Chủ tịch MediGroup Nguyễn Thế Dinh: "Số hóa truyền thông để cải thiện chất lượng ngành y"

THANH NHÃ| 20/09/2018 08:52

Đặt mục tiêu xây dựng cộng đồng nhà thuốc online cũng như cải thiện chất lượng chuyên môn và sự minh bạch trong bán hàng, Chủ tịch MediGroup - doanh nhân Nguyễn Thế Dinh - quyết định từ chối lời đề nghị đến làm việc tại Hong Kong để bắt đầu với mô hình "số hóa truyền thông y tế”.

Chủ tịch MediGroup Nguyễn Thế Dinh:

Chủ tịch MediGroup kiêm Tổng giám đốc MediHub - doanh nhân Nguyễn Thế Dinh.

Từng là Giám đốc Thương mại và Quan hệ chính phủ của Fresenius Kabi - tập đoàn dược phẩm nổi tiếng của CHLB Đức, sự nghiệp của Nguyễn Thế Dinh có lẽ là mơ ước của nhiều người ở tuổi 34. Thế nhưng ông vẫn quyết định từ chối lời đề nghị đến làm việc tại Hong Kong để bắt đầu mô hình "số hóa truyền thông y tế” nhằm góp phần cung cấp thông tin y tế chính thống cho người bệnh, người dân và kết nối họ với các bệnh viện cũng như nhân viên y tế. Đồng thời mô hình này cũng xây dựng cộng đồng nhà thuốc trực tuyến (online), giúp cải thiện chất lượng chuyên môn và minh bạch trong bán hàng.

Mô hình "số hóa truyền thông y tế” của Nguyễn Thế Dinh đã nhận được sự hợp tác của  40 bệnh viện như Chợ Rẫy, Từ Dũ, Bình Dân, 115, Nhân dân Gia Định, Viện Tim TP.HCM, Bệnh viện Trung ương Huế, Đa khoa Đà Nẵng, Phụ sản Trung ương, Ung Bướu Hà Nội... và hàng ngàn nhà thuốc tại các thành phố lớn.

Từ kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành dược, thường xuyên ra vào các bệnh viện, Nguyễn Thế Dinh chia sẻ, người dân khi đến khám bệnh tại một bệnh viện lớn thì cần rất nhiều thông tin, chẳng hạn như quy trình khám bệnh, sơ đồ đường đi trong bệnh viện, các nguyên tắc khám và điều trị ở từng bệnh viện, thông tin bác sĩ... nhưng họ không biết tìm ở đâu.

"Theo khảo sát của tôi thì không nhiều bệnh viện quan tâm đến vấn đề cung cấp những thông tin truyền thông cho người dân. Phần lớn website của các bệnh viện không được chăm chút nên lượng truy cập cũng ít. Sơ đồ hướng dẫn của nhiều bệnh viện khá sơ sài, không tạo được sự chú ý. Trong lúc chờ đợi hoặc sau khi khám bệnh, người dân cũng có nhu cầu xem những thông tin sức khỏe liên quan đến bệnh của mình, chẳng hạn như người khám ở viện tim thì cần tìm hiểu thông tin về tim mạch, lối sống để phòng bệnh. Nhưng phần lớn màn hình và wifi miễn phí tại các bệnh viện chỉ trình chiếu quảng cáo và thông tin giải trí” - Nguyễn Thế Dinh nói.

Link bài viết

* Vậy mô hình của ông sẽ mang thông tin đến cho người dân thế nào?

- Điểm đặc biệt của mô hình "số hóa truyền thông y tế” là áp dụng tối đa các nền tảng kỹ thuật số và công nghệ hiện đại, tạo thành một mạng lưới kênh truyền thông khép kín trong môi trường bệnh viện, được vận hành và kiểm soát, xử lý qua internet. Theo đó, trước khi đến bệnh viện, người dân có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin chính thống về bệnh viện cũng như các bệnh lý bằng cách kết nối trang mạng của bệnh viện với cổng thông tin y tế Medihub.vn. Khi đã đến bệnh viện và điều trị nội trú, người dân sẽ được tiếp cận nhanh chóng các quy định, hướng dẫn khám chữa bệnh và những thông tin chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa và điều trị bệnh qua màn hình truyền thông y tế kết nối internet được đặt tại các vị trí dễ thấy của bệnh viện, nhất là màn hình Led kích thước lớn.

Trong thời gian chờ đợi khám chữa bệnh, hệ thống M-wifi miễn phí giúp người dân kết nối internet, tìm kiếm thêm thông tin chăm sóc sức khỏe bổ ích. Hiện nay một số bệnh viện đã có màn hình tivi lớn nhưng phục vụ cho quảng cáo là chính. Hệ thống màn hình của MediHub tập trung cho thông tin chăm sóc sức khỏe, thông tin bệnh viện, lại vừa có thông tin nhãn hàng. Việc đi lại trong bệnh viện sẽ dễ dàng hơn, nhân viên hướng dẫn ở bệnh viện sẽ giảm được áp lực công việc nhờ hệ thống trạm thông tin chỉ đường cảm ứng, mọi người có thể tìm đến các khoa, phòng một cách chính xác và nhanh nhất. Hệ thống trạm chỉ đường tích hợp bảng vẽ chi tiết toàn bộ sơ đồ bệnh viện với hình ảnh mô phỏng 3D sinh động, phân tầng rõ ràng, hiệu ứng vẽ đường đi tự động, thông tin và hình ảnh thực tế của từng khoa phòng.

* Đông đảo bệnh nhân hiện nay đến từ những vùng quê, liệu họ có thể tiếp cận được công nghệ hiện đại này?

- Phần lớn bệnh viện cũng nghĩ như vậy, nên việc áp dụng công nghệ phục vụ bệnh nhân cũng hiếm hoi. Nhưng thực tế, cuộc sống đang thay đổi từng ngày và internet đã phủ sóng hầu như mọi miền đất nước. Tỷ lệ người dân ở quê sử dụng điện thoại thông minh rất cao, nhất là trong độ tuổi từ 20 đến 50. Việc tra cứu thông tin trên mạng đã không còn xa lạ với người dùng thiết bị thông minh. Theo tôi, thời điểm này không quá sớm để đưa công nghệ vào các dịch vụ bệnh viện, nhất là dịch vụ thông tin truyền thông. Ngay cả dịch vụ hẹn giờ khám qua tổng đài 1080 hay bấm số thứ tự cũng đã cũ. Tôi muốn hướng người dân hẹn giờ khám qua website và lấy số ở các trạm thông tin cảm ứng mà chúng tôi xây dựng. Nhu cầu sử dụng wifi miễn phí tại các địa điểm công cộng là cực lớn. Và đây được xem là kênh quảng cáo hiệu quả nếu nội dung quảng cáo của doanh nghiệp tác động chính xác vào nhu cầu của khách hàng mục tiêu.

* Mô hình này mang lại lợi ích gì cho bệnh viện, thưa ông?

- Mô hình "số hóa truyền thông y tế” sẽ góp phần giúp bệnh viện nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thiểu áp lực trong việc quản lý, dễ dàng đưa ra thông báo, hướng dẫn, quy định... Chúng tôi cũng hỗ trợ cho công tác truyền thông, cung cấp thông tin giáo dục sức khỏe đến người dân của bệnh viện sẽ được thực hiện dễ dàng, đồng bộ qua hệ thống màn hình kết nối internet. Thật vui vì tầm nhìn của chúng tôi đã thuyết phục được ban giám đốc của các bệnh viện lớn, mở đầu là Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM - một trong các bệnh viện tiên phong trong ứng dụng công nghệ số. Đến nay có 40 bệnh viện đồng ý áp dụng mô hình "số hóa truyền thông y tế” cùng nhiều bệnh viện đang đề nghị hợp tác với MediHub.

Cha tôi hay nói "Nhất thế y tam thế suy", làm nghề y mà không có đức, thì một đời giàu ba đời suy... Tham gia vào ngành y tế, tôi luôn giữ những nguyên tắc quan trọng về y đức, cả khi làm việc với bệnh viện cũng như làm việc với doanh nghiệp. Tôi có một niềm tin rằng nếu mình sống ngay thẳng thì nhiều người sẽ ủng hộ, và làm đúng thì sẽ thành công.

* Từ trước đến nay, doanh nghiệp hợp tác với bệnh viện thường là các "ông lớn" trong ngành dược phẩm hoặc thiết bị y tế. Doanh nghiệp của ông chưa có tên tuổi, liệu có gặp khó khăn khi thuyết phục các bệnh viện hợp tác?

- Phải nói là vô cùng gian nan. Tôi phải đến thuyết phục từng bệnh viện và hầu hết các bệnh viện đều "lắc đầu" trong lần đầu tôi đề nghị. Một số người cho rằng tôi dùng tên tuổi của bệnh viện để thu lợi từ quảng cáo. Họ còn cho biết hiện nay đã có một "ông lớn" trong ngành truyền thông đặt màn hình Led ở các bệnh viện lớn, nếu tôi muốn làm tương tự thì phải trả mức giả cao hơn.

Tôi nói rằng mình không muốn trở thành một kênh quảng cáo tại  bệnh viện mà muốn đưa thông tin chăm sóc sức khỏe từ bệnh viện đến người dân. Đó là một cách hợp tác đôi bên cùng có lợi, với mục tiêu chính không phải chỉ đầu tư về công nghệ mà là nội dung truyền thông. Rõ ràng, đầu tư màn hình tivi, ki ốt thông tin hay các công nghệ khác không khó bằng việc đầu tư về nội dung truyền thông. Làm thế nào để thông tin y khoa đáng tin cậy trở nên dễ hiểu cho người dân là việc không đơn giản.

Mô hình của MediHub không chỉ hướng đến bệnh viện mà còn hướng đến cộng đồng nhà thuốc, nơi nắm giữ 30% tổng doanh số của ngành dược phẩm và phần lớn ngành hàng thực phẩm chức năng trị giá hàng tỷ USD. Chúng tôi đã triển khai ứng dụng di động MediHub SC giành cho cộng đồng nhà thuốc, chúng tôi mang đến cho nhà thuốc các chương trình bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, đồng thời giúp doanh nghiệp kiểm soát được con đường sản phẩm của mình đến với nhà thuốc, cũng như số lượng thuốc được bán ra một cách chính xác. Minh bạch trong phân phối thuốc cũng là giải pháp giúp giảm chi phí bán hàng cho doanh nghiệp.

* Quản lý nhà thuốc bằng ứng dụng smartphone không mới, nhưng chưa nhận được sự tham gia của các nhà thuốc...

- Nhà thuốc chưa tham gia nhiệt tình có lẽ vì họ chưa thấy được lợi ích. MediHub SC app khuyến khích nhân viên bán thuốc cài đặt và sử dụng, chẳng hạn như mỗi loại thuốc bán ra được ghi lại trên app sẽ nhận được tiền thưởng từ nhà sản xuất. Cùng với sự hợp tác với các trường đại học y khoa, hội y khoa và doanh nghiệp, chúng tôi tổ chức các khóa học online bồi dưỡng kiến thức, được giảng dạy bởi các bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia đào tạo kỹ năng mềm. Như vậy, người bán thuốc không cần phải bỏ ra nhiều thời gian, tiền bạc để tham gia các khóa học mà có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi để học online miễn phí. Thực tế thì chỉ mới khoảng từ 50 - 60% nhà thuốc mở app để học thêm kiến thức.

Nhưng tôi cũng có nhiều cách để khuyến khích họ, như nhận điểm thưởng để đổi quà, xây dựng các chương trình, trò chơi hấp dẫn, mời các chuyên gia  có tiếng. Việc nâng cao kiến thức về bệnh lý và dược lâm sàng cho nhà thuốc chắc chắn sẽ giúp hạn chế việc bán thuốc vô tội vạ trên thị trường, nhất là thuốc kháng sinh.

* Một mô hình đa chiều như thế sẽ cần nguồn vốn lớn, vậy tại sao ông không kêu gọi vốn đầu tư để chia sẻ bớt gánh nặng chi phí, như cách mà các nhà khởi nghiệp thường chọn?

- Vì tôi chưa tìm được nhà đầu tư có cùng tâm huyết. Doanh nghiệp nào cũng cần có lợi nhuận, nhưng tôi chọn phát triển MediHub thành doanh nghiệp có ý nghĩa xã hội, hướng đến mục tiêu góp phần minh mạch hóa ngành y tế. Nếu nhà đầu tư với quyền tham gia điều hành mà không cùng chí hướng, chỉ quan tâm đến lợi nhuận thì có thể làm doanh nghiệp đi sai hướng.

Link bài viết

* Khi ông quyết định bỏ ngang một công việc với mức lương rất cao để bắt đầu lại từ con số 0, có ai phản đối không?

- Người thân, bạn bè đều lo lắng khi tôi có quyết định táo bạo như vậy, nhất là mẹ và vợ tôi. Nhưng cha tôi thì nói, nếu làm được gì tốt cho xã hội, tốt cho ngành y tế và phù hợp với đam mê của con thì cứ làm. Tôi biết ơn cha mẹ vì luôn tôn trọng đam mê cũng như quyết định của con cái. Tôi biết ơn cha tôi về đạo đức của một thầy thuốc để tôi không bao giờ dám làm gì trái với lương tâm, đạo lý.

Cha tôi hay nói "Nhất thế y tam thế suy", làm nghề y mà không có đức, thì một đời giàu ba đời suy. Cha mẹ tôi cả đời cống hiến cho ngành y. Ba mươi sáu năm qua, sau thời gian khi làm việc tại bệnh viện hay làm công tác quản lý, cha tôi vẫn khám bệnh cho người dân địa phương tại phòng khám riêng. Tham gia vào ngành y tế, tôi luôn giữ những nguyên tắc quan trọng về y đức, cả khi làm việc với bệnh viện cũng như làm việc với doanh nghiệp. Tôi có một niềm tin rằng nếu mình sống ngay thẳng thì nhiều người sẽ ủng hộ, và làm đúng thì sẽ thành công.

* Mô hình "số hóa truyền thông y tế” đến nay đã hoàn thiện, ngoài việc mở rộng ứng dụng tại bệnh viện, ông còn mục tiêu gì khác không?

- Tôi đã tạo ra một ứng dụng di động để kết nối nhân viên y tế, có thể thực hiện vào tháng 10 tới. Hiện nay, các bác sĩ hoạt động rất rời rạc, nếu có kết nối thì chỉ theo nhóm trong cùng bệnh viện. Hoạt động của các hội y khoa cũng chưa có kết nối. Trong khi đó, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học rất hay, nhiều bài viết chuyên sâu của các bác sĩ lại không được biết đến trong cộng đồng mà thường đăng ở báo nước ngoài. Nếu tạo ra một cộng đồng gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau qua mạng không chỉ là cơ hội nâng cao tay nghề mà cũng có thể hợp tác cho nhiều nghiên cứu y khoa giá trị. 

Có thể nói, chúng tôi còn rất nhiều việc để làm và cần nhiều người đồng lòng. Đường đi chắc hẳn còn dài, nhưng đã có không ít người nhận thấy những giá trị mà chúng tôi xây dựng. Càng vui hơn khi đã bắt đầu có những thay đổi trong bệnh viện, nhà thuốc và trong cả cộng đồng qua "số hóa truyền thông y tế”. Đó đã là động lực lớn để chúng tôi góp phần xây dựng ngành y tế hiện đại, kết nối liên tục, minh bạch vì một xã hội phát triển.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chủ tịch MediGroup Nguyễn Thế Dinh: "Số hóa truyền thông để cải thiện chất lượng ngành y"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO