Du lịch, khách sạn, vận tải là những lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19. Theo số liệu của Sở Du lịch TP.HCM, từ tháng 4 đến nay, đã có 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ tại TP.HCM tạm ngưng hoạt động. Ngoài ra, từ ngày 1/1/2020 đến 25/9/2021, có 190 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành rút giấy phép kinh doanh, tỷ lệ cắt giảm lao động tại các doanh nghiệp chiếm 50 - 80%.
Đối với ngành dịch vụ khách sạn, có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng ba sao hoặc tương đương tạm ngưng hoạt động, các cơ sở lưu trú hạng bốn sao và năm sao hoặc tương đương chỉ đang hoạt động cầm chừng...
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng, có một số cơ sở lưu trú đã được sử dụng cho việc cách ly F1, F0 và làm nơi lưu trú cho đội ngũ y bác sĩ.
Hiện tại, TP đã mở cửa du lịch với Cần Giờ và Củ Chi. Ngoài tổ chức du lịch ở Cần Giờ, Củ Chi, TP cũng đang có kế hoạch khảo sát đường thủy để nâng cấp sản phẩm. Trong tháng 10 này, TP sẽ làm việc với các tỉnh về chuyện mở cửa du lịch.
“Chúng tôi đã trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang qua điện thoại và nhận được sự đồng ý của Chủ tịch tỉnh này về việc nhận khách từ TP HCM. Điều kiện chỉ cần khách tiêm đủ 2 mũi vaccine, có xét nghiệm âm tính là đi thẳng đến Hà Giang. Ngoài ra, miền Tây, Tây Nguyên cũng chuẩn bị đón khách TP.HCM”, bà Phan Thị Thắng cho biết.
Từ nay đến cuối năm, TP sẽ mở rộng tuyến du lịch nội địa đến nhiều tỉnh thành khác. Tuy nhiên, khách du lịch đến TP.HCM hiện vẫn còn e ngại. Để hoạt động du lịch được hồi phục, thành phố cũng đề xuất nhận các chuyến bay hồi hương.
Dự kiến, nếu điều kiện thuận lợi, TP.HCM đề nghị Chính phủ cho đón khách quốc tế từ năm 2022.