Mỗi cuốn sách như mở một con đường

LỮ Ý NHI| 10/12/2009 08:28

Gắn bó với ngành phát hành sách hơn 20 năm, có thể nói, lĩnh vực này với ông Phạm Minh Thuận không còn là “nghề” mà là “nghiệp”.

Mỗi cuốn sách như mở một con đường

Gắn bó với ngành phát hành sách hơn 20 năm, có thể nói, lĩnh vực này với ông Phạm Minh Thuận không còn là “nghề” mà là “nghiệp”. Thời gian của ông lúc nào cũng hạn hẹp, nay chỗ này mai chỗ khác, hết kế hoạch này đến kế hoạch khác, việc này vừa xong lại có ngay việc khác. Dù đã cùng nhân viên đưa hệ thống nhà sách Fahasa trở thành thương hiệu được bạn đọc tin cậy, nhưng ông vẫn tự nhận: “Càng làm càng thấy trách nhiệm nặng hơn và vẫn còn nhiều việc phải làm”.

* Nghe nói sách là người bạn không thể thiếu của ông, nhưng bận rộn như vậy, thời gian đâu ông đọc sách?

- Tôi thích đọc sách từ bé. Thời đó, sách in không đẹp, giấy không trắng, hình ảnh không sinh động và nhiều màu sắc như bây giờ, nhưng tìm được cuốn sách nào là tôi đọc ngấu nghiến. Với tôi, đọc sách không nhất thiết phải đọc lúc rảnh rỗi, mà cả lúc làm việc, đi công tác, mình vẫn có thể dành thời gian cho sách. Hơn nữa, nghề của tôi là phát hành sách nên mỗi cuốn sách được chọn mua bản quyền hay nhận phát hành, tôi đều dành thời gian để đọc, tìm hiểu nội dung. Theo tôi, nghề phát hành sách không chỉ để bán sách mà còn để đọc, để cảm nhận và sau đó là truyền thụ cái hay cho người khác.

* Nhưng ngày nào cũng phải tiếp cận nhiều loại sách, có khi nào ông bị "bội thực" sách?

- Sách là một kho tri thức. Mỗi thể loại, mỗi cuốn sách là một chân trời kiến thức, mở cho người đọc một tầm nhìn mới mẻ, một sự khám phá mới. Vì thế, không thể có chuyện ngán đọc.

* Là con của nhà văn Phạm Tường Hạnh, hẳn đó cũng là lý do để ông yêu sách hơn và chọn nghiệp sách?

- Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, tôi về làm việc tại Fahasa. Đó là một sự lựa chọn tình cờ và ngẫu nhiên. Thời bao cấp, phát hành sách trong nước rất đơn điệu, nhưng càng làm tôi thấy say mê và gắn bó với công việc. Có thể nói, tôi thừa hưởng từ cha tinh thần say mê sách và sự nghiêm túc trong công việc. Chính hai yếu tố này đã giúp tôi có nhiều ý tưởng để phát triển ngành nghề, đồng thời là động lực để tôi phấn đấu đưa Fahasa trở thành công ty sách hàng đầu Việt Nam.

* Chắc ông phải nỗ lực rất nhiều và gặp không ít khó khăn, nhất là khi ông nhận vai trò đầu tàu vào thời điểm ngành phát hành sách đang chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang thị trường?

- Dù ở cương vị nào, tôi cũng làm hết sức mình, tận tâm với công việc trên tinh thần trách nhiệm, không vụ lợi cá nhân và luôn học hỏi, tìm tòi để xây dựng Fahasa ngày càng phát triển. Năm 1997, tôi tiếp tục học cao học kinh tế để có kiến thức chuyên môn nhằm làm tốt hơn công việc cũng như hoạch định kế hoạch cho Fahasa một cách khoa học, bài bản.

Thời kỳ chuyển từ bao cấp sang thị trường đúng là giai đoạn khó khăn nhất, Fahasa dường như không thích ứng được, cộng thêm nợ nần, sách tồn kho nhiều, kinh doanh không hiệu quả. Lúc này, tư nhân kinh doanh sách bắt đầu hoạt động và có cơ chế thông thoáng hơn, nên đã có nhiều đề nghị giải tán Fahasa. May mắn nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo thành phố, Ban giám đốc Fahasa đã kịp thời chuyển nhanh hướng kinh doanh, tiếp tục hòa nhập với thị trường...

* Bước tiến đó, theo ông...

- Là những thành quả mà Fahasa đã đạt được. Từ một vài nhà sách ban đầu, đến nay chúng tôi đã phát triển thành một hệ thống gồm 46 nhà sách, một trung tâm liên kết xuất bản là Công ty cổ phần Văn hóa tổng hợp Bình Dương và một xí nghiệp in. Fahasa cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trong ngành phát hành sách, bán sách qua mạng. Năm 2006 và 2009, chúng tôi được bình chọn nằm trong top 10 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam đạt giải thưởng Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương và được Thủ tướng Chính phủ trao tặng cờ thi đua, Huân chương Lao động hạng Nhất.

* Từng là trưởng phòng qua bốn đời giám đốc, ông học được gì ở những người đi trước. Nghe nói có lúc ông cũng phải đối mặt với nhiều chuyện không vui, lúc đó ông ứng xử ra sao?

- Bốn đời giám đốc của Fahasa mỗi người một cá tính, và cách làm việc khác nhau. Tổng hợp những cái hay, điểm mạnh của các sếp, tôi học được nhiều điều, từ cách quản lý, cách đối nhân xử thế đến tầm nhìn, kinh nghiệm. Nếu lãnh đạo chưa tin tưởng thì càng phải làm với trách nhiệm cao nhất. Đôi lúc gặp chuyện không vui, tôi không tỏ ra bất mãn hay nói ra nói vào, mà chọn cách “im lặng là vàng”, lấy hiệu quả công việc làm câu trả lời, dần dần các sếp sẽ hiểu ra và đánh giá mình đúng hơn.

* Nhiều doanh nhân cho rằng, cái khó nhất của người lãnh đạo là thu phục nhân tâm...

- Một người lãnh đạo không có tâm thì khó sâu sát và đồng cảm với tâm tư, nguyện vọng của nhân viên, nhất là khi xử lý vấn đề, nếu anh chỉ lấy cái nhìn của cấp trên, lấy lý ra suy xét thì đôi lúc sẽ không thấu tình, đạt lý. Thực tế, đã có nhiều nhân viên rất giỏi ở các công ty sẵn sàng dứt áo ra đi, không màng bổng lộc, danh vị chỉ vì cách ứng xử thiếu thuyết phục của người lãnh đạo. Vì vậy, khi gặp một tình huống phức tạp, tôi luôn đơn giản hóa cho nó nhẹ nhàng hơn và thường nhìn vào mặt tốt, mặt tích cực của nó để giải quyết.

Chẳng hạn, một nhân viên làm thất thoát tài sản, sẽ có người cho là tham ô, nhưng cũng có thể do anh ta yếu kém nghiệp vụ. Với hai cách nhìn nhận vấn đề khác nhau, sự việc cũng sẽ được giải quyết khác nhau. Vì vậy , giải quyết thế nào để sau đó, người phạm lỗi vẫn còn cơ hội để sửa sai và phấn đấu. Biết đâu chính “con đường mở” này sẽ giúp họ làm việc tốt hơn, gắn bó với đơn vị hơn. Thực tế ở Fahasa, các mối quan hệ đồng nghiệp đều trong sáng, không khí làm việc vui vẻ, giữa nhân viên chỉ có thi đua chứ không có cạnh tranh gay gắt, ai cũng có thể phát huy hết khả năng của mình.

* Một “bí quyết” lãnh đạo hiệu quả mà ông tâm đắc?

- Người lãnh đạo là tấm gương cho nhân viên, là “cái nếp” cho văn hóa công ty đi theo nên mọi ứng xử phải khách quan, nói được phải làm được và phải làm bằng hai, bằng ba người khác thì nhân viên mới nể.

* Thời điểm năm 1990, ngành phát hành sách có nguy cơ phá sản, hầu hết các công ty đều chuyển sang kinh doanh loại hình văn hóa tổng hợp, nhưng vì sao Fahasa vẫn kiên trì với việc phát hành sách, thưa ông?

- Như đã nói, giai đoạn 1986-2002 là giai đoạn khó khăn nhất của ngành phát hành sách do sự chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang thị trường, nhưng khó thì phải tìm cách gỡ, bởi ngay từ mục tiêu hoạt động ban đầu, chiến lược kinh doanh của Fahasa là lấy chuyên ngành sách làm hướng kinh doanh trọng tâm, không kinh doanh nhiều mặt hàng khác, không chạy theo những cái nhất thời.

Đứng ở góc độ quản trị, lợi thế cạnh tranh cũng sẽ thuộc về những đơn vị kinh doanh chuyên ngành vì họ am hiểu về chuyên môn và thị trường. Ở những lĩnh vực mình không chuyên, sự hiểu biết không bằng các doanh nghiệp “đàn anh, đàn chị”, độ rủi ro sẽ rất cao. Hơn nữa, sách là sản phẩm văn hóa mang giá trị tinh thần, là kiến thức cho nhân loại mà đời nào cũng cần, cũng phải được trân trọng, nhất là khi xã hội càng phát triển thì nhu cầu này càng tăng cao và là nhu cầu vô hạn, phát triển mãi mãi, người ta có thể mua hết cuốn sách này đến cuốn sách khác khi họ say mê.

* Năm 2008 khủng hoảng kinh tế xảy ra, trong khi các doanh nghiệp thu hẹp hoạt động thì Fahasa lại mạnh dạn đầu tư thêm nhiều cửa hàng sách, ông có thấy là mình mạo hiểm khi vào thời điểm phải “thắt lưng buộc bụng”, người dân sẽ dè dặt hơn trong việc chi tiêu, nhất là khoản chi phí cho sách?

- Với chúng tôi, phát hành sách không đơn thuần là kinh doanh mà còn là trách nhiệm phục vụ và truyền bá tri thức, nâng cao dân trí. Nếu Fahasa chỉ tính đến lợi nhuận, không dám mở nhà sách ở các tỉnh, các vùng xa thì cơ hội cập nhật kiến thức của người dân sẽ càng thiếu hụt và họ sẽ rất khó khăn trong việc học tập, nghiên cứu. Nói thì nghe có vẻ lý thuyết, nhưng nhìn thấy các em nhỏ ở các tỉnh vào nhà sách cắm cúi đọc, hân hoan khi tìm được cuốn sách đang cần, tôi rất vui và cảm động. Đó cũng chính là động lực giúp tôi luôn hết mình làm tròn trách nhiệm.

Chúng tôi còn có những hoạt động hướng đến cộng đồng, như tổ chức hội chợ sách. Vào dịp lễ, Tết, Fahasa tổ chức những xe sách phục vụ các khu vực ngoại thành với giá giảm từ 20 - 40%. Đây là hoạt động mang tính phục vụ và được Fahasa tài trợ hằng năm 400 triệu đồng.

* Về số lượng, có thể nói hệ thống nhà sách của Fahasa đang phát huy lợi thế, nhưng về quy mô, ông đã hài lòng chưa nếu so sánh với các nhà sách ở các nước? Với việc phát triển quá nhanh hệ thống các nhà sách như hiện nay, liệu Fahasa có gặp khó khăn trong việc quản lý?

- Phải nói rằng, khủng hoảng kinh tế là một lợi thế đối với Fahasa. Khi kinh tế phát triển, các ngành nghề cùng phát triển, nhưng khi khó khăn thì chỉ có những đơn vị nào đủ nguồn lực mới tồn tại. Trong điều kiện này, nhu cầu thị trường vẫn có và Fahasa có được nhiều lợi thế, như thuê mặt bằng rẻ hơn, cạnh tranh ít hơn, khách hàng từ các đơn vị không có năng lực tìm đến mình...

Tuy nhiên, đúng là phát triển quá nhanh cũng gây nhiều khó khăn, nhất là nguồn nhân lực, những người được Fahasa chuẩn bị đào tạo từ trước thì rơi rụng dần, nhân lực địa phương thì khan hiếm. Hiện, chúng tôi đang có kế hoạch tuyển sinh viên từ trường Đại học Văn hóa TP.HCM, cao đẳng văn hóa ở các tỉnh về đào tạo.

Nói về quy mô nhà sách, đúng là so với các nước, hệ thống nhà sách của ta hiện nay còn thiếu diện tích. Mặt bằng rộng nhất của Fahasa cũng chỉ có 2.000m2, nên chưa đủ diện tích để bày sách, chưa đủ không gian để người đọc thoải mái lựa chọn sách. Trong khi đó, nhà sách ở nước ngoài có diện tích trung bình từ 5.000 - 6.000m2, với các phương tiện phục vụ mang tính chuyên nghiệp cao, chẳng hạn chỉ cần gõ vào máy tra cứu sẽ biết được các loại sách cần tìm.

* Ông có thể chia sẻ điều gì về lĩnh vực sách?

- Hiện nay, vấn đề nhiều người quan tâm là văn hóa đọc của người dân đang xuống cấp. Theo tôi, nói như vậy là phiến diện, cực đoan vì văn hóa đọc phải hiểu theo nghĩa rộng. Người rảnh rỗi, lớn tuổi thì thích đọc văn thơ, người trẻ thì đọc sách tham khảo, khoa học, kỹ thuật, giải trí... Nhu cầu đọc sách dù có sụt giảm chút ít do tác động của quá nhiều phương tiện thông tin, truyền thông, giải trí khác, nhưng nhìn chung vẫn rất lớn, bằng chứng là doanh thu phát hành sách của chúng tôi liên tục tăng trưởng mỗi năm từ 20 - 30%.

* Nhưng thưa ông, nhiều người vẫn cho là giá sách hiện nay quá cao vì mức phát hành phí 35 - 40% so với giá bìa?

- Tôi cho mức phí này là hoàn toàn hợp lý và khi khách hàng mua sách với số lượng lớn, chúng tôi còn thương lượng tăng lên đến 45%. Ở các nước trên thế giới, mức phát hành phí còn cao hơn nhiều, vì họ làm công tác phát hành toàn cầu. Ngoài các chi phí về điều hành, phục vụ, mặt bằng, trong phát hành phí đó, còn phải tính tới tiền dự trữ cho số sách bị ứ đọng với một tỷ lệ thích đáng. Trong thực tế, ít có cuốn sách nào bán được hết số lượng in ra, cuốn nào bán được 80% số lượng in đã là may mắn, còn thường bị tồn ở mức 20% trở lên. Như vậy, mức phát hành phí thật sự chỉ còn 15 - 20% giá bìa.

* Xin mạn phép hỏi, đã bao giờ ông thử viết lách theo nghiệp của cha?

- Tôi chưa từng viết văn, làm thơ. Chỉ có khả năng viết một văn bản khá nhanh. Vậy cũng đủ gọi là có chút “máu me” chữ nghĩa của cha rồi.

* Cám ơn ông về buổi trò chuyện này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỗi cuốn sách như mở một con đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO