Theo đó, giai đoạn 2023-2024, TP.HCM sẽ cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có như tuyến du lịch đi Bình Quới (bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh), tuyến đi Củ Chi, tuyến đi Cần Giờ. Sở Du lịch TP.HCM cũng sẽ làm mới tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hướng tuyến từ bến du thuyền quận 1 đến bến du thuyền quận 3.
Giai đoạn 2024-2025, thành phố sẽ tăng cường các dịch vụ du lịch trên sông. Trong đó tái hiện chợ nổi trên sông tại khu vực chân cầu Tân Thuận (quận 4 và quận 7) định kỳ thứ bảy, Chủ nhật hằng tuần; xây dựng các mô hình phát triển du lịch đường sông trên sông Sài Gòn như loại hình tàu nghỉ cao cấp qua đêm trải nghiệm trên sông Sài Gòn, Cần Giờ; tàu gỗ nhỏ chở khách vào các khu vực rạch nhỏ, kết hợp với việc tham quan các di tích lịch sử, đình, chùa, làng nghề trên tuyến.
Giai đoạn này cũng sẽ đầu tư các tuyến mới như tuyến đi quận 7 (hướng tuyến bến Cầu Mống/bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - kênh Tẻ - rạch Ông Lớn - rạch Đỉa) với chương trình trải nghiệm dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước như chèo thuyền kayak, ca nô kéo…; hoặc tuyến du lịch liên quận 1, 4, 5, 6 và 8, hướng tuyến bến Cầu Mống/bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - kênh Tẻ - kênh Tàu Hủ đến bến Bình Đông hoặc tiếp tục theo kênh Đôi đến đình Bình Đông. Trên địa bàn thành phố Thủ Đức cũng nghiên cứu sản phẩm du lịch đường sông mới, hướng tuyến: bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - rạch Chiếc - rạch Ông Nhiêu - sông Tắc - sông Đồng Nai - chùa Hội Sơn.
TP.HCM đã lên kế hoạch cho nhóm các sản phẩm du lịch thủy tầm xa, từ TP.HCM đi các tỉnh lân cận với chiều dài lớn hơn 60km. Cụ thể, sẽ có tuyến đường thủy xuất phát từ cảng Sài Gòn, bến Bạch Đằng, bến Cầu Mống... đi các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ và tuyến Châu Đốc (An Giang) để kết nối qua Campuchia. Các tuyến xa thường phục vụ khách có nhu cầu giải trí, thể thao, đánh golf, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh…