Thời sự

TP.HCM thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân

Thanh An 21/08/2024 - 12:07

Đó là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chiều 20/8, trong phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP.HCM trong giai đoạn 2023-2030.

Được biết, TP.HCM đang thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Theo đó, Thành phố sắp xếp lại 80 phường thuộc địa bàn 10 quận, giảm 39 phường sau sắp xếp.

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, sẽ có 2.469 cán bộ dôi dư tại 80 phường sau sắp xếp. Hiện UBND Thành phố đã có phương án sử dụng 1.741 người.

Trường hợp cán bộ dôi dư có thể sắp xếp công việc ở vị trí khác thì Thành phố sẽ tính toán, bố trí phù hợp ở địa phương hay cấp trên như sở, ngành. Người nào còn ở lại tiếp tục làm đến về hưu thì tận dụng, còn với những người muốn về hưu ngay thì cũng sẽ tính toán có chính sách phù hợp. Trường hợp với những cán bộ không bố trí được việc khác thì sẽ có cơ chế, chính sách cho họ.

20h-bi-thu-hop-ban-chi-dao-sap-xep.jpg

Đối với cơ sở vật chất dôi dư sau sắp xếp, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố cho biết sẽ giữ nguyên, giao cho phường quản lý, đặc biệt là hai cơ quan quân sự và công an.

Về giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, UBND TP.HCM cũng đã hướng dẫn điều chỉnh, trong đó có một số giấy tờ, cơ quan quản lý Nhà nước tự điều chỉnh hồ sơ trên hệ thống, ví dụ như một số thông tin thủ tục có thể điều chỉnh trên VNeID và có những thủ tục thực hiện điều chỉnh khi người dân đi làm giao dịch hành chính. UBND TP.HCM thống nhất không thu phí khi thực hiện các nội dung liên quan đến việc này, cần làm sao ít xáo trộn nhất, ít ảnh hưởng đời sống sinh hoạt, hoạt động của người dân, doanh nghiệp.

Hiện, Thành phố đã chuẩn bị xong những đầu việc như con dấu, bảng hiệu cho các địa phương thực hiện sáp nhập.

Thông qua báo cáo tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính sẽ nảy sinh nhiều vấn đề cần phải xử lý về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và trụ sở dôi dư. Nhất là chế độ, chính sách để khi triển khai thực hiện hạn chế tối đa những phát sinh không tích cực trong đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

Vì vậy, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh nguyên tắc sau sắp xếp của TP.HCM là phải tốt hơn và ổn hơn. Đặc biệt, khi thực hiện sắp xếp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Do đó, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu tiếp tục truyền thông rộng rãi đến các đối tượng liên quan; đến quần chúng nhân dân để mọi người dân nhận thức được việc sắp xếp đơn vị hành chính là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một trong những nội dung quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Điều này sẽ góp phần đẩy mạnh việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn Thành phố đạt hiệu quả hơn, đảm bảo thời gian, tiến độ và đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM.

z574988474368340c41fd079744812ecaf164b01bd853c-1724153788088275208693.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại phiên họp

Đồng thời, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đề nghị Ban Điều hành tiếp tục chỉ đạo Tổ giúp việc khẩn trương hoàn thiện những nội dung để trình cấp thẩm quyền. Khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành liên quan tiếp thu, hoàn thiện các văn bản, các đề án, nhất là nội dung trình Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp, đảm bảo người đi hay ở lại đều yên tâm.

Theo đó, các cơ quan có chức năng cần xây dựng chương trình giám sát, lắng nghe ý kiến phản biện của xã hội để kịp thời uốn nắn, xử lý những phát sinh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức người dân liên quan sau sắp xếp.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý, khi sắp xếp đơn vị hành chính với số lượng lớn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, không tránh khỏi ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong quá trình thực hiện. Vì vậy, cần phải quan tâm công tác truyền thông, công tác tư tưởng, vận động, kịp thời lắng nghe tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức và người dân; khi sắp xếp tránh làm xáo trộn không cần thiết.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 nhằm thực hiện các chủ trương của Trung ương, của TP.HCM; nhằm mở rộng quy mô, không gian phát triển, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị.

Sau hơn 1 năm triển khai sắp xếp, đến nay các quận, huyện và TP. Thủ Đức đã ra mắt mô hình tổ chức mới theo Nghị quyết 11 của HĐND TP.HCM về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp trên địa bàn Thành phố (có hiệu lực từ ngày 1/4). Bên cạnh những thuận lợi, quá trình hoạt động của các khu phố, ấp cũng đối diện không ít khó khăn. Vì vậy, các thành viên Ban chỉ đạo đã đề xuất nhiều phương án để đáp ứng các yêu cầu về nhân sự, trụ sở sau khi sắp xếp.

Giai đoạn 2023-2030, TP.HCM tiếp tục thực hiện sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã (80 phường), trong đó có 77 phường thuộc diện sắp xếp và 3 phường liền kề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO