Vướng đủ kiểu vì thủ tục
Thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trên địa bàn thành phố đến nay vẫn còn hàng chục dự án bị vướng mắc chưa được giải quyết của các doanh nghiệp bất động sản, trong đó có những doanh nghiệp gặp vướng mắc ở nhiều dự án đến nay vẫn chưa được khơi thông, chẳng hạn như Tập đoàn Novaland, TTC Land, Him Lam...
Cụ thể, trong 14 dự án vướng mắc nhiều năm nay của Tập đoàn Novaland đã được xem xét, giải quyết 4 dự án, hiện còn 10 dự án chưa được tháo gỡ gồm: dự án khu chung cư Cô Giang tại số 100 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1; dự án trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ tại số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4; 7 dự án tại khu vực quận Phú Nhuận và dự án 30,2ha tại phường Bình Khánh, quận 2.
Trong khi đó, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) còn vướng mắc ở dự án khu liên hợp nhà ở - văn phòng - thương mại Tản Đà - Hàm Tử, phường 10, quận 5; dự án Charmington Iris tại 76 Tôn Thất Thuyết, quận 4; dự án Charmington Golf & Life nằm tại 18B Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh...
Ngay cả việc TP.HCM đang thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhưng nhiều dự án ở phân khúc này lại đang vướng khó khăn về thủ tục, kéo dài nhiều năm qua. Đơn cử như trường hợp Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, hiện còn hai dự án nhà ở xã hội đang bị vướng thủ tục. Theo đó, dự án nhà ở xã hội Lê Thành - An Lạc đã triển khai, đang vướng hàng loạt khó khăn, vướng mắc về quyết định miễn tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật mà lẽ ra doanh nghiệp này đương nhiên được hưởng khi làm nhà ở xã hội.
Ngoài ra, dự án còn vướng về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vay vốn ưu đãi; thế chấp dự án để vay vốn ngân hàng; chính sách thuế. Từ đó, doanh nghiệp không thể được cấp sổ hồng cho dự án để cầm cố vay ngân hàng ưu đãi theo quy định làm nhà ở xã hội, với lãi suất 4,8%/năm.
Dự án thứ hai nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên, theo quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016-2020 thì khu đất này ưu tiên để phát triển nhà ở xã hội, nhưng Công ty Lê Thành đã nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư dự án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư từ tháng 3/2019. Đến nay đã gần hai năm nhưng vẫn chưa có "quyết định chủ trương đầu tư" do vướng các khâu về chỉ tiêu quy hoạch và ranh đất thực hiện dự án.
Báo cáo về tình hình bất động sản, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, nhìn chung nguồn cung nhà ở năm 2020 đưa ra thị trường so với năm 2019 giảm 34% về tổng số dự án, giảm 30,4% về tổng số căn nhà. Thị trường bất động sản có tốc độ giao dịch chậm hơn, không có dự án nào được UBND TP.HCM cho phép chuyển nhượng.
Đối với dự án đã hoàn thiện pháp lý, đa số doanh nghiệp lựa chọn phát triển sản phẩm theo phân khúc cao cấp và trung cấp. Điều này dẫn đến cơ cấu sản phẩm mất cân đối, tỷ lệ căn hộ bình dân giảm từ 51% xuống còn 1%, trong khi phân khúc căn hộ trung cấp tăng từ 23,8% lên 56,9%, và phân khúc căn hộ cao cấp tăng cao nhất từ 25,2% lên 42,1%. Đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và cũng là dấu hiệu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững, không đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân có thu nhập thấp và trung bình.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, dẫn đến tình trạng xử lý hồ sơ còn chậm của một số cơ quan quản lý nhà nước.
Cần sớm tháo gỡ
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA đề nghị UBND TP.HCM sớm ban hành văn bản hướng dẫn xử lý đối với phần diện tích đất thuộc Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án đầu tư. Cụ thể, trường hợp xen kẽ, rải rác trong dự án đầu tư là đất rạch, kênh mương nội đồng, đường, bờ đất... có hình dáng bất định thì xác định phần diện tích đất này "không đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập" và thực hiện thủ tục thu hồi đất, giao đất, hoặc cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất, nhưng phải xác định giá đất cụ thể để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định. Như vậy, các dự án sẽ được giải quyết để các dự án đầu tư xây dựng, dự án nhà ở vận hành trở lại thông suốt.
Ngoài ra, ông Châu cũng đề nghị UBND TP.HCM cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét, sớm giải quyết các dự án đã tạm nộp tiền sử dụng đất; khẩn trương xem xét, kết luận các trường hợp dự án có điều chỉnh quy hoạch xây dựng, có (hay không có) phát sinh nghĩa vụ tài chính (bổ sung) và phải sớm giải quyết các vướng mắc cụ thể của từng dự án, kịp thời trả lời cho các chủ đầu tư, không để tình trạng tiếp tục "treo" các dự án, gây bức xúc cho các chủ đầu tư và người mua nhà...
Trong cuộc gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, thời gian qua các dự án bất động sản triển khai rất chậm. Việc chậm trễ này doanh nghiệp cùng chia sẻ với Thành phố, bởi thực tế vừa qua do công tác thanh kiểm tra, cơ quan kiểm toán Thành phố phải làm việc rất nhiều, riêng Thanh tra Chính phủ thanh tra 164 dự án. Khi thanh tra, dự án phải dừng lại. Việc dừng này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.
Trên cơ sở những kiến nghị của HoREA, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình sắp xếp lịch để lãnh đạo các sở trong khối đô thị làm việc với HoREA nhằm giải quyết các vấn đề cơ chế chính sách và báo cáo cho Thường trực Ủy ban. Với từng trường hợp cụ thể, ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp cung cấp đầy đủ thông tin để xử lý. Thời hạn mà Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đưa ra là đến ngày 15/4/2021 phải giải quyết xong và tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp.