Những câu hỏi của con

THẠCH THẢO| 20/05/2009 05:28

Có một lần, bé Ngân vô ý nói hỗn với chị giúp việc khiến chị ta gào lên: “Cái thứ con lượm, con xin mà bày đặt lên mặt”. Mười tuổi, bé Ngân không hiểu hết ý nghĩa của mấy từ “con lượm, con xin” nhưng nó bắt đầu để ý dò xét. Một hôm, nó hỏi mẹ: “Con lượm, con xin là sao hả mẹ?”.

Những câu hỏi của con

Có một lần, bé Ngân vô ý nói hỗn với chị giúp việc khiến chị ta gào lên: “Cái thứ con lượm, con xin mà bày đặt lên mặt”. Mười tuổi, bé Ngân không hiểu hết ý nghĩa của mấy từ “con lượm, con xin” nhưng nó bắt đầu để ý dò xét. Một hôm, nó hỏi mẹ: “Con lượm, con xin là sao hả mẹ?”.

Câu hỏi của con khiến Minh bối rối: “Con hỏi làm gì?”. Bé Ngân ngập ngừng: “Tại con nghe cô Hai nói vậy. Cô bảo con là con lượm, con xin mà bày đặt lên mặt”. Minh tái mặt: “Con đừng nghe cô Hai nói khùng, nói điên”.

Vì câu nói ấy mà chị giúp việc bị đuổi. Không thấy chị đâu, bé Ngân lại hỏi mẹ: “Sao cô Hai đi về quê lâu quá vậy mẹ?”. Con bé thấy nhớ chị giúp việc. Dù sao thì chị cũng gần gũi, chăm sóc nó gần chục năm nay rồi. Nó rất thương chị, nhưng vì biết chị là người ăn kẻ ở nên thường hay bắt nạt và hỗn với chị. Chị giúp việc đã quen với chuyện đó. Nhưng hôm chị nổi giận quát lại là vì chị đang có chuyện buồn. Câu nói của con bé như đổ dầu vào lửa khiến chị lỡ lời.

Nhưng với Minh thì chuyện đó lại vô cùng nghiêm trọng. Nàng gọi chị giúp việc vào phòng: “Chị đã ở với tôi bao nhiêu năm nay rồi, từ khi mới đem con Ngân về. Tôi coi chị như người trong nhà. Chuyện chị lỡ lời với bé Ngân, tôi không trách. Nhưng chị không thể ở lại đây được nữa vì tôi sợ, có ngày con bé lại hỏi...”. Chị giúp việc chừng như cũng biết lỗi nên khóc thút thít: “Dạ, tôi xin lỗi cô. Tôi không ngờ mình lại ngu dại như vậy”. Minh đã cho chị một số tiền và căn dặn: “Chị nhớ giữ kín giùm tôi mọi chuyện”.

Nhà có người giúp việc mới. Bé Ngân cũng dần quên chuyện cũ. Nhưng mấy tháng sau, ăn Tết xong, con bé làm hồ sơ để được xét tuyển vào lớp 6. Nó lại thắc mắc: “Mẹ ơi, sao trong khai sinh của các bạn con đều có ghi tên cha, còn con thì không có? Cha bạn Mỹ Ngọc đã chết, nhưng tên vẫn còn trong khai sinh. Còn con, sao chỉ có tên mẹ?”. Minh điếng người trước câu hỏi của con. Nàng lúng túng hồi lâu mới trả lời được: “Tại ba mất khi con còn trong bụng mẹ nên trong khai sinh của con, mẹ không để tên ba”. Con bé ngẫm nghĩ hồi lâu rồi gật đầu: “Phải chi ba chờ mẹ sinh con ra rồi hãy chết thì hay biết mấy”. Nghe con nói, Minh muốn rớt nước mắt nhưng nàng cố kềm để con bé đừng thấy.

Bẵng đi một thời gian khá lâu, không nghe bé Ngân thắc mắc gì chuyện “ba con là ai?”, Minh thấy yên tâm phần nào. Mười mấy năm qua, nàng đã cố gieo vào lòng con ý nghĩ: một người mẹ tốt thì có thể “kiêm nhiệm” luôn vai trò của một người cha. Và chuyện một đứa bé không có cha là bình thường. Bé Ngân đã ít nhiều cảm thấy như vậy dù thỉnh thoảng nó vẫn đứng lặng nhìn những đứa bé được cha cõng trên vai hoặc bạn bè cùng lớp được cha đưa đón đến trường.

Cứ tưởng mọi việc đã tạm yên, nào ngờ, giờ đây, sự việc lại phức tạp theo một chiều hướng khác. Hưng, cậu em út “phá của” của Minh, trong một lần đến xin tiền, bị nàng từ chối, đã chỉ mặt bé Ngân nói: “Chị không cho tôi thì sau này tài sản của chị cũng thuộc về tay con nhỏ người dưng nước lã, không mẹ, không cha này”. Minh nhào tới gạt mạnh tay em trai khiến Hưng loạng choạng suýt ngã: “Mày ra khỏi nhà tao ngay và từ đây về sau đừng có cho tao thấy mặt”.

Hưng đi rồi, bé Ngân lặng im nhìn mẹ. Lần này nó không hỏi mà chờ nghe chính mẹ nó phải mở lời. Thế nhưng, Minh đã im lặng. Nàng không muốn và cũng không biết phải nói gì với con. Ôm bé Ngân vào lòng, nàng cố tình lái sang chuyện khác: “Cậu Út say rượu, con đừng để ý làm gì”. Con bé vẫn không nói tiếng nào. Rồi nó gỡ tay mẹ ra, lẳng lặng về phòng riêng, đóng chặt cửa lại. Đến sáng hôm sau, mọi người phát hiện nó đã bỏ đi tự bao giờ. Trên bàn trong phòng nó có một mảnh giấy nhỏ: “Con không phải là con ruột của mẹ, vậy thì con là con của ai? Cha mẹ con đâu? Con phải đi tìm họ...”.

Con bé chẳng biết đi đâu nên ghé nhà một đứa bạn thân học cùng lớp. Đến trưa thì Minh nhận được điện thoại của một phụ nữ: “Tôi là mẹ của Thiên Kim, học cùng lớp với cháu Ngân. Cháu đang ở nhà tôi, xin chị đừng lo. Lát chiều, tôi sẽ đưa cháu về”. Minh luýnh quýnh: “Cám ơn chị. Làm phiền chị quá. Hay là... xin chị cho địa chỉ nhà để tôi đến đón cháu”. Nghe đọc xong địa chỉ nhà, Minh hấp tấp gọi taxi. Bé Ngân thấy mẹ, thoạt đầu nó chẳng nói gì, nhưng sau đó mếu máo: “Sao mẹ biết con ở đây?”. Minh ôm chầm lấy con: “Sao con lại bỏ mẹ mà đi như vậy? Mẹ chỉ có một mình con thôi mà. Con không thương mẹ sao?”. Nói đến đây, không kềm được, nàng bật khóc.

Bé Ngân chẳng phải đợi lâu. Về đến nhà, hai mẹ con vào phòng, mẹ nó đã kể cho nó nghe mọi chuyện. “Khi ba mẹ chuẩn bị làm đám cưới thì chẳng may ba con bị tai nạn qua đời. Lúc ấy, mẹ vẫn chưa biết là có con. Sau này, khi biết chuyện, bà ngoại đã bắt mẹ phải bỏ con nhưng mẹ nhất định không nghe. Ngoại đuổi mẹ khỏi nhà. Mẹ lên Bình Dương xin vào một công ty của nước ngoài làm việc để chờ sinh con. Chưa được bao lâu thì ngoại lại lặn lội đi tìm và ở đó với mẹ cho tới lúc con chào đời”.

Điều duy nhất Minh thấy ân hận là đã không dám đương đầu với dư luận. Nàng đã nghe theo sự sắp đặt của mẹ, đem bé Ngân về và nói dối với mọi người rằng, đó là con nuôi. Nhiều người đã tin như vậy và chính bé Ngân cũng đã có lúc nghĩ như vậy. “Mẹ xin lỗi...”, Minh xoay mặt con về phía mình, nhìn thẳng vào mắt nó.

Con bé mếu máo, lắc đầu: “Mẹ đâu có lỗi gì. Từ nay con sẽ không suy nghĩ lung tung, bậy bạ nữa”. Nó còn nói rất nhiều về niềm hạnh phúc khi đã vén được bức màn bí ẩn về người đã tạo ra nó. Nghe con nói, Minh chợt nhận ra rằng, trẻ con rất nhạy cảm. Và rất khó để giấu chúng một điều gì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những câu hỏi của con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO