Gặp doanh nhân gắn bó với quả trứng gần 3 thập kỷ

Hồng Nga| 01/04/2021 03:00

Ở Việt Nam, nếu tìm một doanh nhân kinh doanh trứng gia cầm lâu nhất, đó chỉ có thể là ông Trương Chí Thiện. Những ngày đầu năm 2021, tìm gặp vị CEO của Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt này thật khó vì ông luôn bận rộn kế hoạch chăn nuôi, sản xuất trứng gia cầm thương hiệu V.Food với hoài bão tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho quả trứng, đưa trứng đến bàn ăn của người tiêu dùng thế giới.

Trong tâm niệm của Trương Chí Thiện, với thị trường gần 100 triệu dân Việt rất lớn, đây là đầu ra, là mảnh đất tốt cho ngành chăn nuôi và kinh doanh quả trứng. Lâu nay, người dùng vẫn có thói quen sử dụng trứng tươi, nhưng hạn sử dụng loại trứng này lại khá ngắn, khó vận chuyển, khó bảo quản. Do đó, với việc sản xuất trứng chế biến sẵn, V.Food mở ra nhiều kênh tiêu thụ mới, bao tiêu sản phẩm cho các trại chăn nuôi đồng thời tạo thêm giá trị gia tăng cho quả trứng. Trong sự nghiệp hơn 27 năm gắn bó với quả trứng, người đàn ông gần 50 tuổi này quyết xây dựng thương hiệu "made in Vietnam" cho quả trứng của người nông dân. 

Cũng thời gian qua, quả trứng truy xuất nguồn gốc đã ngốn khá nhiều tiền của Vĩnh Thành Đạt và sản phẩm trứng chế biến, trứng dinh dưỡng của V.Food đang tiếp tục thực hiện giấc mơ "mở cửa thị trường thế giới" bằng cách đưa đến bàn ăn của người tiêu dùng nhiều nước khác nhau mà trước mắt là người dân khu vực Đông Nam Á.

anh-1-3572-1617005013.jpg

* Chào ông, nghe nói ông đang triển khai một dự án lớn đối với ngành thực phẩm mà cụ thể là với trứng gia cầm?

- Tôi chưa thể tiết lộ cụ thể nhưng hiện tại mọi thứ đang chạy đến đích để  trong vài tháng tới đây, những sản phẩm mà chúng tôi cung cấp ra thị trường sẽ là những sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất, công nghệ... chưa từng có tại Việt Nam. Đây là hướng đi mới để mở thêm đầu ra quả trứng cho người nông dân cũng như phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

* Nhưng tìm đầu ra cho quả trứng, trước đây Vĩnh Thành Đạt đã làm trứng chế biến và đã được thị trường đón nhận? Dự án mới có gì khác biệt?

- Đúng vậy. Trứng chế biến là một trong những thành công của Vĩnh Thành Đạt cho đến thời điểm này. Tại các cửa hàng tiện lợi, trứng gia cầm chế biến sẵn của Vĩnh Thành Đạt tiêu thụ khá tốt. Trứng vịt kho, trứng gà tiềm, trứng cút phá lấu, trứng vịt muối ăn liền, trứng bắc thảo ăn liền đang tăng trưởng mạnh ở kênh cửa hàng tiện lợi. Chắc chắn trong thời gian tới mặt hàng trứng chế biến sẽ còn tiếp tục phát triển. Vì một khi xã hội càng phát triển, thời gian dành cho nấu nướng bị hạn chế thì người tiêu dùng sẽ chuyển sang những sản phẩm chế biến sẵn. Một năm trở lại đây, dòng sản phẩm trứng tiềm V.Food tăng trưởng rất tốt, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 20.000 quả. Đặc biệt, nhiều đối tác của chúng tôi còn đặt vấn đề đưa sản phẩm của Vĩnh Thành Đạt ra nước ngoài thông qua hệ thống cửa hàng của họ. 

Hiện chúng tôi cũng đang có một số dự án hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhằm phát triển thêm dòng sản phẩm này thành nguyên liệu trong một vài món ăn. Tạm thời tôi chưa thể công bố được.

* Năm rồi, Vĩnh Thành Đạt đưa ra thị trường nhiều sản phẩm trứng tươi cao cấp như trứng giàu Omega 3, vitamin E, trứng gà xông khói...

- Trong năm 2020, lúc thị trường khó khăn, chúng tôi đã nghĩ đến việc nghiên cứu ra những sản phẩm mới, phục vụ cộng đồng, người tiêu dùng mà điển hình là trứng gà và trứng cút xông khói Hàn Quốc. Thật ra, sự ra đời của sản phẩm này xuất phát từ việc các trang online nhập trứng ăn liền Hàn Quốc về bán với giá cao. Tôi thấy điều này là không hợp lý vì mặt hàng này mình có thế mạnh tại sao phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nghĩ là làm, chúng tôi nhập hệ thống dây chuyền sản xuất và công nghệ của Hàn Quốc để sản xuất trứng gà và trứng cút xông khói theo tiêu chuẩn Hàn Quốc. Sản phẩm của chúng tôi có giá bán chỉ 5.500 đồng/quả, chưa bằng một nửa so với giá trứng gà xông khói nhập khẩu. 

 Sự ra đời của sản phẩm này giúp chúng tôi có thêm nhiều sản phẩm chế biến từ quả trứng tươi, mang lại giá trị gia tăng cao cho công ty và tăng tiện ích, đa dạng cho người dùng. Trứng gà vitamin E dùng để ăn sống mà công ty hợp tác gia công cho Tập đoàn ISE (Nhật Bản) tăng trưởng tốt, hiện có mặt tại nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, quán ăn và siêu thị. Không dừng lại ở những hợp tác trên, chúng tôi đang chuẩn bị cho ra đời thêm một số sản phẩm giá trị gia tăng cao trong thời gian tới.

* Nghe nói năm qua là một năm khá khó khăn của Vĩnh Thành Đạt khi phải thực hiện những chương trình kinh doanh chưa từng có trong hành trình hơn 27 năm của mình để có thể tồn tại trước áp lực của Covid-19?

- Phải nói năm 2020 là năm khá khó khăn không chỉ với Vĩnh Thành Đạt mà nhiều doanh nghiệp khác trong cả nước. Cứ nhìn vào số lượng doanh nghiệp đóng cửa, giải thể thì bạn có thể hiểu doanh nghiệp đã đối diện với những vấn đề gì. 

Trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, tất cả trường học, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa nên công ty phải tạm ngưng cung cấp một lượng hàng rất lớn. Để đảm bảo đầu ra cho doanh nghiệp và các đối tác chăn nuôi, công ty buộc phải tăng cường khuyến mãi, giảm giá từ 20-30% để kích cầu tiêu dùng. Giảm giá bán sẽ không có lợi nhuận nhưng chúng tôi không thể không chia sẻ với người tiêu dùng. Chỉ khi người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm thì đầu ra cho các hộ chăn nuôi liên kết với chúng tôi mới được giải phóng.

Tuy nhiên, tín hiệu tốt là ngay sau Tết, nhu cầu tiêu dùng đã nhích lên và chúng tôi phải tăng ca mới có đủ sản phẩm cung ứng. Hy vọng, dịch Covid-19 sẽ được khống chế và sức mua, thị trường sẽ lại trở guồng của nó. 

anh-2-6683-1617005014.jpg

* Dù khó khăn nhưng ông vẫn thành lập nhà máy dự trữ để hỗ trợ, chia sẻ cùng người nông dân?

- Chúng tôi thành lập các kho ngay vùng nguyên liệu và đưa công nghệ sơ chế, chế biến về đó để chủ trang trại yên tâm về đầu ra của mình khi dịch bùng phát. Trong đó, chỉ riêng nhà máy đã được mở rộng với công suất chế biến 30.000 quả, gấp 10 lần 5 năm trước. 

Tôi tâm niệm rằng, cho dù khó khăn như thế nào chúng tôi vẫn luôn đồng hành cùng người nông dân và tiêu dùng trong mọi điều kiện. Chẳng hạn như với chương trình bình ổn giá của TP.HCM, từ nhiều năm nay, chúng tôi tham gia rất tích cực dù nhiều doanh nghiệp đã rút từ lâu. Năm 2020, Vĩnh Thành Đạt vẫn giữ nguyên sản lượng trứng đăng ký cung cấp cho chương trình bình ổn thị trường với số lượng 1 triệu quả trứng gia cầm/ngày. Bên cạnh đó, công ty cũng tăng khả năng dự trữ, đề phòng trường hợp thị trường thiếu hụt, giá bán tăng cao, doanh nghiệp có đủ năng lực để cung ứng theo sự điều tiết của các sở ngành chức năng. 

Trong kế hoạch sản xuất của năm 2021, công ty đẩy mạnh các dòng sản phẩm chế biến và ra mắt nhiều sản phẩm trứng chế biến. Cụ thể, để tận dụng nguồn trứng size loại 2, loại 3, chúng tôi nhập công nghệ, sản xuất và đưa ra thị trường bánh trứng - loại bánh rất ưa chuộng tại Đài Loan. Tất cả là vì người tiêu dùng Việt. 

* Có vẻ như với ông, mọi thứ liên quan đến quả trứng đều rất hấp dẫn?

- Đúng là với tôi, mọi việc liên quan đến trứng đều rất hấp dẫn. Nếu trứng gia cầm tươi vừa khó bảo quản, vừa phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe của kênh phân phối hiện đại nên việc mở rộng thu mua trứng của người nông dân sẽ khó thực hiện. Từ những trở ngại đó, chúng tôi nghĩ đến việc làm trứng chế biến như trứng vịt kho, trứng gà tiềm, trứng cút phá lấu và trứng gà ác tiềm thuốc bắc... Với những sản phẩm mới này, chúng tôi đã có cách để giúp người nông dân có thể tăng đầu ra nhờ tăng thời gian sử dụng của quả trứng. 

Từ chỗ hạn dùng vỏn vẹn khoảng chục ngày của quả trứng tươi, qua công nghệ chế biến của Vĩnh Thành Đạt, những quả trứng do bà con nông dân nuôi trồng có thể giữ được đến 6 tháng. Tất cả sản phẩm này ra đời nhờ những chuyến đi tìm hiểu thị trường của chúng tôi tới các nước lân cận Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc... và niềm say mê với quả trứng, niềm cảm thông với người nông dân. Hiện nay, trứng chế biến V.Food thực sự chinh phục người tiêu dùng nhưng điều tôi vẫn canh cánh trong lòng là mục tiêu đưa quả trứng trở lại bàn ăn của người dân khu vực vẫn chưa thể triển khai vì Covid-19. Dù vẫn còn khó khăn nhưng tôi tin, kế hoạch này sẽ sớm được thực hiện.

* Từ nhiều năm nay, TP.HCM đã triển khai không ít hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng... Tuy nhiên, nhìn lại ngành thực phẩm, rất ít doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi truy xuất nguồn gốc, theo ông tại sao vậy?

- Đúng là tại TP.HCM vẫn chưa nhiều doanh nghiệp thực hiện được chuỗi thực phẩm truy xuất nguồn gốc từ trang trại tới bàn ăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, hiện nay trong số các tiêu chí triển khai chuỗi truy xuất nguồn gốc, tiêu chí về môi trường còn cao so với khả năng của doanh nghiệp chăn nuôi. Các nhà máy, xưởng chế biến đạt tiêu chuẩn nhưng các trang trại chăn nuôi vẫn còn những hạn chế chưa thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành thực phẩm còn gặp khó khi không thể bán trứng gia cầm có truy xuất nguồn gốc cao giá hơn trứng thường trong khi đầu tư cho truy xuất phải tốn chi phí phần mềm, công cụ, phương tiện sản xuất, vận chuyển... Nếu bán giá thấp, doanh nghiệp khó tăng trưởng nhưng bán giá cao, người tiêu dùng sẽ không chấp nhận. 

anh-3-9605-1617005014.jpg

Cái khó nữa là để tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, các trang trại chăn nuôi phải đầu tư bài bản, nhưng thực tế số doanh nghiệp đáp ứng được những yêu cầu này rất ít. Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm không thể thực hiện cả quy trình từ khâu chăn nuôi, sản xuất cho đến phân phối và khâu chăn nuôi thường "giao lại" cho các trang trại vệ tinh. Đó cũng là lý do tại sao dù Vĩnh Thành Đạt đã triển khai chuỗi an toàn thực phẩm truy xuất nguồn gốc từ nhiều năm nay nhưng sản phẩm đúng theo chuỗi chỉ chiếm 70%, 30% sản phẩm chỉ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề chung của các doanh nghiệp ngành thực phẩm khi tham gia chuỗi cung ứng. 

* Vậy theo ông, làm thế nào để doanh nghiệp tích cực tham gia chuỗi, mang thực phẩm an toàn có truy xuất nguồn gốc phục vụ hơn 15 triệu dân của TP.HCM?

- Làm sao để vận động được ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi thực phẩm an toàn là vấn đề quan trọng. Nếu muốn chương trình được nhân rộng, trước tiên phải tạo động lực để doanh nghiệp tham gia. Hiện nay, Ban An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM đã triển khai một số hoạt động, chương trình để khuyến khích các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học... sử dụng sản phẩm chuỗi. Nên chăng các cơ quan chức năng cần đưa ra các yêu cầu để tạo sức ép ngược buộc doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm phải tham gia chuỗi. Chẳng hạn như sản phẩm phải đảm bảo những tiêu chuẩn cụ thể mới có thể được bán vào các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học... Bên cạnh đó, cần có nhiều hoạt động hỗ trợ để doanh nghiệp bằng các chuyên đề, các hoạt động trong các hội chợ, quảng bá sản phẩm hàng Việt. Và nên chăng, cũng nên hạ thấp tiêu chuẩn môi trường để các trang trại chăn nuôi có thể tham gia.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là phải tuyên truyền như thế nào để người tiêu dùng thấy được cái lợi của sản phẩm truy xuất nguồn gốc mà tăng tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, TP.HCM sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi, mang sản phẩm an toàn chất lượng cho người dân.

* Xin cảm ơn về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gặp doanh nhân gắn bó với quả trứng gần 3 thập kỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO