Ngày đi thực tế ở thôn Tân Phú (Tam Kỳ - Quảng Nam), tui đã gặp chị tên là Chung. Chị hơn tui năm tuổi, là con gái lớn trong gia đình "nhà có bốn người điên" và chính chị cũng mắc phải bệnh này. Trước lúc lên đường, tui tự dặn mình nếu bước vào nhà họ phải cẩn thận kẻo bị họ túm tóc lại đánh, vì những cơn điên dại nào ai kiểm soát được.
Nhóm tụi tui đến nhà chị, tâm trạng hồi hộp. Ông trưởng thôn giới thiệu nhóm tới để làm phim, hình như chị không hiểu gì nhưng cười toe toét, khoe hàm răng đã đen và mẻ, dẫn tụi tui vào nhà. Tui lo sợ khi thấy chị khá to con và cả người em trai khốn khổ của chị cũng mắc bệnh tâm thần đang bị cột chân lại, nằm trong góc nhà.
Không hiểu sao chị đặc biệt thích tui, lúc đầu chị cứ nhìn tui chằm chằm rồi cười hềnh hệch làm tui sợ. Rồi với giọng ngòng ngọng, chị chỉ vào mặt tui: "Khăn đẹp tóa! Khăn đỏ đẹp tóa! Thích cái khăn này". Hóa ra là chị thích cái khăn quàng đỏ trên đầu tui. Lúc đó tui mới tin là chị sẽ không làm gì tui. Hình như chị luôn cảm thấy mình là đứa trẻ nên gọi tui là cô, xưng con.
Tới ngồi cạnh chị trên sạp gỗ, tui hỏi: "Hồi nãy em thấy chị làm gì ở bến sông đó?". Chị vừa cười nhăn nhở vừa giơ xấp tiền lẻ khoe với tui: "Vác củi á, bà Năm mướn á, được 10 nghìn nè, hê hê hê”. Rồi chị nắm tay tui kéo ra vườn. Chị chỉ cho tui cây mận nhà chị trồng.
Thấy tui trầm trồ khen mận trĩu quả, chị trèo lên thoăn thoắt làm tui đứng dưới tái cả mặt, sợ chị té. Không ngờ chị hái xuống cho tui bốn, năm quả, đưa cho cả mấy anh em đi cùng tui ăn giải khát.
Anh đồng nghiệp hỏi bà hàng xóm nhà chị đứng cạnh gốc cây: "Bà ơi, con thấy chị tỉnh táo mà, điên gì kỳ vậy?". Bà ấy cười: "Lát nữa cô đi khỏi là nó quên liền hà. Có biết gì đâu". Thế mà tui thấy mấy trái mận trong miệng tui ngọt ngào y như tâm hồn trong trẻo của chị vậy.
Ra khỏi nhà chị, nhóm tụi tui tiếp tục đi thăm các gia đình khác để thu thập thêm tài liệu. Đến cổng một nhà, bỗng tui thấy chị Chung vừa gọi tên tui vừa tất tả chạy theo: "Bỏ quên rồi nè!". Thì ra vì trời dịu nắng nên tui để quên khăn quàng ở nhà chị, và chị chạy cả trăm mét đuổi theo để trả lại cho tui.
Rồi chị khoác vai tui bảo: "Tính vô nhà này phải hôn? Ở trỏng có thằng Sứt nó hay cào vô mặt, để con dẫn cô vô rồi con che cho cô nghen!". Mấy anh đi cùng tui cũng chết lặng. Định choàng cái khăn cho chị làm đẹp, chị giật ra bảo: "Đừng đừng, cô sẽ bị nắng nó ăn hết mặt đó, con không lấy khăn!".
Tui thấy chị hồn nhiên như ly nước phẳng lặng. Sẽ chẳng có mục tiêu nào trong đời làm chị co giò chạy bấn loạn. Cũng không có người đàn ông nào làm chị đau lòng. Có lẽ trái tim chị không phải đau đớn? Tui không dám ước cuộc đời tui cũng hồn nhiên để tránh những sai lầm, vì người tỉnh muốn hồn nhiên cần rất nhiều can đảm.
Làm việc xong, tụi tui rời Tân Phú trong tiếng thở dài. Tui không phải nhà từ thiện có thể cứu trợ vài chục triệu đồng để những người như chị Chung hay em trai chị có tiền chữa bệnh, cũng chẳng phải cô tiên có thể mang điều kỳ diệu đến với xóm làng.
Tui chỉ là một người trẻ tuổi rất yêu thích làm phim nhưng ngay cả việc làm phim tui cũng còn phải học nhiều và học dài dài. Tui chỉ có thể bằng những gì đã và sắp sửa viết ra hoặc làm ra, như một sự chia sẻ bình thường. Nhưng tui thề, chị Chung là người điên đáng yêu nhất làm trái tim non trẻ của tui rung động!
>Họ đã lựa chọn sống cho giấc mơ
>Chùa Quan Châu: Chốn bình yên của trẻ mồ côi