TP.HCM: Hơn 500 triệu USD đầu tư cho các dự án đốt rác thải - phát điện

Mỹ Hạnh| 27/08/2019 06:00

Từ nay đến hết năm 2019, TP.HCM sẽ lần lượt khởi công xây dựng ba nhà máy mới áp dụng công nghệ chuyển hóa rác thành điện năng và dự kiến sẽ chính thức vận hành tối đa công suất vào tháng 12/2020. Đó là nội dung được Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM thông báo tại cuộc họp báo chiều ngày 26/8/2019.

nha-may-xu-ly-rac-1892-1566823-4028-8124

Phối cảnh nhà máy xử lý đốt rác thải - phát điện của Vietstar sẽ được khởi công ngày 28/8/2019

Mỗi ngày TP.HCM có khoảng gần 9.000 tấn rác thải rắn sinh hoạt. Số lượng rác đó mỗi năm lại tăng thêm khoảng 10%. Đến thời điểm hiện tại, xử lý rác thải vẫn  là chôn lấp, làm phân bón, tái chế và một phần đốt (không thu hồi năng lượng). Cùng với việc đô thị hóa nhanh chóng, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Có những thời điểm, rác chôn lấp tại những bãi rác lớn của Thành phố như Đa Phước… đã trở thành vấn nạn của vệ sinh môi trường.

Năm 2018, lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố được xử lý theo dạng chôn lấp là hơn 2,2 triệu tấn, chiếm gần 73% trong tổng khối lượng chất thải. Lộ trình là đến năm 2020 phải giảm tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 50%, để nâng tỉ lệ đốt rác phát điện và làm phân từ xử lý rác. Rác thải cũng là nguồn nguyên liệu dồi dào để phục vụ cho các ngành khác, đặc biệt là năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho hay. Ba đơn vị được TP.HCM cấp phép xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt rác phát điện là Công ty CP Vietstar; Công ty Môi trường Tasco Củ Chi và Công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa.

Trong đó, nhà máy có công suất xử lý rác thải đốt phát điện lớn nhất là nhà máy của Vietstar. Nhà máy có tổng mức đầu tư lên tới gần 400 triệu USD với công suất tối đa xử lý lên tới 6.000 tấn rác/ngày, trong đó lượng rác đốt để phát điện khoảng 4.000 tấn sẽ khởi công vào ngày 28/8/2019 này. Hai nhà máy còn lại của Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Tasco Củ Chi cũng có tổng mức đầu tư hàng chục triệu USD dự kiến cũng được khởi công chậm nhất vào đầu quý IV/2019.

Được biết, thời gian qua, việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị tại TP.HCM rất được lãnh đạo Thành phố quan tâm. Cách đây chưa lâu, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp đang thực hiện xử lý rác thải cho Thành phố. Tại cuộc gặp gỡ, ông đã yêu cầu các doanh nghiệp thúc đẩy tiến độ đầu tư công nghệ đốt rác phát điện.

Trả lời câu hỏi của báo chí về biện pháp giám sát khí thải phát sinh từ lò đốt và biện pháp phòng ngừa, ứng phó khi sự cố xảy ra, ông Trần Nguyên Hiền - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, cho biết việc xử lý khí thải phát sinh từ lò đốt là một tiêu chí quan trọng. Theo đó, việc xử lý khí thải phải đáp ứng đúng quy chuẩn, kỹ thuật đối với lò đốt, phát điện mà Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành.

“Một trong những nội dung quan trọng trong việc thẩm định và phê duyệt của Bộ Tài nguyên Môi trường là biện pháp xử lý khí thải và biện pháp phòng ngừa, ứng phó khi sự cố xảy ra. Trong giai đoạn thẩm định, Bộ sẽ xem xét đầy đủ những tiêu chí này để đảm bảo khí thải phát sinh ra được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường”, ông Hiền nói.

Về việc thẩm định và cấp phép cho dự án, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường khẳng định, không vì thời gian gấp mà Sở buông lỏng việc thẩm định cấp phép và hoàn thành thủ tục theo đúng quy trình. “Chúng tôi luôn chú trọng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường và xây dựng nhằm đảm bảo các dự án trên sau khi hoàn thành được đưa vào hoạt động hiệu quả”.

Giải pháp công nghệ mà ba nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt chuẩn bị đầu tư tới đây là những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực xử lý rác thải. Ông Ngô Như Hùng Việt - Giám đốc Công ty CP Vietstar cho biết, công nghệ martin mà nhà máy của ông sẽ sử dụng là công nghệ xử lý rác thải của Đức, nhiều quốc gia đã sử dụng công nghệ này và có hiệu quả. Điểm ưu việt của công nghệ martin là khép kín quá trình xử lý từ đầu vào cho tới cấp hơi cho tuabin phát điện. Triệt để giải quyết được mùi hôi, ô nhiễm nước thải, khí thải.

Công ty môi trường Tasco Củ Chi thì đầu tư dây chuyền công nghệ của Phần Lan, đây cũng là công nghệ khép kín hoàn toàn tự động hóa từ phân loại rác thải cho đến lò đốt hơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM: Hơn 500 triệu USD đầu tư cho các dự án đốt rác thải - phát điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO