GS. Trần Văn Thọ - Giáo sư danh dự Đại học Waseda Nhật Bản: “Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển bứt phá”

Hồng Nga| 01/05/2023 01:00

Sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam - Đà Nẵng, GS. Trần Văn Thọ - Giáo sư danh dự Đại học Waseda Nhật Bản sinh sống và làm việc tại Nhật Bản và luôn đau đáu về sự phát triển của Việt Nam. Bởi thế mà dù đã ở tuổi thất thập nhưng ông đã nhiều năm là thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng vẫn đi đi về về giữa hai nước để tham gia các buổi nói chuyện về kinh tế, truyền đạt những kinh nghiệm xây dựng kinh tế ở các nước phát triển...

Những ngày giữa tháng 4 này, GS. Trần Văn Thọ liên tục di chuyển từ TP.HCM đến Đà Nẵng rồi ra Hà Nội tham gia các buổi nói chuyện với doanh nhân về tình hình kinh tế thế giới, về việc doanh nghiệp Việt Nam nên chuẩn bị tâm thế và hành trang gì trước sự thay đổi như vũ bão của công nghệ... Dù không có nhiều thời gian, nhưng ông vẫn thật cởi mở khi trò chuyện với Doanh Nhân Sài Gòn.

-7489-1682397077.jpg

* Ở góc độ nhà nghiên cứu kinh tế và là thành viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản trong gần 10 năm, theo giáo sư, thành tựu đạt được từ mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 50 năm qua là gì? Việt Nam cần làm gì và học hỏi Nhật Bản như thế nào để trở thành quốc gia phát triển?

- Trong 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023) thì 20 năm đầu chưa có thành tựu đáng kể vì tình hình quốc tế không thuận lợi và vì kinh tế Việt Nam còn trong giai đoạn tập trung quan liêu bao cấp, đổi mới cũng ở thời kỳ sơ khai. Quan hệ hai nước phát triển mạnh kể từ năm 1993 khi Nhật Bản bắt đầu cung cấp vốn vay ưu đãi (ODA) và sau đó doanh nghiệp Nhật triển khai các dự án đầu tư trực tiếp (FDI) ở Việt Nam. 

Nhật Bản là nước tích cực nhất trong việc kêu gọi các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các nước tiên tiến hỗ trợ Việt Nam vốn vay ưu đãi để xây dựng hạ tầng, giúp Việt Nam trong việc cải cách thể chế kinh tế. Nhật Bản cũng luôn là nước dẫn đầu trong hợp tác song phương, đặc biệt cung cấp ODA nhiều nhất. Kim ngạch lũy kế vốn ODA của Nhật Bản hỗ trợ cho Việt Nam từ năm 1993 đến tháng 3/2022 lên tới 2.784 tỷ yên (khoảng 22 tỷ USD) và 98 tỷ yên là tiền hỗ trợ không hoàn lại (grant), 18 tỷ yên là hợp tác kỹ thuật. Vốn ODA của Nhật Bản đã giúp Việt Nam xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng như bến cảng, metro, đường cao tốc, nhà máy phát điện...

Về FDI, Nhật Bản là một trong ba nước đầu tư lớn nhất ở Việt Nam. Tính đến ngày 20/12/2022, kim ngạch FDI lũy kế của Nhật Bản tại Việt Nam là gần 69 tỷ USD, góp phần quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp Nhật có vai trò lớn trong việc phát triển ngành điện tử gia dụng, xe máy, máy in và nhiều sản phẩm cao cấp khác. Một điểm cần nhấn mạnh nữa là Chính phủ và doanh nghiệp Nhật luôn đồng hành với Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư qua các chương trình đối thoại được gọi là "Sáng kiến Việt - Nhật", trong đó hai bên cùng tìm ra những vấn đề còn vướng mắc về chính sách, về hành lang pháp lý, về thực thi chính sách để cải thiện, sửa đổi.

Để trả lời câu hỏi "Việt Nam cần làm gì và học hỏi Nhật Bản như thế nào để trở thành quốc gia phát triển", không thể tóm gọn trong vài ý. Vấn đề này tôi đã viết khá chi tiết trong tác phẩm Kinh tế Nhật Bản - giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973 do nhà xuất bản Đà Nẵng - Phanbook phát hành năm 2022.

* Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được đánh giá là một trong những mối quan hệ hợp tác phát triển song phương thành công nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, vốn ODA từ Nhật Bản đã giảm, thậm chí dừng. Theo ông, để thúc đẩy nguồn vốn ODA này, Việt Nam nên làm gì?

- Vốn ODA của Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam tăng nhanh trong 20 năm đầu. Tính theo vốn cam kết, ODA Nhật Bản đạt đỉnh cao nhất là 270 tỷ yên vào năm 2011, giảm nhanh từ năm 2017 và hầu như không có trong năm 2018, 2019. Nguyên nhân chủ yếu là từ phía Việt Nam, không phải phía Nhật Bản. Việt Nam có khuynh hướng thận trọng hơn trong việc vay vốn nhằm kiểm soát khả năng trả nợ nước ngoài. Thêm vào đó là sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án đã làm ảnh hưởng đến việc giải ngân và cam kết các dự án mới. Nhìn chung, việc giảm nhận ODA để không làm tăng nợ nước ngoài và để huy động tốt hơn nguồn lực trong nước là rất đáng hoan nghênh, tránh hiện tượng vừa lãng phí nguồn lực trong nước vừa tiếp tục vay vốn nước ngoài. Một nước phát triển là nước đến một giai đoạn nào đó phải "tốt nghiệp ODA", nghĩa là chấm dứt giai đoạn nhận ODA để phát triển kinh tế.

-5048-1682397077.jpg

* Từng là thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, theo giáo sư, trong thế giới nhiều biến động ngày nay, cơ hội nào cho Việt Nam bứt phá để vươn lên?

- Kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Các quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines... đang vươn lên mạnh mẽ để đưa nền kinh tế vươn tầm và vượt tầm thế giới.

Kinh tế Việt Nam đang phát triển tương đối ổn định nhưng cần một giai đoạn phát triển nhanh hơn, chất lượng cao hơn. Với tiềm năng hiện nay, có chiến lược, chính sách đúng đắn có thể hy vọng có một giai đoạn như vậy. 

Ngoài ra, biến động của thế giới có ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng cũng mở ra cơ hội mới. Chẳng hạn, đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, cùng nhiều yếu tố khác làm cho lương thực, thực phẩm ngày càng trở thành sản phẩm chiến lược mà nhiều nước đang chú trọng. Đây là lợi thế của Việt Nam. Làm sao để lương thực, thực phẩm vừa cung cấp đủ cho thị trường nội địa vừa là sản phẩm xuất khẩu chủ lực Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển từ những lợi thế có sẵn như dân số đông, ngôn ngữ và văn hóa thống nhất, không có mâu thuẫn về sắc tộc và tôn giáo, vị trí địa lý thuận lợi, lại là nước "trung lập" trong cuộc chiến thương mại toàn cầu. Tiềm năng của Việt Nam có thể lớn hơn nếu nỗ lực đầu tư nhiều hơn vào  khoa học - công nghệ và tăng chất lượng lao động. Hiện nay, chỉ số năng lực của giới trẻ Việt Nam về công nghệ thông tin, toán học cao hơn nhiều so với nhiều nước nhưng mặt bằng chất lượng lao động nói chung còn thấp. 

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao, Việt Nam phải liên tục tăng năng suất và năng lực cạnh tranh trong thời đại mới. Năng suất của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 15% năng suất của Nhật Bản và bằng năng suất của Nhật Bản vào năm 1960, vẫn thấp hơn Indonesia, Thái Lan và thấp hơn nhiều so với Malaysia, Hàn Quốc, Singapore. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ mới tăng mạnh trong khoảng nửa thập niên qua. Từ năm 2015-2020, Việt Nam có mức tăng năng suất cao nhất châu Á với bình quân 5,2% một năm, nhưng chủ yếu nhờ có sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ - con đường chung của các nước đi sau về kinh tế.

* Nghĩa là có rất nhiều việc Việt Nam phải làm?

- Kinh tế Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi hội nhập sâu nhưng lại tập trung vào một số ít thị trường và cơ cấu thiếu bền vững. Về trung hạn, Việt Nam cần chú trọng hơn thị trường trong nước, tăng mạnh nền công nghiệp, tăng cường sản xuất mặt hàng thiết yếu, quan tâm đến an ninh kinh tế với tiềm năng nông nghiệp là lợi thế và ưu tiên các nguồn lực cho đào tạo lao động tay nghề cao. 

Công nghiệp Việt Nam hiện nay còn yếu và mỏng. Gần 50% cấu thành hàng công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải nhập khẩu từ trung gian. Chưa đến 10% giá trị gia tăng của hàng công nghiệp Việt Nam được các nước nhập khẩu dùng làm sản phẩm trung gian trong sản xuất. Cơ cấu công nghiệp thiếu bền vững khi nhập khẩu hầu hết nguyên vật liệu và sản phẩm trung gian phục vụ sản xuất, chủ yếu nhập từ hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc. Mặt khác, xuất khẩu, nhất là hàng tiêu dùng, thì phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ. Việt Nam cần đẩy mạnh thay thế nhập khẩu sản phẩm trung gian từ Trung Quốc và Hàn Quốc để làm thâm sâu và ổn định hóa cơ cấu công nghiệp. Chính sách thu hút FDI cần điều chỉnh theo mục tiêu này và tăng nội lực để nền kinh tế từng bước giảm phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI.

Trong chiều hướng đó, Việt Nam cần phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn mạnh, tham gia mạnh mẽ vào quá trình thâm sâu công nghiệp hóa, mũi đột phá là khu vực phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Về dài hạn, Việt Nam cần thay đổi tư duy phát triển và đổi mới sáng tạo để tăng trưởng nhanh và bền vững, thoát bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam trong dài hạn sẽ xây dựng nền kinh tế vững mạnh, tự chủ, kết hợp nông, ngư nghiệp với công nghiệp, kinh tế số và một số ngành dịch vụ để hiện đại hóa đất nước. Quan trọng là Việt Nam phải tạo ra một giai đoạn phát triển mạnh để nâng cao vị thế kinh tế trên thế giới. 

* Trong bối cảnh hiện nay, theo giáo sư, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì?

- Phải liên kết doanh nghiệp và doanh nghiệp, phải PR được nguồn lực kinh doanh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chữ tín giữ vai trò quan trọng trong việc tăng cường và ổn định chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó sáng tạo ra dịch vụ mới. 

Trong các trào lưu kinh tế hiện nay, yếu tố quyết định năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp là tài sản vô hình và nguồn nhân lực mới. Trong đó, tài sản vô hình gồm tài sản cách tân công nghệ (R&D, khả năng thiết kế...), tài sản có thể thông tin hóa (phần mềm, cơ sở dữ liệu...) và tài sản tổng hợp (năng lực quản lý, tổ chức và nguồn nhân lực mới...). Để khai thác tốt tài sản vô hình, doanh nghiệp cần đào tạo nguồn nhân lực với kỹ năng mới để thích ứng nhanh với sự thay đổi của công nghệ. Nhưng trước tiên, phải có chiến lược thu hút nhân tài và có chế độ để họ gắn bó với doanh nghiệp.

* Đã làm việc nhiều với doanh giới, ông đánh giá như thế nào về doanh nhân Việt Nam? Ông thấy có sự giống nhau và khác nhau thế nào giữa doanh nhân Việt Nam và doanh nhân Nhật Bản?

- Rất khó trả lời ngay câu hỏi này vì không thể "tổng quát hóa" tập thể doanh nhân của một nước và việc so sánh phải xét đến yếu tố thời đại và từng giai đoạn phát triển kinh tế. Trong tập thể doanh nhân Việt Nam cũng có người có triết lý kinh doanh giống doanh nhân điển hình của Nhật Bản, ngược lại, hiện nay ở Nhật Bản cũng có doanh nghiệp hành động giống những doanh nghiệp thường thấy ở Việt Nam. 

Nếu nêu vài nhận xét gây ấn tượng lớn về doanh nhân trong tôi thì như thế này: trong quá trình phát triển để theo kịp phương Tây, hầu hết doanh nhân Nhật Bản đều có tinh thần yêu nước và nêu cao đạo đức kinh doanh, xem doanh nghiệp là của công, là công cụ để làm cho đất nước phát triển. Họ không xem lợi nhuận là mục tiêu. Lợi nhuận chỉ là kết quả của nỗ lực khám phá thị trường, khám phá và áp dụng công nghệ. Việt Nam cũng có doanh nhân như vậy nhưng chưa nhiều. Ngược lại, nhiều công ty Việt Nam mới thành công bước đầu đã sẵn sàng làm đối tượng của việc mua bán sáp nhập (M&A) cho các công ty nước ngoài - một hiện tượng không thấy trong kinh tế Nhật Bản.

Để khai thác tốt tài sản vô hình, doanh nghiệp cần đào tạo nguồn nhân lực với kỹ năng mới để thích ứng nhanh với sự thay đổi của công nghệ. Nhưng trước tiên, phải có chiến lược thu hút nhân tài và có chế độ để họ gắn bó với doanh nghiệp.

* Còn mô hình tăng trưởng xanh thì thế nào khi hiện nay nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là động lực của nền kinh tế, thưa giáo sư?

- Kinh tế xanh rất đáng quan tâm và Việt Nam cần có biện pháp kích thích tiêu thụ hàng hóa xanh. Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh sẽ làm cho chất lượng nền kinh tế phát triển cao hơn, dù tốc độ phát triển có chậm lại nhưng rất quan trọng. Trên thực tế, tại Nhật Bản, những doanh nghiệp quan tâm đến tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, cổ phiếu của họ đã tăng giá đáng kể và được người tiêu dùng quan tâm, từ đó họ phát triển hơn nữa.

* Cảm ơn giáo sư về những chia sẻ! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
GS. Trần Văn Thọ - Giáo sư danh dự Đại học Waseda Nhật Bản: “Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển bứt phá”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO