Năm ngoái, TP.HCM nhận được khoảng 6 tỷ USD, như vậy cho đến thời điểm này, lượng kiều hối đổ về địa bàn thành phố đã tương đương 85% lượng kiều hối của cả năm 2020. NHNN đã dự ước số lượng kiều hối chảy về địa bàn thành phố sẽ cao hơn năm ngoái từ 10-20%.
Hiện NHNN chi nhánh TP.HCM chưa thống kê được số lượng kiều hối này chảy vào những lĩnh vực nào trong nền kinh tế. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh tác động sâu rộng đến nhiều đối tượng của nền kinh tế nên có khả năng một phần lớn lượng kiều hối được các kiều bào ở nước ngoài gửi về để hỗ trợ cho người thân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đồng thời có một phần dùng để hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Cũng như mọi năm, lượng kiều hối chủ yếu đến từ Mỹ, Úc, Canada, châu Âu chiếm tỷ trọng lớn.
Đánh giá về tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM, NHNN thông tin, tính chung 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 6,4% trong khi mục tiêu cho cả năm nay là 12%. Như vậy, trong ba tháng cuối năm, tín dụng còn có thể tăng trưởng hơn 5%, thậm chí có thể tăng thêm nếu cần. Do đó, NHNN chi nhánh TP.HCM đảm bảo không để xảy ra chuyện thiếu vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, NHNN thừa nhận nhiều doanh nghiệp gặp thách thức khi tái sản xuất, kinh doanh để hấp thụ vốn nên ngành ngân hàng sẽ phải ngồi lại cùng các sở, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn.
Về mặt lãi suất, cho vay vốn ngắn hạn vay bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm, còn vốn vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực thông thường khác ở mức trên dưới 6%/năm, cho vay trung và dài hạn dao động từ 8,5-9%/năm. Mức lãi suất này có thể tiếp tục duy trì này từ nay đến cuối năm.
Nhận định về dư địa giảm lãi suất, NHNN cho rằng lãi suất cho vay khó có cơ hội giảm thêm. Bởi nếu muốn giảm lãi suất cho vay thì phải tiếp tục giảm lãi suất huy động, trong khi đó lãi suất tiết kiệm hiện nay đã ở mức rất thấp trong nhiều năm qua rồi.