TP.HCM: Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư

P.V| 22/02/2023 03:08

Ngày 22/2, UBND TP.HCM đã tổ chức toạ đàm với Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nước ngoài. TP.HCM ghi nhận sự đóng góp lớn của cộng đồng DN nước ngoài cho mục tiêu mà thành phố đã đạt được trong năm 2022. Thành phố sẽ công bố các lĩnh vực kêu gọi đầu tư cùng những chính sách ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nước ngoài tham gia đầu tư.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố ghi nhận sự đóng góp lớn của cộng đồng DN cho mục tiêu mà thành phố đã đạt được trong năm 2022. Tuy nhiên, thành phố mong muốn lắng nghe đóng góp của DN cho sự phát triển của thành phố nhiều hơn nữa. Cũng theo ông Mãi, sự tương tác thực tế của các DN với các đối tác trong và ngoài nước sẽ là sự đóng góp ý kiến thực tế để thành phố sửa đổi những bất cập trong hoạt động quản lý, tạo động lực cho sự phát triển của thành phố trong thời gian tới. Thành phố sẵn sàng lắng nghe và giải quyết ngay những gút mắc của DN. Trường hợp ý kiến cần có sự tham gia giải quyết liên ngành thì sẽ giải quyết và phúc đáp trong 1 tháng. Bên cạnh đó, thành phố hoan nghênh nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư. Thành phố tạo điều kiện đất đai, nhân lực để DN đầu tư loại hình này. Từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ công bố các lĩnh vực kêu gọi đầu tư cùng những chính sách ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nước ngoài tham gia đầu tư.

Tại buổi toạ đàm giữa lãnh đạo TP.HCM và các Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài, ông John Rockhold - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đã gửi đến thành phố 8 kiến nghị.

Thứ nhất, Thành phố cần nâng cao cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, Thành phố cần ứng dụng chuyển đổ số trong hoạt động quản lý công. Điều này giúp tạo môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, quá trình phê duyệt nhanh chóng, tin cậy và nhất quán. Hiệp hội đề nghị thành phố cho phép các công ty hội viên của AmCham mở rộng các khoản đầu tư hiện có và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Mỹ. Về việc nâng cao năng lực doanh nghiệp thành phố để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cần phải có chính sách thuế tương thích với các chính sách thuế toàn cầu. Cùng với đó, Việt Nam nên áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về kế toán, kiểm toán, chuyển giá và sử dụng quy trình thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đã được Quốc hội thông qua.

Thứ nhì, thành phố cải thiện chất lượng môi trường, nhất là chất lượng không khí và kiểm soát vấn đề tiếng ồn. Cùng với đó, thành phố cần đầu tư mở thêm nhiều phân làn dành cho người đi bộ và phương tiện giao thông công cộng. Doanh nghiệp Amcham mong muốn có cơ hội để tham gia vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao và tăng cường sức khoẻ và an sinh cho người dân tại thành phố bao gồm các cơ hội phát triển thành phố thành một điểm đến cho du lịch y tế.

Thứ ba, là liên quan đến vấn để hỗ trợ thành phố phát triển chuỗi cung ứng và sản xuất giá trị cao, Amcham đề nghị thành phố cải cách giáo dục, có chính sách thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng, đầu tư hạ tầng giao thông vận tải, logistics. Cùng với đó là xây dựng giải pháp hành động thiết yếu để đáp ứng an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng sạch; và khuyến khích tăng cường đầu tư công nghệ cao và nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi hoan nghênh sự tham gia đóng góp ý kiến từ DN nước ngoài để đồng hành cùng thành phố phát triển

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi hoan nghênh sự tham gia đóng góp ý kiến từ DN nước ngoài để đồng hành cùng TP.HCM phát triển

Thứ tư, thành phố cần có giải pháp đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trên thực tế, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải là một hạn chế đáng kể, đặc biệt là đối với sản xuất và du lịch. Ùn tắc giao thông trong và xung quanh thành phố ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và chất lượng cuộc sống. Các hội viên của chúng tôi coi trọng các kế hoạch đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở miền Nam. Tuy nhiên, các kế hoạch này cần được triển khai và đẩy nhanh như một phần của hành lang chuỗi cung ứng tổng thể miền Nam để thúc đẩy kết nối các khu kinh tế. Trải dài từ Bình Dương và Đồng Nai ở phía Bắc đến Bà Rịa Vũng Tàu ở phía Nam, các khu công nghiệp cần phải tiếp cận dễ dàng, thông qua các đường cao tốc không ùn tắc, đến Sân bay Long Thành mới, cảng Cát Lái và cảng biển Trung tâm Logistics Cái Mép. Điều này là rất cần thiết để giảm bớt sự ùn tắc của TPHCM và tạo cơ hội để tăng sản lượng công nghiệp trên khắp miền Nam.

Thứ năm, là thành phố có tiềm năng mạnh mẽ để trở thành địa phương đi đầu trong các dịch vụ kinh tế số. Do vậy, cần đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi số, tạo nền tảng để thu hút các công ty khởi nghiệp công nghệ đầy tính sáng tạo và đổi mới đến với thành phố. Từ đó, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế cho thành phố.

Thứ sáu, là hình thành trung tâm, cơ sở đào tạo để phát triển lực lượng lao động mang tính cạnh tranh toàn cầu. AmCham cam kết hợp tác với chính phủ Việt Nam, các tổ chức giáo dục, Ngân hàng Thế giới và khu vực tư nhân để giải quyết khoảng cách về kỹ năng và tăng năng suất của người lao động. Chúng tôi khuyến khích xem xét lại các quy định để hỗ trợ quá trình số hóa và tiếp cận giáo dục nhiều hơn.

Thứ bảy, là cải cách thị trường vốn để thúc đẩy đầu tư, thành phố nhất thiết phải sớm xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm tài chính khu vực và trong tương lai, là trung tâm tài chính quốc tế.

Thứ tám, là phải đơn giản hóa chính sách thị thực để thúc đẩy nền kinh tế. Việt Nam nên hoan nghênh và có chính sách rõ ràng, nhất quán và tạo thuận lợi để cho phép các giám đốc, quản lý và chuyên gia nước ngoài đủ điều kiện xin giấy phép lao động để làm việc tại Việt Nam, đi công tác đến Việt Nam để xúc tiến thương mại và đầu tư, vì tất cả những điều này đều giúp mang lại đầu tư đất nước và phát triển kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM: Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO