đào tạo thường xuyên bị các công ty khác lôi kéo, thậm chí họ bỏ tiền rất hậu hĩnh để "mua" bằng được nhân viên của mình, nhất là những người ở vị trí quản đốc.

Song, điều đáng mừng là không phải cứ bỏ ra nhiều tiền là có thể "mua" được con người. Đã có nhân viên qua công ty khác làm một thời gian, sau đó lại quay về Lâm Hoàng Phát do không phù hợp.

* Với những người "trở về”, bà vẫn mở lòng đón nhận?

- Người ta hay quan niệm, phụ nữ làm lãnh đạo thường nhẹ dạ, mềm lòng nhưng với tôi, đã làm lãnh đạo thì phải hành xử theo nguyên tắc và dựa trên sự bền vững của công ty. Vì vậy, tôi thà mất thời gian đào tạo người mới chứ không bao giờ nhận lại những người đã bỏ công ty ra đi vì lợi ích cá nhân. Bởi như vậy sẽ làm xáo trộn công ty và tạo tiền lệ không tốt.

* Công ty gia đình thường bị xem là quản lý theo cảm tính, bà đã giải quyết điểm yếu đó như thế nào?

- Người ta nói: "Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn", điều này nghe dễ nhưng không phải ai cũng làm được, nhất là khi vợ chồng cùng làm chung một công ty. Để tránh việc "sếp ông, sếp bà”, nhất là quan niệm công ty gia đình thường quản lý theo cảm tính, tôi và ông xã đã đưa ra quy định: Làm việc theo nội quy, lãnh đạo theo nguyên tắc.

Về nhà là gia đình, còn trong công ty, nhất nhất phải có sự tôn trọng nhau và phân việc rõ ràng. Tôi lo xây dựng thương hiệu, nhân sự, tổ chức công ty và thị trường trong nước, còn chồng tôi đảm nhận việc sản xuất và xuất khẩu.

* Kinh doanh thường rất lo cạnh tranh và ngại đối thủ nhưng bà lại không quan tâm vấn đề này, liệu bà có quá tự tin?

- Hiện thị trường và nhu cầu của ngành xuất khẩu đồ gỗ nội thất còn rất rộng, tăng trưởng ngành còn nhiều dư địa phát triển. Hơn nữa, những người làm nội thất thường hay ôm đồm nhiều thứ, còn tôi chỉ chọn một phân khúc hẹp, khó, đó là nội thất bằng gỗ sồi. Con đường đó ví như một hình tam giác, càng lên cao càng nhọn và càng khó lên. Tuy nhiên, khi đã lên đến đỉnh thì trụ rất vững.

* Vậy bà đã lên đến đỉnh chưa?

- Tôi mới chỉ đi được nửa đoạn đường, nhưng đây là phân khúc rất ít người làm, nếu có thì cũng chưa nhiều kinh nghiệm, trong khi tôi đã có nhiều đối tác, khách hàng thân thiết nên không ngại. Trên đoạn đường đi tiếp, chắc chắn sẽ có nhiều khúc quanh nhưng tôi tin sẽ không vấp ngã và sẽ lên đến đỉnh.

* Bà cũng không ngại đối thủ nước ngoài?

- Nếu cạnh tranh lành mạnh và giải quyết được một vài hạn chế khách quan thì DN trong nước nói chung và Lâm Hoàng Phát nói riêng không ngại đối thủ nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc và Malaysia đang cạnh tranh bằng việc giảm giá thành sản phẩm, vì vậy, hàng Việt Nam muốn xuất khẩu là không dễ và vì cạnh tranh giá nên đơn hàng cũng luôn biến động, không đảm bảo.

Bên cạnh đó, nhiều DN trong nước lại không đoàn kết và cạnh tranh không lành mạnh. Công nhân trong ngành mặc dù có tay nghề giỏi nhưng lại làm việc tùy hứng, lúc vui thì làm tốt, buồn thì làm ẩu nên chất lượng sản phẩm không ổn định.

* Theo bà, lĩnh vực nội thất gỗ có khác với ngành kinh doanh khác?

- Ngành nội thất là lĩnh vực đòi hỏi phải có đầu óc nghệ sĩ một chút mới tạo được tác phẩm đẹp, đem lại giá trị cho mỗi căn nhà, nhưng phải tỉnh táo, đừng quá "bay trên mây", bởi nếu tính sai một chút sẽ gây tổn thất cho DN và khách hàng.

* Nhiều năm theo nghiệp kinh doanh, phải đối mặt với nhiều khó khăn, đã bao giờ bà chán nản, thất vọng?

- Làm kinh doanh khó tránh khỏi áp lực, rất nhiều khúc quanh phải trải qua khi gặp khó khăn về đối tác, nhân sự..., nhưng chưa bao giờ tôi có ý nghĩ bỏ cuộc, ngược lại, dù 5 năm gần đây rất khó khăn nhưng tôi vẫn luôn ở ngưỡng an toàn và xuất khẩu ổn định sản phẩm sang Anh, Pháp, Hà Lan, Úc, trung bình 12 container một tháng.

Song, điều làm tôi buồn và thất vọng nhất là phải chứng kiến các DN cùng ngành giành giật đơn hàng và nhân viên của nhau, phải đối diện với những trường hợp lắt léo trong kinh doanh cũng như văn hóa ứng xử, hôm nay mới bắt tay thân thiện nhưng hôm sau đã tìm cách nói xấu sản phẩm của nhau. Đã có lần trong một hội thảo, tôi chân thành chia sẻ bí quyết kinh doanh của mình, nhưng không ngờ sau đó lại bị đồng nghiệp dựa vào đó để "phá” mình.

* Bà có thể tiết lộ bí quyết kinh doanh của Lâm Hoàng Phát?

- Bí quyết của tôi là kén chọn mẫu mã và định vị dòng sản phẩm có mẫu mã đơn giản, không quá cầu kỳ. Bên cạnh đó phải chọn lọc đối tác và biết từ chối những đơn hàng không thể đáp ứng. Nếu cái gì cũng nhận, cũng ôm vào mà sản xuất không đạt, không đúng theo yêu cầu thì sẽ thiệt hại vốn liếng và uy tín.

* Nguyện vọng chung cho DN Việt Nam và của riêng bà trong lĩnh vực nội thất gỗ?

- Nguyện vọng chung là các DN được hoàn thuế nhanh. Hiện nay, việc hoàn thuế VAT cho DN còn rất chậm, thường bị trì hoãn 3 - 4 tháng, với DN có giá trị hoàn thuế vài tỷ đồng như chúng tôi thì mức thiệt hại tiền mặt rất lớn.

Còn nguyện vọng riêng là muốn nhiều người cảm nhận được cái đẹp của gỗ sồi, giá của loại gỗ này chỉ đắt hơn 10% so với gỗ công nghiệp nhưng rất bền. Với ước mơ đó, ngoài nhà máy đang hoạt động, tôi sẽ mở rộng sản xuất thêm nhiều sản phẩm bằng gỗ sồi như móc áo, hộp đựng rượu, hộp đựng đồ trang điểm và quà tặng...

* Cảm ơn bà về những chia sẻ chân tình.

>Nhượng quyền "made in Vietnam": Trước tiên phải thay đổi tư duy

>NTK Hồ Trần Dạ Thảo: Kinh doanh cũng như yêu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TGĐ Lâm Hoàng Phát: Lãnh đạo là phải hành xử theo nguyên tắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO