TP.HCM quyết liệt cải cách hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp
Triển khai Nghị quyết 98 song song với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, TP.HCM đang bằng mọi nguồn lực và quyết tâm để cải cách thủ tục hành chính hướng tới nền hành chính hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN).
Cải cách hành chính lâu nay đã là một trong những ưu tiên hàng đầu của TP.HCM. Nhưng cải cách hành chính không chỉ đơn thuần là quá trình điều chỉnh và cải tiến các quy trình hành chính, mà còn là một chiến lược toàn diện nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế và nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Nghị quyết 98 và chuyển đổi số được TP.HCM coi là công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình này, với mục tiêu tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và một hành chính công hiện đại, minh bạch.
Sự thành công của cải cách hành chính tại TP.HCM phụ thuộc rất lớn vào sự lãnh đạo quyết định và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng, từ cấp cao nhất tại UBND thành phố đến cấp cơ sở tại các quận huyện.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã được giao trọng trách lãnh đạo Ban chỉ đạo cải cách hành chính, là người điều và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để đạt mục tiêu đề ra. Trong các cuộc họp đề cập đến vấn đề này, ông Hoan đều cho rằng, sự phối hợp, ăn ý của các sở ngành, quận huyện cùng với Sở Nội vụ và Văn phòng UBND TP.HCM sẽ quyết định sự thành công trong việc cải cách hành chính của thành phố.
Nhưng thành công của công tác cải cách không chỉ đơn thuần là việc nâng cao chỉ số PAR Index hay SIPAS mà còn là sự thay đổi nền tảng trong cách thức hoạt động của các cơ quan hành chính công. Điều này yêu cầu sự đổi mới, sáng tạo và sự cam kết chặt chẽ từ các cấp lãnh đạo đến cán bộ công chức cơ sở.
Tại cuộc họp sơ kết công tác cải cách hành chính của TP.HCM năm 2023 hồi tháng 3 năm nay, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi chỉ số cải cách hành chính trong năm 2024.
Mục tiêu này bao gồm việc cải thiện PAR Index (chỉ số cải cách hành chính) lên hạng thứ 15 và SIPAS (chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước) lên hạng thứ 18 trong tổng số 63 tỉnh thành phố. Tuy nhiên, với vị trí hiện tại, TP.HCM vẫn chưa thực sự đáp ứng được tầm vóc của một thành phố lớn và còn phải đối mặt với nhiều thử thách trong quá trình cải cách.
Để TP.HCM ngày càng phát triển, hướng đến việc trở thành một siêu đô thị trên thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cộng động, công tác cải cách hành chính của TP.HCM không chỉ dừng lại ở việc cải tiến mà còn phải liên tục đổi mới và nâng tầm chất lượng. Điều này đặt ra yêu cầu cao đối với sự cam kết và nỗ lực từ tất cả các cấp lãnh đạo, cũng như sự tham gia tích cực của các cán bộ công chức tại cơ sở.
Để đạt được những mục tiêu cải cách hành chính đề ra, TP.HCM cần tập trung vào các biện pháp cụ thể như tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, cũng như nâng cao tính minh bạch và sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công. Đồng thời phải tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, cấp chính quyền và các bên liên quan, đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính và các đơn vị hỗ trợ.
Những nỗ lực này không chỉ giúp TP.HCM vươn lên là một trong những thành phố đầu tàu về cải cách hành chính mà còn là nền tảng quan trọng để phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân thành phố.
Cải cách hành chính không chỉ là việc cải thiện văn bản pháp luật hay chỉ số thống kê, mà là sự thay đổi cách thức hoạt động, mang lại giá trị thực cho cộng đồng. TP.HCM đang trên con đường đầy thử thách và cơ hội để xây dựng một nền hành chính công minh bạch, hiệu quả và thân thiện hơn bao giờ hết. Và cải cách hành chính là một trong những chiến lược quan trọng góp phần xây dựng TP.HCM thành một siêu đô thị ở châu Á và phát triển ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới.