Khi "cái bóng" Trung Quốc không ngừng lan rộng toàn cầu thì nước Mỹ vẫn chần chừ trước vấn đề thông qua TPP hay không.
TPP - viết tắt của Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) là thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 nước, gồm Việt Nam, Mỹ, Singapore, Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru và Nhật Bản.
Ngày 5/10/2015, sau 5 năm đàm phán, TPP đã đạt được thỏa thuận toàn bộ và đang chờ quốc hội 12 nước thông qua, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, làn sóng phản đối TPP gần đây khiến nhiều người lo ngại Mỹ khó vượt qua giai đoạn thử thách này.
Phép vua có thua lệ làng?
Trong chuyến thăm chính thức Mỹ từ 31/7 - 5/8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã có bài phát biểu tại Washington, trong đó nhấn mạnh mức độ hy sinh của các nước thành viên cho việc chấp nhận thỏa thuận TPP. Và việc Mỹ thông qua TPP chính là một phép thử cho sự tín nhiệm và mức độ nghiêm túc trong mục đích của nước này.
Nhận định của ông Lý Hiển Long được đưa ra trong bối cảnh hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ sử dụng tâm lý chống các thỏa thuận thương mại của người dân nước này, mà "nạn nhân" hiện tại là TPP, vào chính sách tranh cử nhằm thu hút phiếu cử tri. Việc ông Trump tuyên bố sẽ "xé tan" TPP nếu đắc cử trong khi cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thay đổi lập trường quay sang phản đối TPP dù trước đó từng ủng hộ hiệp định này, đã khiến những nỗ lực nhằm phê chuẩn TPP trong năm 2016 của Tổng thống Barack Obama có nguy cơ không thành.
"Chúng tôi hiểu quá trình phê chuẩn TPP tại Mỹ gặp khó khăn về chính trị. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng các đảng phái sẽ tập trung vào công việc lớn hơn bởi vì (cuộc tranh đấu này) không có người thắng, chỉ có kẻ thua với chủ nghĩa bảo hộ”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Singapore.
Điều mà người dân Mỹ lo ngại chính là các hiệp định thương mại tự do sẽ lấy đi việc làm, cắt giảm tiền lương của họ và dịch chuyển các nhà máy sản xuất ra nước ngoài. Tuy nhiên, theo đại diện thương mại Mỹ Michael Froman: "Thất bại trong việc phê chuẩn TPP sẽ không giải quyết các vấn đề thực sự đang tác động đến xã hội như công ăn việc làm tại Mỹ”.
Phát biểu sau cuộc gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Nhà Trắng, ông Obama thừa nhận toàn cầu hóa và công nghệ đã dẫn tới nỗi lo ngại gia tăng của nhiều người Mỹ, nhưng ông cho biết hành động quay lưng với các thỏa thuận thương mại là cách nước Mỹ tự cô lập mình. "Cố gắng rút cây cầu thương mại sẽ chỉ khiến chúng ta và những công nhân của mình bị tổn thương" - ông Obama nói hôm 2/8.
Cái bóng từ Trung Quốc
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), TPP có thể làm gia tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước thành viên thêm trung bình 1,1% trong thời gian đến năm 2030. Hiệp định này quy định giảm hàng rào thuế quan, dỡ bỏ những hạn chế về đầu tư nước ngoài và tăng cường sự minh bạch về pháp lý giữa 12 nước thành viên. Một khi có hiệu lực, TPP sẽ tạo nên một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, các kết quả trên khó có thể đạt được nếu Mỹ không sớm phê chuẩn TPP, đặc biệt trước khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hoàn tất quá trình đàm phán.
RCEP là một thỏa thuận thương mại tự do được xem là đối đầu trực tiếp với TPP khi không có sự tham gia của Mỹ nhưng có mặt Trung Quốc cùng 15 nước thành viên khác, trong đó bao gồm 7 nước thành viên của TPP (Việt Nam, Brunei, Malaysia, Úc, New Zealand, Nhật Bản và Singapore).
Ông Michael Froman cho rằng, thất bại trong phê chuẩn TPP không khác nào Mỹ trao chiếc "chìa khóa" kiểm soát khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho Trung Quốc. Bởi nếu RCEP đạt được thỏa thuận vào tháng 1/2017, nước Mỹ sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của RCEP, có thể thay thế cho TPP.
Hơn thế, việc Trung Quốc nỗ lực gia tăng sức ảnh hưởng tới các nước khác thông qua việc thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) hay triển khai dự án "Một vành đai, một con đường" đang ngày càng đe dọa vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế.
Reuters dẫn lời ông Lý Hiển Long: "Về mặt chiến lược, TPP là một hiệp định quan trọng thể hiện sự gắn kết của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, làm tăng thêm sức thuyết phục cho chính sách tái cân bằng ở châu Á" - ông nói - "Và quyết định phê chuẩn TPP sẽ là một "tuyên bố rõ ràng" về vị thế của Mỹ trong khu vực".
Trong bài đăng trên website của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ), chuyên gia Esther Sainsbury của Chương trình Đông Nam Á đã đưa ra năm việc mà tân Tổng thống Mỹ nên làm để cứu vãn TPP trong trường hợp hiệp định này chưa được phê chuẩn trong năm 2016.
Thứ nhất, thay vì từ bỏ thỏa thuận, nước Mỹ cần thuyết phục người dân về việc tiếp tục theo đuổi các lợi ích mà TPP mang lại, đồng thời cam kết đánh giá lại một số vấn đề như tạo việc làm, tiền lương và an ninh quốc gia.
Thứ hai, từ bỏ chương trình điều chỉnh thương mại (TAA) và đưa ra chiến lược mới hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các hiệp định thương mại quốc tế.
Thứ ba, tăng cường thúc đẩy lợi thế đổi mới của Mỹ và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số và dược phẩm.
Thứ tư, cải thiện công cụ để giải quyết vấn đề thao túng tiền tệ.
Thứ năm, giải quyết các quan ngại liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền sáng chế dược phẩm, bảo hộ doanh nghiệp thuốc lá...
Không riêng tại Mỹ, các nước thành viên TPP cũng vấp phải những ý kiến trái chiều từ phía người dân, thậm chí nghi ngờ lợi ích thực sự mà TPP mang lại. Tuy nhiên, việc sớm đưa ra chính sách hỗ trợ đồng thời có những thay đổi phù hợp với xu hướng hội nhập là điều mà chính phủ 12 nước đang nỗ lực thực hiện để đón chờ ngày TPP được thực thi.
Còn với Mỹ, dẫu có được phê chuẩn hay không, rõ ràng TPP đang trở thành một phép thử về tinh thần hội nhập của xứ sở cờ hoa.
>Hạ viện Mỹ bác khả năng phê chuẩn TPP trong năm 2016
>Tổng thống Obama hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua TPP
>TPP có dễ thông qua ở 12 nước thành viên?