Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Khát vọng xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thế giới

Lữ Ý Nhi| 01/02/2020 01:00

Ba mươi hai năm trong lĩnh vực xây dựng với nhiều công trình được đánh giá cao và là nhà thầu xây dựng duy nhất Việt Nam được bình chọn “Thương hiệu quốc gia” 12 năm liên tục , nhưng “cái đích” mà Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Bình Lê Viết Hải đang hướng đến là xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra nước ngoài và trở thành công ty xây dựng toàn cầu.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Khát vọng xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thế giới

* Chắc hẳn ông có đủ cơ sở và sự chuẩn bị cho việc “xuất khẩu công nghiệp xây dựng” ra nước ngoài?

- Thành lập đúng vào thời kỳ “đổi mới“, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã hình thành một đội ngũ nhân lực hùng hậu, không chỉ làm chủ công nghệ mà còn đưa ra nhiều cải tiến trong công tác điều hành doanh nghiệp và quản lý dự án.

Nhìn lại lịch sử phát triển của Hòa Bình trong hơn ba thập kỷ, chúng tôi tự hào cứ bình quân 5 năm, doanh thu tăng gấp 5 lần, như năm 2018, doanh thu lên tới 18.300 tỷ đồng, gấp 5 lần năm 2013. Đây là con số mà 5 năm trước, ngay cả nhân viên Hòa Bình cũng không ai nghĩ sẽ đạt được. Nếu trong quá khứ Hòa Bình đã có tốc độ tăng trưởng đều gấp 5 lần trong 5 năm, thì trong tương lai 5 năm, 10 năm, 15 năm sau, chúng tôi tin Hòa Bình có thể sẽ đạt tương ứng 4 tỷ USD, 20 tỷ USD và100 tỷ USD.

Thị trường xây dựng thế giới có quy mô rất lớn, hiện lên đến trên 12.000 tỷ USD/năm và tăng trưởng từ 2-3% một năm. Con số 100 tỷ USD chưa phải là quá lớn trong 15 năm sau. Đây là thị trường đầy tiềm năng để Hòa Bình và các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt và chiếm lĩnh thị phần. Từ năm 2011, Hòa Bình đã đặt chân tới Malaysia, tham gia quản lý xây dựng dự án cao cấp Le Yuan Residence. 

Từ bước đi đầu tiên này, chúng tôi đã mở rộng việc tham gia quản lý xây dựng ở Myanmar. Nay Hòa Bình có kế hoạch thực hiện một dự án lớn ở Canada theo mô hình đầu tư kết hợp xây dựng và hợp tác với một công ty địa phương làm tổng thầu.

Chúng tôi đang tiếp tục thực hiện chiến lược kinh doanh với mục tiêu phát triển thị trường nước ngoài của mình, dù biết là khó khăn nhưng chúng tôi vẫn kiên định với mục tiêu này. Chúng tôi nỗ lực tự tạo ra năng lực cạnh tranh, tự huy động các nguồn lực, các chuỗi cung ứng. Bước đi có thể chậm hơn nhưng bù lại sẽ ít đối thủ cạnh tranh hơn. Song điều mà tôi mong mỏi hơn đó là sự phát triển của cả ngành xây dựng Việt Nam ra toàn cầu cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp trong nước, chúng ta có thể tạo ra chuỗi cung ứng dịch vụ có đủ năng lực cạnh tranh quốc tế, đồng thời để cùng nhau tạo hiệu ứng cộng hưởng, tạo nên thương hiệu xây dựng Việt Nam để mang lại lợi ích cho quốc gia.

Nhiều năm qua, trong khả năng của mình, chúng tôi đã không ngần ngại chia sẻ các kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, giới thiệu lộ trình xây dựng giải pháp quản lý dự án tiên tiến B.I.M, mô hình hệ thống quản lý dự án trong toàn tập đoàn của mình cho đồng nghiệp cùng ngành thông qua những hội thảo, hội nghị cũng vì mục tiêu chung đó.

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng và doanh nghiệp vào ngày 26/12/2019, tôi đã nêu rõ 7 kiến nghị và giải pháp thực hiện chiến lược quốc gia này, trong đó cần sự hỗ trợ từ Chính phủ.Chúng tôi đề nghị tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp xây dựng Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh về mọi mặt, nhằm có thể xuất khẩu ra thị trường toàn cầu và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Trong đó, có một số kiến nghị đáng lưu ý như đơn giản hóa thủ tục cấp phép cũng như thủ tục chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài. Ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước xây dựng các công trình ở nước ngoài của Nhà nước như tòa đại sứ, tòa tổng lãnh sự... Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân giao dự án đầu tư ở nước ngoài cho doanh nghiệp xây dựng trong nước. Sớm thành lập hiệp hội nhà thầu Việt Nam ở nước ngoài để tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm. Quan trọng nhất là Chính phủ cần xem xây dựng là một ngành kinh tế mũi nhọn để tạo bứt phá cho Việt Nam, chứ không phải là ngành kinh tế hỗ trợ cho ngành khác phát triển như quan niệm hiện nay.

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng và doanh nghiệp vào ngày 26/12/2019, tôi đã nêu rõ 7 kiến nghị và giải pháp thực hiện chiến lược quốc gia này, trong đó cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. Chúng tôi đề nghị tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp xây dựng Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh về mọi mặt, nhằm có thể xuất khẩu ra thị trường toàn cầu và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. 

* Đề xuất xuất khẩu công nghiệp xây dựng, theo ông có được nhiều doanh nghiệp trong  ngành đồng thuận?

- Lâu nay, suy nghĩ về việc xuất khẩu vẫn thiên về sản phẩm cụ thể trong khi xây dựng là một ngành của dịch vụ. Thực tế, công nghiệp xây dựng có hai phần. Một là sản xuất vật liệu xây dựng và thiết bị nội ngoại thất cũng như thiết bị phục vụ thi công như giàn giáo, cần cẩu, vận thăng. Hai là dịch vụ xây lắp. 

Lâu nay, suy nghĩ về việc xuất khẩu vẫn thiên về sản phẩm cụ thể trong khi xây dựng là một ngành của dịch vụ. Thực tế, công nghiệp xây dựng có hai phần. Một là sản xuất vật liệu xây dựng và thiết bị nội ngoại thất cũng như thiết bị phục vụ thi công như giàn giáo, cần cẩu, vận thăng. Hai là dịch vụ xây lắp.

Khi nghe tôi chia sẻ về vấn đề này, có nhiều công ty trong chuỗi cung ứng và dịch vụ rất đồng thuận và hoan nghênh ý tưởng của tôi, trong khi có nhiều công ty xây dựng kể cả những công ty lớn lại không mấy quan tâm.

* Giả sử 5 năm nữa vẫn chưa nhiều doanh nghiệp cùng “xuất khẩu xây dựng”, ông có còn “lửa” để tiếp tục?

- Tôi vẫn kiên trì theo đuổi việc xuất khẩu công nghiệp xây dựng, nhưng nếu chỉ đi một mình thì lợi ích mang lại cho đất nước sẽ bị hạn chế, dù Hòa Bình có lợi thế là “một mình một chợ”. 

Với cơ hội rộng mở và nhiều kiến thức mới mẻ của cách mạng công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam và Hòa Bình có thể học hỏi và áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý hệ thống. Đơn cử, Hòa Bình đã tích hợp các hệ thống để tự xây dựng nên hệ thống quản lý dự án PMS (Project Management System) riêng của công ty, có thể cùng lúc quản lý hàng trăm, hàng nghìn công trình không giới hạn về địa lý, kiểm soát chặt chẽ các khâu từ thiết kế cho đến thi công. Hệ thống này đã được đơn vị tư vấn quốc tế McKinsey (Mỹ) đánh giá là có tính năng vượt trội và duy nhất, họ cho biết chưa từng thấy một hệ thống tương tự như vậy và đề nghị Hòa Bình đóng gói cả hệ thống này để xuất khẩu.

* Trong nhiều tố chất người lãnh đạo cần có, tố chất nào đã giúp ông mang lại thành công cho Hòa Bình?

- Muốn đưa ra một quyết định chính xác thì phải có suy luận logic. Trong hành trình 32 năm, có thể nói những bước phát triển của Hòa Bình không thể sao chép ở bất kỳ một doanh nghiệp nào khác trên thế giới, vì hoàn cảnh đất nước ta không hề giống với ai. Do lẽ đó, mỗi bước đi phải tự mình phân tích phán đoán và đưa ra quyết định trên cơ sở của lý luận, của sự logic.

Có lẽ đó là một tố chất quan trọng giúp tôi thành công. Tôi cũng có khi sai vì trong thực tế lập luận của tôi chỉ có thể dựa trên một số yếu tố chính, trong khi một vấn đề để có lời giải đúng còn phụ thuộc nhiều yếu tố chi phối mà tôi đã bỏ sót, hoặc không nắm hết. Nhưng cha ông ta đã dạy rất hay “thất bại là mẹ thành công”. Mỗi lần thất bại là một trải nghiệm quý báu để có thành công sau này...

* Có người cho rằng ông là “tổng giám đốc có bàn tay thép bọc nhung”?

- Nhận xét ấy đã nói được phần nào tính cách của tôi. Vốn sinh ra trong một gia đình nhà giáo, bố mẹ tôi đều là người nho nhã, nhẹ nhàng và nhân hậu nên tôi được thừa hưởng những tính cách đó. Quan điểm sống và ứng xử của tôi là vị tha, bao dung, rộng lượng, rất nhẹ nhàng trong lời nói, nhưng rất kiên định và quyết liệt trong hành động.

Quan điểm sống và ứng xử của tôi là vị tha, bao dung, rộng lượng, rất nhẹ nhàng trong lời nói, nhưng rất kiên định và quyết liệt trong hành động.

Tôi vẫn xem việc thực hiện hoài bão của mình là hành trình dài, cần sự kiên trì nhẫn nại, cần ý chí bền bỉ mà điều đó chỉ có thể định hình trong một con người có tính cách nhẹ nhàng nhưng bên trong thì phải mạnh mẽ, quyết đoán.

Vào những thời kỳ thị trường xây dựng cạnh tranh khốc liệt, có ý kiến đặt ra tại sao đối thủ chấp nhận dễ dãi với chất lượng để giảm chi phí mà Hòa Bình thì cứ chấp nhận tăng chi phí để duy trì chất lượng dịch vụ có khi phải chịu lỗ. Tôi kiên quyết không cho phép công ty làm ra lợi nhuận bằng mọi giá, cắt xén chỗ này hoặc chỗ kia làm giảm chất lượng dịch vụ, chất lượng công trình mà ngược lại phải nâng cao chất lượng hơn nữa. 

Tôi nhắc nhở anh em, uy tín thương hiệu là sự sống còn của Hòa Bình và uy tín đó dựa trên chất lượng dịch vụ, chất lượng công trình. Hòa Bình dù trong hoàn cảnh khó khăn nào vẫn luôn phải kiên định đi theo con đường riêng của mình, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp của mình.

* Có lúc Hòa Bình gặp khó và phải đối mặt với nhiều thông tin bất lợi, ông đã vượt qua như thế nào?

- Có thời gian Hòa Bình gặp phải những thông tin bị bóp méo, lệch lạc, người ta biến những cái bình thường thành bất thường, từ cái rất nhỏ thành cái lớn nên đã gây hoang mang cho cổ đông. Lúc đó, cổ phiếu của Hòa Bình giảm nhanh nhưng tôi vẫn luôn lạc quan, sự thật vẫn là sự thật và động viên anh em “lấy sóng to gió lớn” chuyển thành động lực phát triển, củng cố nội lực, tăng cường sự đoàn kết nội bộ, tái cấu trúc tập đoàn mạnh mẽ hơn.

* Năm 2020, chắc là Hòa Bình sẽ có những đột phá, phải không thưa ông?

- Hòa Bình đang phát triển thuận lợi ở cả hai mảng mà tập đoàn có mục tiêu mở rộng, đó là xây dựng công nghiệp và xây dựng hạ tầng. Song song, đó là chương trình “nhân đôi lợi nhuận và quốc tế hóa”, nhằm đưa Hòa Bình trở thành công ty xây dựng toàn cầu. Thời gian đầu triển khai kế hoạch chiến lược này sẽ rất khó khăn, nhưng chúng tôi có niềm tin sẽ vượt qua.

* Trong rất nhiều kết quả đạt được, có một kết quả mà ông cho là giá trị nhất, vì sao vậy thưa ông?

- Hai năm 2018 và 2019, Hòa Bình đạt được 150 triệu giờ lao động không xảy ra tai nạn. Chúng tôi xem đó là một kỳ tích vì có ý nghĩa rất lớn. Trước tiên thể hiện năng lực quản lý xây dựng, các biện pháp ngăn ngừa tai nạn rất hiệu quả, công tác đào tạo và thực thi các biện pháp an toàn lao động được công ty quan tâm và thực hiện rất triệt để. Hàng trăm triệu giờ lao động không tai nạn, không gây ra nỗi đau cho một ai thể hiện rõ tính nhân văn của Hòa Bình.

* Bận rộn với khá nhiều công trình mới, ông có còn thời gian và cảm hứng để sáng tác ca khúc?

- Tôi vẫn có nhiều cảm hứng và vẫn viết nhiều bài hát, bởi đó là sở thích, là nhu cầu tự nhiên của mình. Tôi muốn chia sẻ những cảm xúc, những suy tư về cuộc sống, đó cũng là một cách để giảm stress, lấy lại sự cân bằng giữa bộn bề công việc. Đó cũng là con đường ngắn nhất đi từ trái tim đến trái tim, truyền cảm hứng tốt nhất cho đồng nghiệp và cộng sự. Từ năm ngoái đến nay, tôi đã viết 5 ca khúc mới, đó là Ru mẹ, Duyên, Tiếc Xuân, Thương nhớ một thời, Xuân và gió Đông. Riêng bài Xuân và gió Đông, tôi muốn gửi thông điệp động viên anh em trong toàn tập đoàn:

“Xuân về sum họp thật là đông

Kỳ đức* chúc mừng hoài chẳng xong

Ý chí là bao ai tính được

Khát vọng có thúng nào mà đong

Quyết tâm vượt sóng ra biển rộng

Dũng cảm đi đầu đón gió Đông

Ai biến gió kia thành sức mạnh

Mai này nhất định sẽ thành công”.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ cởi mở!  

Ghi chú:

*Kỳ đức: bậc kỳ tài

Ca khúc Xuân và gió Đông được ông Lê Viết Hải sáng tác vào dịp Tất niên năm 2018, đúng vào lúc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương được 11 quốc gia ký kết và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/1/2019. Hiệp định được xem như một làn gió mới từ hướng Đông, giúp con thuyền Hòa Bình ra khơi, vượt sóng thuận lợi hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Khát vọng xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO