Bắc Giang đang là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 gây ra. Tính đến 12h trưa ngày 11/06, toàn tỉnh Bắc Giang đã có hơn 3.700 ca nhiễm Covid-19. Những năm gần đây, 70% sản lượng vải Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, các thương nhân Trung Quốc không thể nhập cảnh vào vùng vải để thu mua khiến cho vải thiều Bắc Giang có thể rơi vào tình trạng ứ đọng, khó tìm đầu ra.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang, sản lượng vụ vải thiều năm nay ước khoảng 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nông sản Bắc Giang đã tới mùa vụ thu hoạch nhưng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, do tuân thủ các quy định phòng, chống Covid-19 trong quá trình lưu thông, vận chuyển qua các tỉnh, thành phố.
Trước tình trạng này, các sàn TMĐT tại Việt Nam gồm Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Lazada và GrabMart đồng loạt mở bán vải thiều Bắc Giang.
Theo ông Trần Trung Hưng - Tổng giám đốc Viettel Post, sàn TMĐT Vỏ Sò (Voso.vn) đã đưa trái vải Bắc Giang lên sàn TMĐT này với mục tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày, thời gian giao đến tay khách hàng chỉ từ 6-48 giờ sau thu hoạch.
Ngoài việc bao tiêu toàn bộ sản lượng vải thiều, Viettel Post sẽ giảm chi phí chuyển phát đồng giá toàn quốc chỉ 15.000 đồng cho 5kg. “Một ngày sau khi vải Bắc Giang được đưa lên sàn TMĐT Voso, đơn vị này cho hay đã có hơn 1 tấn được khách đặt mua trước. Giá của vải u hồng hiện được đăng bán chỉ từ 36.000 đồng/kg.
Tương tự, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng được Trung tâm Tình nguyện Quốc gia và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát động chiến dịch “Đồng hành online - Bán vải Bắc Giang”. Người mua được khuyến khích thanh toán bằng thẻ VISA và được giảm 30.000 đồng/đơn hàng.
Cùng chung tay hỗ trợ tiêu thụ và tìm đầu ra cho vải thiều Bắc Giang, Big C Việt Nam và Grab Việt Nam đã triển khai chương trình "Chung tay hỗ trợ nông sản Bắc Giang" trên nền tảng GrabMart. Ngoài giá bán đặc biệt tại Big C chỉ từ 29.900/kg, khách hàng mua vải thiều trên nền tảng GrabMart còn còn được nhận thêm ưu đãi giảm 22.000đ phí giao hàng trên mỗi đơn hàng hoặc giảm 70.000đ cho đơn hàng giá trị từ 350.000đ.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân- Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam cho biết: “Với nỗ lực của doanh nghiệp và sự ủng hộ của cộng đồng, chương trình "Chung tay hỗ trợ nông sản Bắc Giang" phần nào giúp bà con nông dân vùng tâm dịch Bắc Giang tiêu thụ vải và vững tâm vượt qua khó khăn trong đại dịch. Sắp tới, GrabMart sẽ tiếp tục có những chương trình ý nghĩa khác để mang nông sản chất lượng từ nguồn đến tận tay người dân, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại các địa phương trong cả nước.”
Cũng dịp này, siêu thị Big C và GO! đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh doanh mới, đặc biệt là bán hàng online, giúp khách hàng có thể lựa chọn đặt hàng trên nhiều nền tảng như zalo, hotline 1900 1880, ứng dụng GO! & Big C giao hàng tại nhà miễn phí cho khách hàng với hóa đơn trên 200.000 đồng, trong bán kính 10 km.
Cùng với nỗ lực kết nối, sàn thương mại điện tử Sendo đã phối hợp với Hợp tác xã Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Nông nghiệp Phì Điền (Lục Ngạn) hướng dẫn các thành viên hợp tác xã quay video bán hàng trực tiếp trên sàn và các trang Facebook, Zalo cá nhân. Với cách làm này, Sendo hướng đến tiêu thụ khoảng 100 tấn vải từ ngày 6-10/6/2021.
Tương tự, ngay trong những giờ đầu tiên mở bán trong ngày 6/6, toàn bộ sản phẩm vải thiều Lục Ngạn trên gian hàng ShopeeFarm đã được bán hết. Shopee cũng tặng nhiều ưu đãi giảm giá và miễn phí vận chuyển dành cho người dùng khi mua sắm các mặt hàng này. Cũng trong ngày 6/6, hơn 15 tấn trái cây bao gồm mận hậu, xoài tròn Sơn La; bưởi, dừa Tiền Giang và vải Bắc Giang được tiêu thụ trên kênh TMĐT này.
Không chỉ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên sàn, Shopee và các đối tác như Công ty Ngon Việt nam cũng triển khai các hoạt động tới người nông dân như đào tạo kinh doanh trực tuyến, các tiêu chuẩn về vận hành và đóng gói hàng hóa, các kỹ năng về quảng bá giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn nông dân trồng vải có thể trực tiếp lên livestream giới thiệu về sản phẩm vải thiều Bắc Giang trên nền tảng Shopee.
Theo thông tin cập nhật được, việc trái cây lên sàn TMĐT đã giúp các nhà vườn tiếp cận được rất nhiều khách hàng để bán hàng trực tiếp, thay vì phải bán cho thương lái như trước đây. Nhiều nông sản khác như táo, cam, bưởi... cũng tiêu thụ được nhiều hơn.
Hiện tiềm năng trái cây bán qua TMĐT rất khả quan, vì 80% trái vải xuất khẩu mới chỉ tiếp cận được các tỉnh biên giới Trung Quốc, chưa phải là các tỉnh nội địa có mức chi trả cao hơn như Bắc Kinh, Thượng Hải. Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều đang có kế hoạch liên kết với các sàn thương mại quốc tế như Alibaba (Trung Quốc) hay Rakuten (Nhật Bản) để mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với trái vải, Bộ Công Thương đã hỗ trợ bà con tỉnh Sơn La đưa đặc sản mận hậu và xoài lên sàn Shopee.