Đó là thông tin được chính quyền TP.HCM chia sẻ tại phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách tháng 4 và triển khai nhiệm vụ tháng 5 tổ chức chiều 26/4/2022. Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 181 dự án với tổng vốn đầu tư là 186,25 triệu USD (tăng 81% số dự án cấp mới và giảm 48,28% vốn đầu tư so với cùng kỳ).
Có 44 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 640,42 triệu USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn), tăng 46,67% về số dự án và tăng 58,91% về vốn điều chỉnh so với cùng kỳ.
Thành phố cũng chấp thuận cho 722 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 453,04 triệu USD, tăng 31,99% so với cùng kỳ về số trường hợp, tăng 19,97% về vốn.
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, một số doanh nghiệp FDI đã bắt đầu tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước để thay thế nguồn nguyên liệu và phụ tùng nhập khẩu. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài |
Giá trị sản xuất trong tháng của các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao ước đạt 2,028 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 1,839 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ và giá trị nhập khẩu đạt 1,730 tỷ USD, tăng 11,5%. Tính chung, 4 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt 8,112 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 7,356 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt 6,922 tỷ USD. Tính đến nay, Khu Công nghệ cao có 164 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương 11,232 tỷ USD.
Từ đầu năm đến nay, chính quyền thành phố đã đón tiếp và làm việc với 12 đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh. Chia sẻ với báo giới mới đây, ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản cũng nhận xét, TP.HCM được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng cao nên các nhà đầu tư Nhật Bản duy trì mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại đây. Cụ thể, trong tổng số gần 1.500 dự án của Nhật Bản hoạt động tại TP.HCM, có đến hơn 50% dự án tiếp tục đăng ký mở rộng đầu tư và ngày càng có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản chọn TP.HCM là địa điểm sản xuất các sản phẩm có giá trị.