Lương Văn Can

Tranh cách ngôn Lương Văn Can: Danh dự

DNSG 10/07/2024 11:04

Bức tranh thư pháp cách ngôn: “Danh dự: Mất danh dự mà được lợi ích thì vẫn là tổn thất”.

Câu này là cách ngôn số XLII (62) trong sách Kim cổ cách ngôn của Lương Văn Can (1925). Nguyên văn của câu này là: "Thất danh dự nhi đắc lợi ích, do tổn thất dã".

Lương Văn Can thích nghĩa: "Danh dự quý hơn lợi ích, nếu mất danh dự mà được lợi ích thời cũng là tổn mất vậy". TS. Lý Tùng Hiếu diễn đạt lại theo tiếng Việt ngày nay: "Mất danh dự mà được lợi ích thì vẫn là tổn thất" (Lương Văn Can, 2020, Thương học phương Châm & Kim cổ cách ngôn, trang 191).

danh-du.jpg

TS. Lý Tùng Hiếu chú giải và diễn đạt cách ngôn này như sau: Trong giao thiệp hoặc kinh doanh, người ta thường đặt mục tiêu thu về những lợi ích nào đó, chẳng hạn một lợi ích riêng hoặc tiền lãi. Đổi lại, người ta cũng phải tạo ra những lợi ích thoả đáng cho đồng sự, đối tác, khách hàng, và không được thất tín. Những người như vậy sẽ tự tạo cho mình “danh dự”, tức là tiếng tốt.

Trong kinh doanh thời trước, những nhà buôn hoặc cửa hàng có tiếng tăm, được tín nhiệm, được gọi là “thương dự”. Tuy nhiên, vẫn có những người tham lợi, tham lời, vứt bỏ liêm sỉ, bất cần chữ tín, bán rẻ danh dự để giành lấy được lợi ích riêng. Họ thường đắc chí khi lừa gạt, lừa đảo thành công, không biết rằng danh dự đã mất thì họ cũng đã mất hết sự tín nhiệm, sự tôn trọng của đồng sự, đối tác, khách hàng, và sẽ mất luôn những lợi ích ở tương lai vì không còn ai tin tưởng nữa.

Nhằm lan toả triết lý “đạo làm giàu” của Lương Văn Can, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Nghệ nhân Thư pháp Việt tiếp tục thực hiện 10 bức thư pháp “cách ngôn” được trích trong sách Kim cổ cách ngônThương học phương châm của cụ Can như là một lời tri ân, nhắc nhớ các doanh nhân về lời dạy của cụ Lương Văn Can.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tranh cách ngôn Lương Văn Can: Danh dự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO