Tại sao không phải là mình?

LỮ Ý NHI| 27/05/2010 00:31

Giới kinh doanh gọi anh là “Nam Robot”, cái tên thân thiết gắn liền với thương hiệu mà anh sáng lập.

Tại sao không phải là mình?

Giới kinh doanh gọi anh là “Nam Robot”, cái tên thân thiết gắn liền với thương hiệu mà anh sáng lập. Với anh, tên gọi này cũng là niềm tự hào, bởi Robot đã cùng anh 10 năm lăn lộn trên thương trường với nhiều thành công và giải thưởng lớn đã được ghi nhận. Nguyễn Phương Nam đến với kinh doanh với niềm đam mê mạnh đến mức trong từng bài học của anh, lúc nào cũng hiện lên những con số tính toán. Niềm đam mê đến từ “phi vụ mua bán ve chai” đầu tiên từ thời còn đi học...

Khi còn đi học tại Trường Giao thông Vận tải 6 (nay là Trường Đại học Giao thông Vận tải khu vực 3), tôi đã mê chuyện mua bán kiếm lời. Ban đầu chỉ là kiếm tiền học hành, nhưng càng dấn sâu càng bị cuốn vào chuyện thương trường. Hàng ngày cứ sau giờ học, tôi lại đạp xe rảo qua các con đường bán đồ ve chai, điện máy hư hỏng thời đó như Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Nguyễn Chí Thanh... và các cửa hàng sửa chữa điện cơ, điện lạnh để mua lại mô-tơ, bloc máy, dây đồng hỏng. Sau đó, tôi về bán cho các cơ sở sản xuất nấu gang, đồng...

Lúc đó tôi đặt câu hỏi: “Tại sao không phải là mình sản xuất ra những thứ đó?”.

* Năm 1990, khi anh bước vào sản xuất ổn áp thì đã có nhiều thương hiệu, sản phẩm có chỗ đứng, anh không ngại là người đến sau, lại ít kinh nghiệm sẽ có nhiều nguy cơ thất bại?

- Trong kinh doanh phải có chút táo bạo, bởi nếu lo sợ và chỉ dám làm những gì chắc ăn thì sẽ khó làm nên nghiệp lớn. Nói vậy, không có nghĩa là tôi liều lĩnh, mà có sự học hỏi, tìm tòi rất nghiêm túc. Thị trường có nhiều thương hiệu tốt cạnh tranh thì con đường mình chọn đi là phải từng bước và đặc biệt, càng cạnh tranh, càng phải sáng tạo.

Bước đầu, tôi chọn sản xuất loại dây đồng quấn cotton, sau là dây đồng tráng men. Không có vốn, thiết bị nên tôi phải đưa gia công, cách làm này tuy chậm nhưng là cách tốt nhất để tích lũy vốn và tránh rủi ro. Khi đã đủ vốn mua máy sản xuất, cũng là lúc tôi đủ “vững mạnh” để tự đi trên đôi chân của mình và quyết định thành lập cơ sở sản xuất.

Sóng lớn, thuyền lớn, nên với chút vốn liếng dành dụm, tôi vẫn không đủ xoay sở nên đau đầu nhất lúc này vẫn là vốn, phải làm thế nào để khách hàng không mua bán theo thông lệ “gối đầu” mà chịu trả tiền trước cho mình?

Lúc đó thú thật, tôi chẳng có khái niệm gì về tiếp thị, chiến lược, cứ nghĩ sao làm vậy, thấy cái gì mình hài lòng thì chắc khách hàng cũng vậy. Và tôi đưa ra “chiến lược” chăm sóc khách hàng bằng giá bán rẻ hơn thị trường nhưng chất lượng tốt, giao hàng tận nơi, dịch vụ hậu mãi tận tình...

Đổi lại, khách hàng phải trả tiền trước. Đây là cách làm mà vào thời điểm này, chưa có doanh nghiệp nào trong lĩnh vực thiết bị điện quan tâm.

* Nhưng khi chiếc ổn áp đầu tiên ra đời, hình như anh cũng mấp mé thất bại?

Nhận Cúp Doanh Nhân Sài Gòn tiêu biểu 2009

- Trong đời mỗi người đều có những bước ngoặt đáng nhớ. Với tôi, bước ngoặt đầu tiên là khi quyết định sản xuất ổn áp. Sau một thời gian sản xuất dây đồng, tôi nghĩ đây chỉ là nguyên liệu làm ra bán sản phẩm, nếu làm hoài mình sẽ không lớn hơn được, cần phải làm ra một sản phẩm cụ thể có thương hiệu riêng.

Đúng thời điểm năm 1990, nguồn điện sinh hoạt rất thiếu lại không ổn định nên thị trường xuất hiện nhiều thương hiệu ổn áp... Với thế mạnh có dây điện từ, quấn luôn ổn áp và biến áp, nếu tận dụng sản xuất ổn áp sẽ có giá thành cạnh tranh nhờ chu trình sản xuất khép kín. Thế là tôi vào cuộc.

Khi nhảy vào lĩnh vực này, tôi định hướng rất rõ: Đã là thương hiệu đến sau thì phải có sự khác biệt, ưu việt hơn. Vì vậy, tôi đưa ra giải pháp sản xuất các loại ổn áp 40 volt. Lúc đó, thị trường chỉ sản xuất loại 90 volt, không thể sử dụng ở nông thôn, vùng ven đô có nguồn điện thấp hơn...

Tuy được một số khách hàng hưởng ứng nhưng hàng của tôi vẫn phải ký gửi, mà có bán được cũng không thu được tiền vì sản phẩm bảo hành ba năm. Khách hàng sợ mình “đóng cửa trước thời hạn” nên không trả tiền.

Mặt khác, do sản lượng lúc đầu còn ít nên nguyên liệu phải mua theo giá lẻ, nên giá thành phẩm bị đội lên, cộng với sản phẩm đang bước “thử nghiệm”, phải cải tiến liên tục nên chất lượng cũng chưa đồng đều, cứ 100 ổn áp bán ra thì bị trả về khoảng 30 cái. Nguồn vốn lại bị “chôn” theo hàng ký gửi nên khó khăn chồng chất, tưởng chừng phải đầu hàng.

*Trong marketing, tạo ra sản phẩm khác biệt chỉ là một trong những yếu tố tăng lợi thế cạnh tranh. Trong "tưởng chừng thất bại", anh còn có nguyên nhân nào khác?

Ông Nguyễn Phương Nam cùng Ban giám đốc

- Đó là cách đặt tên cho thương hiệu mà sau này theo học các khóa marketing tôi càng thấm hơn. Khi ổn áp đầu tiên ra đời, tôi lấy tên là Dongyen (tên ghép hai đứa con là Đông và Yến). Nhưng quả thật tên gọi này không thuyết phục và không tạo dấu ấn nên Dongyen vẫn chỉ có một thị phần nhỏ.

Trong một lần cà phê với bạn bè, tôi quyết định đổi tên Dongyen thành Robot, đúng vào thời điểm Công ty ăn mừng sản phẩm đã hoàn thiện tuyệt đối và cũng nghiên cứu thành công ổn áp, biến áp phục vụ nhu cầu của các nhà máy, cơ quan, dịch vụ, đài truyền hình...

Ngay sau đó, trên các phương tiện thông tin, hình ảnh một “chàng” Robot lực lưỡng, hai tay gồng lên trong tư thế hiên ngang với nguồn điện năng tỏa sáng khắp cơ thể đã nhanh chóng thu hút thị trường. Tôi còn nhớ, lúc đó khách hàng gọi điện tới tấp đặt hàng. Robot đã thành công, mặc dù ra đời sau nhiều thương hiệu khác 5 -10 năm.

Từ kinh nghiệm của mình, tôi khuyên các doanh nghiệp khi đặt tên cho thương hiệu cần phải ấn tượng và có sức hút. Một điểm nữa là phân phối không dựa vào những cửa hàng, những đại lý lớn, mà chọn cách đi từ dưới lên, tức là chọn các cửa hàng nhỏ, thuyết phục họ bán thử hàng, hỗ trợ mức ưu đãi hấp dẫn, cam kết chất lượng.

Chính các cửa hàng nhỏ này đã tích cực chào hàng cho tôi, tạo ra một nhu cầu lớn đến nỗi chính các đại lý lớn từng “chê” Robot bây giờ cũng phải tìm đến Công ty để nhận hàng bán.

* Còn bước ngoặt thứ hai của anh?

- Đó là vào năm 2002, khi thị trường đã có vài trăm cơ sở, công ty lớn nhỏ sản xuất dây cáp điện, nhưng tôi vẫn quyết định đầu tư 4,5 triệu USD vào nhà máy để sản xuất dây điện từ và cáp điện, nhằm khép kín hệ thống phân phối, kết hợp vận chuyển. Đây cũng là thế mạnh sản xuất và kinh nghiệm của tôi.

Thuận lợi của tôi lúc này là ra sau nên nhập toàn máy móc thiết bị mới, trong khi các công ty, cơ sở khác vẫn còn xài máy cũ. Năm 2006, nhìn thấy tiềm năng còn lớn, tôi lại mạnh dạn đầu tư thêm 10 triệu USD cho nhà máy mới có quy mô gấp ba lần nhà máy hiện nay ở Bình Chánh.

* Anh nghĩ thế nào khi nỗ lực như vậy nhưng không ít người cho rằng, thành công của Robot chỉ là may mắn?

- May mắn là cái không nhìn thấy, mà trước khi có may mắn, mình phải biết tính toán, có chút táo bạo và quyết tâm. Nếu không có quyết tâm thì có lẽ đến bây giờ Robot cũng vẫn là câu hỏi trong đầu, trong giấc mơ của tôi. May mắn cũng như cơ hội rất hiếm hoi và luôn đi kèm với thách thức.

* Vừa là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM vừa là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Quận 3, theo anh, doanh nhân trẻ hiện nay còn mặt nào khiếm khuyết ?

- Cái thiếu lớn nhất của các doanh nhân trẻ hiện nay là kinh nghiệm, chưa nhận ra và tận dụng hết những cơ hội. Nhược điểm này cũng có nghĩa là còn thiếu bản lĩnh và năng lực quản trị để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Cái thiếu quan trọng nữa là sức mạnh tập thể. Chúng ta có những cá nhân giỏi, xuất sắc, nhưng trên thương trường quốc tế, những cá nhân đó vẫn đang hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy bơi.

Một thực tế khác là hiện nay, có rất nhiều doanh nhân trẻ thành công nhưng thiếu tính khiêm tốn, điều này sẽ là rào cản ngay cả trong quan hệ. Giá trị của doanh nhân không phải là tài sản mà là cái tâm, cái tầm, cái họ đóng góp cho xã hội.

* Vậy cái “Tâm” của “thuyền trưởng” Robot được biểu hiện cụ thể là gì, thưa anh?

- Mục tiêu phát triển doanh nghiệp của tôi là phải đóng góp cho xã hội, chứ không chỉ cho bản thân, hay cho doanh nghiệp mình. Vì vậy, nhiều năm qua, Robot đã tham gia các hoạt động từ thiện xã hội như: 5 năm liên tục tổ chức giải cầu lông quốc tế Robot Vietnam Challenge, Giải cầu lông đồng đội thế giới Thomas - Uber Cup khu vực châu Á, gây Quỹ Phát triển tài năng trẻ thể thao...

Đặc biệt hơn một năm nay, chúng tôi đã tặng học bổng cho các em học sinh, sinh viên hiếu học trong chương trình “Kết nối đến tương lai”.

* Các doanh nhân có tầm thường hay nói về chữ Tín...

- Trong cuộc sống và công việc, chữ Tín ai cũng nói được nhưng làm không dễ. Người biết giữ chữ Tín phải là thực hiện đúng những gì đã cam kết. Với tôi, giữ chữ Tín với khách hàng là phải làm ra những sản phẩm tốt, lỡ có sai sót thì phải xin lỗi và khắc phục ngay. Với nhân viên và gia đình cũng vậy, đã hứa điều gì phải thực hiện.

Chữ Tín còn là kim chỉ nam để tôi luôn rèn giữ mình, bởi trong cuộc sống và khi còn gắn với nghiệp kinh doanh, tôi không muốn phải nghe ai đó nói: “Thằng cha Nam chơi không được”, hoặc “thằng cha đó ba xạo”.

* Triết lý làm việc của anh là gì?

- Làm gì cũng phải theo lộ trình, bằng chính năng lực thực có, không đi theo trào lưu, không nôn nóng chạy theo lợi nhuận trước mắt.

* Anh từng cho là mình có khiếu kinh doanh.

Ngoài sản xuất ổn áp, Robot còn sản xuất dây cáp điện - Ảnh Quý Hòa

- Khi tham gia các khóa học về chiến lược kinh doanh, marketing..., tôi nghiệm ra mình có khiếu kinh doanh. Bởi vì, lúc đó, tôi không biết gì về chiến lược, tiếp thị, tầm nhìn... nhưng hướng đi của tôi lại diễn ra giống những bài học đó. Có lẽ, điều này có được là nhờ thừa hưởng từ gia đình. Anh em tôi trưởng thành trong kinh doanh đều theo nếp“cha truyền con nối”.

Cha tôi ít nói, không dạy anh em tôi điều gì nhưng cha thường răn: “Các con phải tự lực cánh sinh. Hồi xưa, ba 9 tuổi đã phải vừa kiếm tiền, vừa học, một mình lên Sài Gòn kiếm sống tạo dựng sự nghiệp”.

* Từng nếm trải một tuổi thơ kham khó, khi từ thành phố phải về lại Tiền Giang sống mấy năm, biết nỗi khổ cực ở nông thôn, phải tằn tiện, đi bộ 5-6km đến trường, gia đình phải gỡ từng tấm tôn lợp nhà để bán kiếm miếng ăn hằng ngày. Vậy khi có một tài sản lớn trong tay, anh có tận hưởng cuộc sống cho thỏa những ngày khổ nghèo, hoặc thể hiện đẳng cấp của mình?

- Tôi rất thích cách giải thích của một doanh nhân Hàn Quốc trong cuốn tự truyện "Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm" về quan điểm "tôi chỉ là người giỏi kiếm tiền chứ không phải là người giỏi tiêu tiền". Tôi quan niệm đồng tiền hôm nay mình có nhưng ngày mai có thể không có, nên xài tiền phải hợp lý, có kế hoạch, trông nay lượng mai.

Tôi vốn bình dân. Này nhé, chân đi dép, chạy xe máy, quần áo là hàng Việt Nam, cuộc sống cũng chỉ cần đủ tiện nghi... Chính vì vậy mà bà xã nhắc nhở hoài: “Anh phải thay đổi chút xíu. Bình dân, xuề xòa quá cũng không đựơc vì đó là thể diện của một người lãnh đạo”. Tuy nhiên, cũng có lúc tôi rất “mạnh tay” cho một hoạt động hay một chương trình nào đó thiết thực, một sự “mạnh tay” để khơi mào cho một hoạt động ý nghĩa chứ không phải để thể hiện.

* Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần có thêm những hỗ trợ nào từ phía Nhà nước để những sản phẩm, thương hiệu chất lượng cao Việt Nam” vươn ra khu vực và thế giới?

- Theo tôi, cái chính vẫn là sự chủ động từ phía các doanh nghiệp. Trong tình hình hiện nay, thủ tục hành chính vẫn là khó khăn. Mặc dù Đề án 30 của Chính phủ đã dần đi vào thực tế, Nhà nước cần tạo môi trường thông thoáng để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh và tiếp cận nhanh những hỗ trợ từ Nhà nước. Tăng cường các công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới. Bởi vì, khi thế giới biết nhiều về Việt Nam, bằng những hình ảnh đẹp, ấn tượng thì hàng hóa Việt Nam sẽ có thêm cơ hội cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tại sao không phải là mình?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO