Bà Võ Thị Phương Lan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Giao nhận vận tải Mỹ Á (ASL): "Phải tạo được uy tín cá nhân thì mới đi xa"

Lữ Ý Nhi| 30/12/2020 08:47

Là người hay lo xa, nhiều người nói "chỉ làm khổ mình và cực thân", thế nhưng vừa gặp tôi, Chủ tịch HĐQT ASL báo tin vui: "Nhờ lo xa mà công ty tôi đã ổn định và vượt qua khó khăn trong dịch Covid-19 vừa qua". Bà giải thích:

"Ngay khi nghe tin Trung Quốc rục rịch có dịch, tôi đã nghĩ ngay đến việc ứng phó. Vậy nên, vừa sau Tết Nguyên đán, tôi bắt tay luôn việc viết kế hoạch kinh doanh nếu khủng hoảng Covid-19 xảy ra. Khi nghe tôi báo tin vừa hoàn thành bản kế hoạch chi tiết phòng ngừa rủi ro và đối phó với Covid-19, nhiều chị trong nhóm doanh nhân còn cười, có chị nói vui: "Chị bó tay với em luôn, lo chi xa chi khổ mình và cực thân vậy".

Thế nhưng, khi tình hình dịch bệnh bùng phát vào tháng 3 và diễn biến càng phức tạp, trong lúc nhiều doanh nghiệp bắt đầu loay hoay và lúng túng đối phó thì chúng tôi đã có kế hoạch và khởi động ngay các chiến lược hành động. ASL chỉ gặp khó khăn trong lúc giãn cách nhưng đã vượt qua rất nhanh và mọi hoạt động nhanh chóng trở lại bình thường và sản xuất bình thường. Đặc biệt, 50% nhân viên làm việc ở nhà trơn tru nhờ ứng dụng công nghệ.

Cũng vào cuối năm 2019, tôi đã mạnh dạn đầu tư 400 triệu đồng để làm trạm cấp dầu nội bộ cho xe container. Thông thường, người ta chỉ đầu tư 60 triệu đồng đã có một trạm bơm dầu nhưng phải có người trực canh 24/7, còn trạm bơm dầu tự động của chúng tôi thì không cần người trực, tài xế chỉ cần nhập mã là có thể bơm dầu, vừa chống gian lận lại gia tăng năng suất cho vận tải.

* Mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng chuyển đổi số là do nhu cầu thực tế của lĩnh vực logistics hay do sự... lo xa của bà?

- Ngoài công việc kinh doanh, tôi đi rất nhiều nơi, gần 50 nước và cũng nhiều năm "ngồi ghế" thẩm định và là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Khởi nghiệp Quốc gia Phía Nam, hễ đi đâu thấy ai làm gì, có gì mới, tôi đều tìm tòi, đặt câu hỏi: Tại sao họ làm được và tôi quyết cũng phải làm được. Bản thân tôi cũng là người thích và đam mê học hỏi, nhất là công nghệ để không chỉ cập nhật kiến thức cho mình mà còn phục vụ cho công việc kinh doanh và giảng dạy. Vì vậy, việc học và cập nhật công nghệ với tôi không phải là chuyện lo xa mà là bắt buộc. Đặc biệt, tôi rất thích tinh thần cải tiến Kaizen của người Nhật và xem đó như một tinh thần cần có của một doanh nhân.

1322332434-6288-1609229604.jpg

Riêng với ngành logistics là một ngành kinh doanh dịch vụ mang tính toàn cầu, chuyển đổi số càng là yêu cầu bắt buộc phải nắm bắt và vào cuộc thật nhanh, nếu không sẽ bị tụt hậu và mất lợi thế cạnh tranh. Hơn nữa, Việt Nam cũng là một thị trường nhiều tiềm năng, đặc biệt là logistics ngành thương mại điện tử. Bên cạnh đó, do có vị trí trung tâm trong khu vực, đồng thời là một cửa ngõ vận chuyển hàng hóa cho khối Đông Dương nên các đối tác quốc tế sẽ hướng đến Việt Nam để khai thác triệt để nguồn lực này. Vì vậy, nếu không nhanh nhạy, chủ động thay đổi tư duy thì sẽ làm mất nhiều cơ hội.

Hội nhập quốc tế cũng đặt ra cho logistics yêu cầu về sự nhập cuộc nhanh hơn nên tôi đã chủ động chuẩn bị các nền tảng công nghệ để phục vụ cho kinh doanh, đồng thời tự tìm tòi nghiên cứu và đặt hàng các công ty công nghệ thực hiện nhiều ứng dụng chuyển đổi số cho ASL.

* Từ kinh nghiệm của ASL, theo bà để doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển đổi số hiệu quả phải bắt đầu từ đâu?

- Từ tư duy của người lãnh đạo, chỉ khi người lãnh đạo thay đổi tư duy thì cả bộ máy mới có thể chuyển mình đi theo công nghệ một cách trơn tru. Ngoài tầm nhìn thì sự "kiên định"cũng quan trọng không kém. Bởi công nghệ luôn thay đổi và không dừng lại, có ứng dụng mới làm hôm nay nhưng ngày mai đã phải cập nhật, đòi hỏi người chủ doanh nghiệp phải liên tục đầu tư kinh phí cho đổi mới, sáng tạo. Thực tế, có không ít doanh nghiệp đã "leo lên" chiếc tàu công nghệ nhưng lại chỉ đi được nửa vời vì chi phí đầu tư cho công nghệ khá lớn.

Bên cạnh đó, làn sóng công nghệ cũng yêu cầu người lãnh đạo phải liên tục cập nhật công nghệ, kiến thức mới. Tư duy của người lãnh đạo chiếm đến 70% thành công của doanh nghiệp nên lãnh đạo không kịp thay đổi tư duy thì sẽ rất khó để có một doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững và theo kịp xu hướng.

Một vấn đề mà tôi luôn trăn trở cho ngành logistics, đó là tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và chương trình giảng dạy hiện cũng chưa sát thực tế. Đây cũng là một bài toán khó cho các doanh nghiệp vì chi phí đào tạo và đào tạo lại khá lớn.

* Còn việc hợp tác với các đối tác lớn trên thế giới, ngoài lợi ích về mặt kinh doanh cho ASL, còn có giá trị gì khác không, thưa bà?

- Lợi thế lớn nhất là nâng cao nội lực cho doanh nghiệp. Nhiều năm qua, ASL đã nỗ lực để kết nối và hợp tác với các tập đoàn cùng lĩnh vực của thế giới như việc hợp tác với Tập đoàn Ryobi Holdings về chuỗi cung ứng lạnh. Trong đó, dịch vụ bảo quản và vận chuyển hàng đông lạnh là một trong các giải pháp nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản và giảm chi phí logistics cho các DN hoạt động tại Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, việc hợp tác với tập đoàn 100 năm tuổi còn giúp chúng tôi học hỏi được những kinh nghiệm, công nghệ quản lý để từng bước vươn ra thế giới.

* Nhiều năm ngồi ghế hội đồng thẩm định và giám khảo các cuộc thi khởi nghiệp, bà có nhận xét gì về tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các bạn trẻ hiện nay?

- Khác với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiêu chí của đổi mới sáng tạo thiên về đột phá trong một lĩnh vực kinh doanh hiện tại nên rất cần những người dẫn dắt, các nhà đầu tư thiên thần, những người dám chấp nhận "đốt tiền" rất nhiều nhưng đôi khi tỷ lệ thành công rất thấp, chỉ 5%.

455435435-3091-1609229604.jpg

Năm 2019, tôi đã dành 5 tỷ đồng đầu tư cho các dự án khởi nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa... thành công. Một trong những lý do là các bạn trẻ hiện nay rất năng động, sáng tạo và có nền tảng kiến thức, nắm bắt xu hướng nhanh. Tuy nhiên, khá nhiều bạn trẻ đang mắc chung một khuyết điểm, đó là quá tự tin vào bản thân, dẫn đến ảo tưởng về sức mạnh, muốn thể hiện bản thân, ít chịu lắng nghe hướng dẫn và tư vấn của những người đi trước, trong khi các bạn lại chưa có nhiều kinh nghiệm thương trường, chưa đủ kiến thức bao quát cũng như tầm nhìn xa, sự hiểu biết về pháp luật. Vì vậy, khi mình phải chỉ dẫn, giám sát chặt chẽ thì các bạn không thích vì... làm mất đi sự sáng tạo, bản thân mình cũng không đủ thời gian để làm việc với các bạn mỗi ngày. Thế nhưng, chỉ cần...buông quản lý trong ba tháng là các bạn đã đi đường khác ngay.

* Bà có lời khuyên gì cho các bạn trẻ đang bước vào khởi nghiệp?

- Ba yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" quyết định rất lớn đến sự thành công. Trong đó "thiên thời, địa lợi" là yếu tố khách quan, còn "nhân hòa" là yếu tố do con người.

Có một câu nằm lòng theo suốt tôi những lúc tôi gặp khó khăn, đó là: "Bến thành công đang chờ người cố gắng, hạnh phúc dành cho những kẻ vượt mọi khó khăn". Muốn vượt được khó khăn, ngoài mục tiêu và kế hoạch thì phải kiên trì bền bỉ, có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng. Khi có mục tiêu thì phải có kế hoạch hành động chi tiết, đừng thấy khó khăn mà bỏ cuộc, ngược lại phải luôn luôn học hỏi và trau dồi kiến thức không chỉ ở trên lớp, trong trường mà còn ngoài thực tiễn xã hội. Đặc biệt, phải tạo được uy tín cá nhân thì mới đi xa được.

* Có kỷ niệm nào trong quá trình thành lập ASL và được bà xem đó như một bài học?

- Có rất nhiều. Nhưng có một câu chuyện tôi nhớ mãi, đó là khi thành lập ASL, tôi rất nhiều tâm huyết để xây dựng những cổ đông chuyên về những mảng cần thiết. Nhưng một ngày đẹp trời, chị kế toán đồng hành cùng tôi cho tôi biết tin nhân sự lo về mảng hàng xuất khẩu nghỉ việc, lúc đó tôi rất sốc và giận. Bởi tôi đã xem nhân viên đó như người em, dẫn dắt từ khi mới ra trường, cho làm cổ đông với tỷ lệ góp vốn 16%. Sau khi cho người đó nghỉ và tôi lo luôn mảng này. Cuối cùng cũng ổn nhưng qua đó cũng rút được bài học về quản lý: Đừng quá lệ thuộc vào một người.

* Khởi nghiệp khi mới 28 tuổi nhưng bà lại tự tin và dường như cũng chưa hề... thất bại?

- Để có được sự tự tin và tránh được thất bại, tôi phải học rất nhiều, trang bị rất nhiều kiến thức và kỹ năng mềm. Thậm chí, làm tất cả mọi việc để có cả kiến thức sách vở và thực tế. Nhớ thời đi làm thuê, nhiều người ngạc nhiên vì thấy tôi "làm như chủ", cái gì cũng làm và làm bằng trách nhiệm và đam mê. Chính điều đó đã giúp hành trình vươn lên của tôi đơm quả ngọt.

Năm 13 tuổi, ba mất nên tôi phải tự làm tất cả mọi thứ để được đi học. Ngày xưa có câu "Con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa" nhưng tôi lại quan niệm "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời". Tôi tự nhủ phải làm điều khác biệt và tôi làm tất cả mọi việc, buôn bán nhiều thứ để kiếm tiền với mục tiêu phải vào đại học y khoa. Nhưng cuộc đời lại xảy ra biến cố. Năm tôi đi thi vào Trường Đại học Y Huế và Trung cấp Y Đà Nẵng thì bị lật xe nên phải vào nằm viện một thời gian. Tạm ngưng tất cả khi mới 17 tuổi.

Tiếp tục luyện thi và thi đậu vào Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Đà Lạt, tôi lại vừa đi làm thêm, vừa học tiếng Anh, tiếng Hoa và học thêm tin học, kỹ năng mềm và hành trang ra trường là sấp bằng cấp trên tay. Chính điều đó giúp tôi tự tin và đủ tiêu chuẩn trở thành ứng viên sáng giá khi xin việc.

* Như vậy, bí quyết thành công của bà là... học, học nữa, học mãi?

- Để làm được trong ngành logistics đến ngày hôm nay, như đã nói, ngay từ đầu tôi đã học rất nhiều và cũng học được rất nhiều kinh nghiệm từ những trải nghiệm thực tế. Hành trình sự nghiệp của tôi là làm đến đâu, học đến đó, vướng ở đâu, đi học ngay để tháo gỡ ngay chỗ đó. Đầu tiên, để quản lý mở các văn phòng đại diện, tôi đã học lớp đào tạo 1.000 giám đốc của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM do bác Nguyễn Thiện Nhân làm giám đốc và dạy. Đây là nền móng giúp tôi tự tin khi làm việc với các cơ quan nhà nước.

Năm 2007, tôi lại đi học lớp chuyên ngành của Canada, đề tài tốt nghiệp MBA của tôi là nghiên cứu chuyên sâu để nâng cao ngành và chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Năm 2016 tôi được Hội Nữ doanh nhân giới thiệu học lớp Logistics Master của Đại học Thái Lan do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông, mỗi quốc gia chỉ được cử 5 người. Và để mở rộng ký kết với đối tác Nhật Bản, năm 2017 tôi lại tiếp tục học lớp chuỗi cung ứng của chính phủ Đài Loan tài trợ cho các nước ASEAN tại trường đại học ở Đài Loan.

* Thời điểm đó nhiều người trong lĩnh vực bỏ nghề nhưng tại sao bà lại... trụ được?

- Sau 3 năm làm trưởng phòng kinh doanh Công ty An Nhơn, tôi được Công ty American Container Line mời về làm. Thời điểm đó Mỹ vừa bỏ cấm vận Việt Nam, cơ hội rất nhiều. Sau khi anh sếp văn phòng đại diện ở Sài Gòn đi định cư, tôi được giao quản lý toàn bộ văn phòng với một yêu cầu là mở thêm văn phòng tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và Campuchia.

Năm 2002, khi Tổng thống Bill Clinton thăm cảng Việt Nam, tôi là một trong những khách mời được vinh dự đón Tổng thống. Được nghe những điều ông chia sẻ, tôi thấy cơ hội đang rộng cửa và ngay lập tức, tôi có ngay kế hoạch để không thể chậm chân.

565576-6193-1609229604.jpg

Thời điểm đó, tàu hàng Việt Nam không đi thẳng đến Mỹ, tôi tính toán nếu trực tiếp đóng hàng từ Sài Gòn đến cảng Los Angeles thì giá thành chỉ bằng 1/3 so với cách truyền thống. Khi tôi trình bày với đồng nghiệp chẳng ai tin nhưng tôi quyết tâm thực hiện và đã thành công. Để thực hiện kế hoạch này, tôi đã phải "ăn ngủ" suốt ngày ngoài cảng và ngộ ra không có thành công nào dễ dàng nếu không dám lăn lộn, không chịu thương, chịu khó với nó.

* Một chút cảm nghĩ của bà khi được gọi là "nữ tướng ngành logistics"?

- Phải nói rằng đến thời điểm này, trong cuộc đời của tôi có rất nhiều niềm hạnh phúc và tự hào, như hai lần đạt danh hiệu "Doanh nhân trẻ xuất sắc thành phố" là niềm tự hào rất lớn vì rất khó ai đạt hai lần danh hiệu này. Nhưng có lẽ, hạnh phúc lớn nhất và cũng là tự hào của tôi lúc này là những kế hoạch đặt ra cho năm 2019 đã thực hiện xong. Đặc biệt năm 2020 là một năm khó khăn nhưng tôi đã hoàn thành lời hứa với các cổ đông là M&A công ty cho một đối tác Nhật Bản và họ nắm 35% cổ phần. Mục đích M&A của tôi là nhắm đến ba mục tiêu lớn: Mang lại lợi nhuận cao nhất cho cổ đông, phát triển dịch vụ mới là chuỗi cung ứng hàng lạnh cho nông sản, và cuối cùng là nhận chuyển giao công nghệ bảo trì, bảo dưỡng từ các tập đoàn lớn trên thế giới.

* Đọc sách cũng là cách để học và bài học nào từ sách bà tâm đắc nhất?

- Tôi đọc sách rất nhiều và thấy giá trị sách mang lại rất lớn. Cho nên, những lúc rảnh đến nhà sách đã đành, ngay cả lúc căng thẳng, stress tôi cũng đến nhà sách và mua sách, xem đó như là cách để thư giãn. Một năm, tôi mua cả trăm cuốn sách và thành lập tủ sách cho nhân viên, khuyến khích nhân viên đọc sách, tạo văn hóa đọc trong công ty. Ngay cả sinh nhật con, tôi cũng mua sách.

Hồi trước, tôi rất nóng tính nhưng khi đọc cuốn Đắc nhân tâm, đọc đến chương nào, ứng dụng ngay chương đó, vận dụng và thực hành ngay cách nói chuyện với con và với nhân viên. Thấy sự chuyển biến rõ rệt và hiệu quả rất thú vị. Hay khi đọc cuốn Quẳng gánh lo đi mà vui sống, tôi cũng giảm được căng thẳng vàgiảm được 80% tính... nóng.

* Cảm ơn bà về buổi trò chuyện rất cởi mở và thú vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bà Võ Thị Phương Lan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Giao nhận vận tải Mỹ Á (ASL): "Phải tạo được uy tín cá nhân thì mới đi xa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO