Ông chủ Digiworld và bí quyết thành công với 3 chữ "C"

LỮ Ý NHI (Thực hiện)| 01/10/2015 03:33

Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld) chia sẻ bí quyết thành công ba chữ "C": Con người - Cơ sở vững chắc - Cơ hội.

Ông chủ Digiworld và bí quyết thành công với 3 chữ

Sau 5 năm khởi nghiệp, bí quyết thành công của Digiworld được Chủ tịch Đoàn Hồng Việt cho biết là nhờ "cơ hội". Sau 10 năm, bí quyết thay đổi dựa trên ba chữ "C" theo thứ tự quan trọng: Con người - Cơ sở vững chắc - Cơ hội. Chạm mốc 18 năm với mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020, Digiworld lại lấy "cơ hội" làm đầu.

Đọc E-paper

Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld) chia sẻ về chiến lược phát triển của công ty:

"Khi internet bắt đầu bùng nổ và nhu cầu về các sản phẩm, dịch vụ công nghệ trong nước đang phát triển, tôi nắm bắt cơ hội và mở công ty phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) và nhanh chóng có được thành công bước đầu. Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, để phát triển bền vững thì đội ngũ nhân sự và cơ sở vững chắc lại trở nên quan trọng nên tôi tập trung cho chiến lược này.

Theo tôi, tốc độ phát triển của ngành CNTT hằng năm trên 30% nên công ty phân phối có thể trụ được và phát triển nhanh, nhưng trước sự cạnh tranh của thị trường, thành công của nhà phân phối sẽ được quyết định bởi hai chữ "C" đầu tiên, đó là quy trình, mạng lưới đại lý, hệ thống cung cấp hàng hóa và dịch vụ, trong đó đội ngũ là quan trọng.

Đến giai đoạn hiện nay, mặc dù Digiworld vẫn hoạt động tốt và điện thoại di động, mảng phân phối chính của Digiworld, được đánh giá còn tăng trưởng 20% trong những năm tiếp theo, nhưng sau 3 năm chắc chắn tăng trưởng sẽ chậm dần nên ngay thời điểm này, tôi lại tiếp tục tìm cơ hội.

Và câu hỏi: "Năm năm nữa, cái gì sẽ tăng trưởng nhanh và đem lại hiệu quả hoạt động cho Digiworld?" vẫn là ẩn số chiến lược mà tôi đang trăn trở, tìm kiếm để nắm bắt cơ hội mới". 

* Trong cơ hội của doanh nghiệp (DN) còn có tác động không nhỏ của nhiều yếu tố xung quanh, theo ông, tác động nào sẽ tạo cơ hội cho DN nói chung và Digiworld nói riêng?

- Tôi cho rằng kinh tế vĩ mô ổn định, người dân có thu nhập ngày càng cao thì nhu cầu sẽ cao, kéo theo sức mua tốt và DN cũng có thêm nhiều cơ hội mở mang ngành nghề và phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay kinh tế vĩ mô của ta chưa phát triển toàn diện, tỷ trọng các công ty nhà nước còn nhiều, việc cổ phần hóa các DN nhà nước còn chậm, thu nhập bình quân đầu người chưa cao khiến các ngành nghề kinh doanh chưa có nhiều cơ hội phát triển.

* Nhiều người khi làm lâu năm ở một lĩnh vực nào đó thường thấy nhàm chán, muốn vươn ra một lĩnh vực khác để tìm cơ hội và sự mới mẻ, vậy cơ hội mà ông đang tìm kiếm sẽ tiếp tục ở mảng CNTT hay là một lĩnh vực khác, thưa ông?

- Tôi vẫn còn "lửa" với nghề nên có rất nhiều ý tưởng đang xem xét và thử nghiệm để biến chúng thành hiện thực, trong số đó tôi quan tâm nhiều hơn đến thương mại điện tử vì hiện nay lĩnh vực này tại Việt Nam còn khá nhỏ so với các nước xung quanh. Theo tôi, đừng suy nghĩ gò bó thì sẽ thấy lĩnh vực kinh doanh của mình còn rất rộng lớn.

Nếu dịch vụ tiện ích, phục vụ cho nhu cầu có thật thì tại sao mình không dám vượt qua phạm vi bán điện thoại để tìm một ý tưởng kinh doanh mới. Hay như Amazon, ban đầu họ chỉ gắn thương hiệu với sách, ai nghĩ bây giờ bán cả tã lót. Tóm lại, khi nhìn thấy nhu cầu ở những lĩnh vực khác mà mình đủ năng lực và đáp ứng được nhu cầu thị trường thì tại sao không làm mà cứ phải đóng đinh ở một lĩnh vực?

>>Giám đốc Carmudi.vn: Làm thương mại điện tử rất khó!

* Đặt tham vọng doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020 trong khi doanh thu năm 2014 chỉ mới dừng lại ở khoảng 230 triệu USD, nhiều người cho rằng ông "quá” tự tin, quan điểm của ông là...

- Chiến lược lâu nay của Digiworld tập trung bán cho đại lý nhỏ, tuy quản lý khó hơn nhưng lợi nhuận tốt hơn. Bên cạnh đó, mảng bán sản phẩm đầu cuối cho các DN tuy không lớn như thiết bị di động nhưng thị trường ổn định, bền vững.

Thị trường này hiện khá phân mảnh và nhà phân phối thường là nhỏ nên đây là cơ hội cho chúng tôi mua bán và sáp nhập (M&A) để mảng này hoạt động hiệu quả hơn. Song song đó, điểm giúp cho Công ty tạo ra sự khác biệt với những DN gạo cội cùng ngành là năng lực làm marketing cho các nhãn hiệu và chuỗi 5 dịch vụ khác biệt gồm: định giá, marketing, bán hàng, hỗ trợ đại lý, bán sản phẩm...

Ngoài ra, theo thông lệ, 6 tháng cuối năm bao giờ doanh thu, lợi nhuận cũng cao hơn 6 tháng đầu năm với tỷ lệ khoảng 40 - 60%, cộng với việc chúng tôi sẽ giới thiệu 2 nhãn hiệu mới trong 6 tháng cuối năm nên tin tưởng sẽ đạt được doanh thu đề ra khoảng hơn 6.000 tỷ đồng, tăng trưởng 23% và lợi nhuận là 160 tỷ đồng.

* Hiện Digiworld đang ở top ba nhà phân phối, sau FPT và PSD, hỏi nhỏ, ông có tham vọng thay đổi vị thế không?

- Quan điểm của tôi là hãy làm tốt phần việc của mình, khi hệ thống, quy trình và con người đã vững vàng thì cơ hội tăng trưởng sẽ đến. Tôi chưa bao giờ đặt ra mục tiêu phải thay đổi vị thế, bởi lúc nào chúng tôi cũng nỗ lực làm thật tốt để giữ uy tín thương hiệu và không bị tụt hậu. Với tôi, uy tín Công ty và sự nhận biết, tin tưởng của khách hàng là vị thế tốt nhất.

* Quyết định đưa Digiworld niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, ông có nghĩ sẽ mất đứa con mình sinh ra, ông không muốn để "tài sản" này cho các con kế thừa?

- Đưa Digiworld trở thành công ty công chúng nằm trong chiến lược đầu tiên khi thành lập Công ty và đây là hướng phát triển tất yếu. Đến một lúc nào đó, khi Công ty lớn mạnh và muốn lớn hơn nữa thì một cá nhân hay một nhóm điều hành sẽ không còn đủ khả năng, vì vậy, phải trở thành công ty công chúng.

Thực tế cho thấy, lợi ích từ công ty công chúng rất nhiều, rõ nhất là uy tín thương hiệu mạnh hơn, khả năng huy động vốn cao hơn, đặc biệt là khả năng thu hút nhân tài ở tất cả các cấp quản lý cao và trung.

Hơn nữa, nếu nhìn vào sứ mệnh của Công ty là đem lại cho những người làm việc với mình cuộc sống tốt hơn thì phải là công ty trên thị trường chứng khoán mới thấy được rõ, bởi những năm trước, dù cổ phần của Digiworld chia sẻ cho mọi người nhưng không ai hình dung được họ có bao nhiêu tiền.

Khi công ty niêm yết, chỉ cần lấy số cổ phần mình có nhân với giá thị trường sẽ biết mình có bao nhiêu, từ đó động lực làm việc của nhân viên cũng tăng lên.

Hiện nay, tôi đang nắm quyền sở hữu cao nhất và vẫn điều hành Công ty, chắc chắn sẽ đến lúc không còn đủ sức và sự nhạy bén nắm bắt thị trường cũng kém đi, nếu có người đảm nhiệm công việc điều hành tốt hơn, tôi sẵn sàng từ bỏ vị trí và chỉ làm một cổ đông của Công ty.

Riêng quan điểm kế thừa, tôi không bắt các con phải kế nghiệp. Thật ra, kinh doanh rất mệt, stress triền miên và hầu như không có thời gian cho bản thân. Đơn cử, buổi sáng thức dậy tôi đã phải nghĩ đến chuyện kinh doanh, khi lên giường ngủ, các hoạt động như đọc báo, lên mạng cũng để tìm các thông tin và kiến thức liên quan đến công việc.

Cuộc sống như vậy chưa hẳn là hay, vì vậy, nếu con tôi thấy kinh doanh mang lại niềm vui, chúng sẽ tự chọn, còn nếu ép buộc con đi theo con đường của mình vì nghĩa vụ kế thừa, sự nghiệp cũng sẽ tiêu tan vì kinh doanh cũng phải đam mê mới theo đuổi được.

* Nếu cho con một lời khyên tâm đắc, ông sẽ nói gì?

- Con người chỉ hạnh phúc khi được làm việc mình thích chứ không phải kiếm được nhiều tiền. Tôi khuyên các con: Hãy làm những việc mình đam mê và yêu thích, nhưng phải biết chọn cơ hội.

Như đã chia sẻ, tôi khởi nghiệp thành công là nhờ tìm thấy cơ hội trong lĩnh vực CNTT, một lĩnh vực đang tăng trưởng nóng. Vào thời điểm này, nhiều người cũng khuyên tôi chọn lĩnh vực sản xuất và nhiều cơ hội mở ra khá hấp dẫn nhưng tôi không chọn và bây giờ vẫn vậy.

* Hiện nay, nhiều DN trong nước đã sản xuất được những sản phẩm công nghệ, ông vẫn thấy lựa chọn của mình là đúng?

- Tham vọng nào cũng đáng trân trọng vì không có tham vọng thì không có thành quả lớn, nhưng môi trường ở Việt Nam vẫn chưa hỗ trợ cho sản xuất. Tại sao ở Mỹ có Thung lũng Silicon?

Dĩ nhiên do họ có tinh thần sáng tạo, thế nhưng khi có sáng tạo mới thì môi trường xung quanh cũng phải sẵn sàng hỗ trợ, như ở Mỹ có các công ty về luật, bảo hiểm, có những văn phòng miễn phí để hỗ trợ công ty khởi nghiệp, rất nhiều sự giúp sức như vậy nên họ mới có được Facebook, Google. Không dám nói là không nhưng chắc chắn sẽ ít hơn và khó khăn hơn ở môi trường thuận lợi.

* Vậy nếu các đơn vị sản xuất sản phẩm công nghệ "Made in Vietnam" đến đề nghị hợp tác phân phối, ông có chính sách hỗ trợ không?

- Quan điểm của tôi là sản phẩm nào mang lại lợi ích và đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng, cho hệ thống phân phối, mình sẽ hợp tác mà không phân biệt sản xuất ở Trung Quốc, Mỹ hay Việt Nam... Vì hiện nay sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam nhưng sản xuất tại Trung Quốc rất nhiều, vậy có khác gì sản xuất tại Trung Quốc đâu.

Riêng các sản phẩm điện thoại Việt Nam, nếu có người mua, tôi cũng sẽ hợp tác phân phối nhưng hiện vẫn rất ít người quan tâm. Đơn cử như điện thoại Bphone được quảng bá khá cao cấp và mặc dù công ty sản xuất có nghiên cứu, có đầu tư R&D rất bài bản nhưng đến nay cũng chưa thấy ai hỏi mua nên tôi chưa phân phối, bởi người tiêu dùng hiện có nhiều lựa chọn, họ có thể mua rất nhiều thương hiệu khác nhau, thậm chí chỉ thích chọn loại giá rẻ.

* Thường xuyên làm việc với các đối tác nước ngoài, ông học được bài học gì từ họ để áp dụng vào việc quản lý Công ty?

- Các tập đoàn nước ngoài có tầm nhìn rất rõ ràng và xa, họ luôn có kế hoạch 5 năm nữa, 10 năm nữa sẽ ở đâu và sẽ làm được gì, mang lại cái gì cho cộng đồng, chứ không phải 5 năm nữa ông chủ giàu như thế nào, có bao nhiêu tiền, phải vậy họ mới xây dựng được đội ngũ nhân sự đi theo cùng mục tiêu đó.

Đặc biệt, họ xây dựng được văn hóa làm việc nghiêm túc, uy tín, không gièm pha, không đổ lỗi. Và tôi đã học được điều này để xây dựng văn hóa cho Digiworld, đó là đã nói là phải làm, đã hứa là phải thực hiện, không có chuyện đổ lỗi. Khi nhân viên làm sai, người lãnh đạo bao giờ cũng là người có lỗi trước chứ không đứng ngoài cuộc, lỗi của họ là chưa quan tâm sâu sát, để nhân viên phạm lỗi.

* Nhiều người quan niệm, vợ chồng làm chung khó tránh mâu thuẫn cũng như gây áp lực cho nhân viên vì yếu tố cảm tính gia đình, với Digiworld thì sao, thưa ông?

- Digiworld nhận thức được điểm hạn chế của mô hình quản trị gia đình theo kiểu thuận tiện là chồng chéo, không có sự phân quyền rõ ràng, dẫn đến hiệu quả kinh doanh không cao.

Vì vậy, cải tổ đầu tiên trong việc chuyển đổi mô hình quản trị của Digiworld là xây dựng hệ thống phân quyền và trao quyền rõ ràng, tách bạch rõ quyền sở hữu và quyền điều hành, xác lập vai trò độc lập của HĐQT và trách nhiệm của chủ sở hữu với HĐQT và bộ máy điều hành.

Nhờ hệ thống phân quyền này mà Digiworld tránh được sự giao thoa quyền lực và tình trạng sếp ôm đồm quá nhiều việc, hoặc giải quyết công việc theo cảm tính. Cách quản trị này sẽ tạo nên người giỏi, ai làm cũng được, không cần phải là người thân thiết.

Sự tin tưởng của ông chủ không còn chỉ đặt vào người thân, mà vào cách quản trị rõ ràng, hợp lý cùng sự thực hiện đúng đắn các quy tắc quản trị đã đặt ra.

Ở góc độ gia đình, khi vợ chồng làm chung, không thể không có quan điểm trái ngược nhau, nhưng khi về nhà rồi thì tuyệt đối không nói chuyện công việc. Tôi và bà xã Hồng Trang có hai mối quan tâm khác nhau, do được... phân quyền cụ thể (cười): Tôi lo chiến lược, còn Trang lo tổ chức việc nội bộ, huấn luyện nhân viên, xây dựng văn hóa Công ty nên những vấn đề đưa ra thường là chia sẻ và hỗ trợ.

* FPT Trading được chọn phân phối độc quyền điện thoại iPhone cho Hãng Apple tại thị trường Việt Nam, và năm 2014, iPhone đã đóng góp 23% trong tổng doanh thu phân phối điện thoại của Công ty này. Mới đây, Digiworld cũng được chọn làm nhà phân phối iPhone, ông kỳ vọng gì ở cơ hội này?

- Việc hợp tác với nhà sản xuất cũng sẽ mang lại những rủi ro khó lường trước cho bên phân phối nếu sản phẩm của nhà sản xuất không theo kịp thị hiếu của người tiêu dùng.

Việc trở thành nhà nhập khẩu sản phẩm iPhone chính hãng tại Việt Nam giúp nâng cao uy tín của Digiworld trong lĩnh vực phân phối sản phẩm CNTT và kỹ thuật số, đặc biệt trong lĩnh vực điện thoại di động.

Nó cũng sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng năm 2015 của Digiworld, trong đó mảng kinh doanh thiết bị di động sẽ chiếm 65 - 70% doanh thu của Công ty.

* Phân phối các sản phẩm công nghệ cao, ông có sở thích sử dụng các sản phẩm công nghệ mới, cũng là để... thể hiện sự sành điệu và chiếm được lòng tin của đối tác?

- Khi có sản phẩm mới, tôi thường tìm hiểu để cập nhật vì điều tôi quan tâm nhất là người mua có thích không, sản phẩm có tính năng gì mới, không nhất thiết phải dùng vì tôi không cần thể hiện gì cả. Quan điểm của tôi: "Chiếc áo không làm nên thầy tu", những sản phẩm mình dùng không làm tăng thêm uy tín cho mình.

Bởi khi làm việc, tiếp xúc với ai thì điều quan trọng đầu tiên là tư cách và chính con người đó có đáng tin cậy không, chứ không phải hình thức hào nhoáng bên ngoài. Ngay cả các đối tác nước ngoài, họ là những ông chủ giàu có, tên tuổi nhưng bên ngoài cũng rất bình dị và chính cách làm việc, phong thái của họ đã tạo cho đối tác sự tin tưởng.

* Ông vừa nhắc đến đối tác nước ngoài, so với đối tác trong nước, ông thấy có sự khác biệt gì về cung cách làm việc?

- Đối tác trong nước thường xuề xòa hơn nên có thể quyết định nhanh công việc nhưng sau đó lại không thực hiện nghiêm túc, còn đối tác nước ngoài làm việc rõ ràng và có kế hoạch, đã thỏa thuận thế nào thì làm đúng như vậy.

* Cảm ơn ông về buổi trò chuyện.

>Chiến lược nhân sự thông minh của CEO Ford

>Những dân chơi công nghệ trở thành doanh nhân

>Người “lái đò” công nghệ

>Thương mại điện tử: độc đáo hay là chết?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông chủ Digiworld và bí quyết thành công với 3 chữ "C"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO