Năm 2022, TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển khoa học công nghệ. Thành phố đã hỗ trợ 2.970 doanh nghiệp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đạt 495% kế hoạch năm.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại TP.HCM ngày càng lớn mạnh với các hoạt động kết nối, đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo diễn ra sôi nổi và tăng trưởng đáng kể với 45 tổ chức hỗ trợ, gần 2.000 startup, hơn 100 quỹ đầu tư và gần 100 trường đại học, cao đẳng…
Đáng chú ý trong năm 2022, tổng chi tiêu xã hội cho khoa học và công nghệ TP.HCM đạt gần 10.000 tỷ đồng. Con số này ước tính chiếm khoảng 0,79% trong GRDP của thành phố. Ước tính, đóng góp của kinh tế số vào giá trị gia tăng của các doanh nghiệp trong các ngành và lĩnh vực trọng điểm của thành phố là 14,98%.
Tại TP.HCM, có đến 40,5% doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo, phần lớn tập trung vào phương pháp quản lý, tổ chức và hoạt động đổi mới về quy trình sản xuất, cung ứng dịch vụ… Tỷ lệ doanh nghiệp có chiến lược chuyển đổi số hoặc sản xuất thông minh tại các doanh nghiệp ở TP.HCM đạt 16,5%.
Năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm lớn về khoa học công nghệ. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, trong năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có thể tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm và giải quyết các bài toán đó.
Chẳng hạn, TP.HCM cần phát triển sàn giao dịch công nghệ TP.HCM để có thể kết nối với các trung tâm đổi mới sáng tạo và sàn giao dịch ở tỉnh, thành khác. Sàn giao dịch này sẽ là "đầu ra" cho sản phẩm, kết quả từ hoạt động khoa học công nghệ. Hoạt động khoa học công nghệ của thành phố từ đó cũng sẽ kết nối với thị trường và được vận hành trong thị trường.
Nội dung này nếu làm tốt, TP.HCM sẽ nhanh chóng trở thành trung tâm lớn về khoa học công nghệ của cả nước. Tầm vóc có thể so với Singapore, Jakarta và các trung tâm khác ở Đông Nam Á, châu Á.