Bầm dập với những cơn sốt đất

Trương Bảo| 23/03/2021 03:29

Vài năm trở lại đây, mỗi năm đều xuất hiện vài cơn sốt đất với quy trình và hệ lụy đều giống nhau. Trong đó có không ít những cơn sốt ảo để rồi có hàng loạt người “sập bẫy” những kẻ đầu cơ…

Bầm dập với những cơn sốt đất

“Bẫy” cũ, nạn nhân mới

Đợt sốt đất mới nhất xảy ra tại huyện Hớn Quản ngay sau khi có thông tin xây dựng sân bay. Dù dự án làm sân bay Técníc mới chỉ dừng lại ở việc các cơ quan chức năng đi khảo sát thực địa. Vậy mà, ngay lập tức giới đầu nậu khơi lên một cơn sốt đất rầm rộ ở khu vực này, mở đầu cho năm nay.

Theo phản ánh của nhiều người mua đất để đầu tư, trên tuyến đường từ thị xã Bình Long vào trung tâm xã Tân Lợi, An Khương, huyện Hớn Quản xuất hiện hàng chục điểm giao dịch đất ở lề đường, bảng rao bán đất được giăng khắp mặt tiền đường. Ô tô từ nhiều tỉnh thành, nhất là TP.HCM và Hà Nội đậu dài hàng trăm mét trước địa điểm được cho là ở gần sân bay Técníc - khu vực vừa có thông tin được địa phương khảo sát đưa vào quy hoạch làm sân bay. Giá đất mặt tiền ở các tuyến đường liên xã tuần qua được đẩy lên cao ngất ngưỡng, trước Tết giá từ 60-70 triệu đồng một mét ngang mặt tiền, sau tăng lên 350 đến 500 triệu đồng, có nhiều nơi đến 600 triệu đồng. Chưa hết, cơn thổi giá len cả vào đất rẫy vườn điều, vườn cao su ở sâu bên trong. Trung bình một sào được rao bán với giá từ 2 đến 3 tỉ đồng.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, cơn sốt đất ảo ở huyện Hớn Quản đã đi qua, nhiều người ôm đất bạc tỉ không thể bán được. Tuyến đường liên xã An Khương - Tân Lợi đã không còn những điểm tư vấn mua bán đất, băng rôn rao bán và quảng cáo cũng đã được gỡ bỏ. Giới “cò” đất đã không còn cắm chốt, chèo kéo, dụ dỗ người dân mua bán đất như những ngày trước đó. "Cách đây một tuần có những mảnh đất được cò rao bán với giá 350 triệu đồng 1 mét ngang mà nhiều người vẫn tranh nhau mua. Còn hôm nay thì giá đã hạ xuống 200 triệu đồng nhưng vẫn ế" - một người dân địa phương kể.

Đại diện UBND huyện Hớn Quản cho biết, đến thời điểm này, chính quyền địa phương chưa cho phép một ai phân lô bán nền để xây dựng khu dân cư.

Vụ sốt đất ở Hớn Quản chỉ là một trong vô số vụ sốt đất ảo trong những năm gần đây. Khi người ta “say tiền”, đã tạo điều kiện cho cơn sốt đất xảy ra hằng năm, sau vài tuần, một hai tháng, đầu nậu và cò đất đạt được mục đích và rời đi, người dân địa phương hụt hẫng, nhà đầu tư mang nợ… Đến khi chính quyền địa phương vào cuộc thì mọi sự đã rồi!

Chết theo “cuộc chơi” của cò đất

Những cơn sốt đất trước đây tại các nơi như Phú Quốc, Cần Giờ, Củ Chi, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu… đều có kịch bản y hệt nhau. Bắt đầu từ một dự thảo, một cuộc khảo sát, một kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng hay xây dựng khu dân cư, nhà máy, khu công nghiệp, gần đây là sân bay tại địa phương. Thông tin ấy ngay lập tức lan truyền khắp mạng xã hội, đó cũng là lúc cò đất bắt đầu “diễn” về cơ hội sinh lời hòng lôi kéo nhà đầu tư. Điểm lại các cơn sốt đất ảo vừa qua, thông tin trên mạng xã hội luôn là điều kiện lý tưởng cho giới đầu cơ lôi kéo những nhà đầu tư lướt sóng. Đây cũng chính là lý do khiến các cơn sốt đất với quy trình cũ vẫn tồn tại hết năm này qua năm khác.

Cơn sốt đất ở Hớn Quản, Bình Phước giống như cách đã diễn ra ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cách đây một năm, hay xa hơn, vào năm 2019, tại Phan Thiết, Bình Thuận. Đầu tháng 2 năm ngoái, thông tin một tập đoàn bất động sản lớn trong nước khảo sát vị trí xây dựng nhà máy tại xã Bình Ba đã thu hút đông đảo nhà đầu tư từ TP.HCM, Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Giá đất ở khu vực Bình Ba, theo đó thay đổi từng giờ, và gấp ba bốn lần chỉ sau một tuần, như một mét ngang mặt tiền quốc lộ 56 trước đó có giá 250 triệu đồng đã bất ngờ tăng lên 450 - 500 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi giới chuyên gia và chính quyền địa phương cùng lên tiếng cảnh báo về hiện tượng sốt đất bất thường này, đặc biệt là lượng hồ sơ giao dịch tại văn phòng đăng ký đất đai địa phương thực tế giảm sút chứ không tăng, cơn sốt đã nhanh chóng nguội lạnh chỉ sau hai tuần.

sot-dat-5060-1616480954.jpg

Ảnh minh họa

Theo một số nhà đầu tư, cơn sốt đất ở Hớn Quản thực chất được tạo bởi một nhóm người đã mua với giá rẻ trước đó. Sau khi có thông tin Bình Phước dự kiến lập đề án quy hoạch xây dựng sân bay thì những người này bung hàng ra bán, tạo cơn sốt ảo để lôi kéo người mua. Hầu hết các giao dịch thực hiện bằng hình thức sang tay. Ngoài việc đăng tin trên mạng xã hội, cò đất còn tổ chức “sự kiện” xem đất thực tế. Có thời điểm, cả trăm người đi xe riêng từ nhiều tỉnh, thành tới mua bán đất. Nhóm cò đất cho người “tổ chức thị trường” quanh khu vực khảo sát làm sân bay, cho người ký cọc, đi công chứng trong ngày. Đó là những “chim mồi” đã cài trước. Những nhà đầu tư kém hiểu biết thấy giá liên tục tăng sẽ nhảy vào và “mắc cạn”.

Sốt đất sẽ hình thành nên bong bóng giá. Khối bong bóng này ngày càng lớn thì sẽ xì hơi, thậm chí nổ tung, gây ra tình trạng đổ vỡ dây chuyền. Nhà đầu tư nên tỉnh táo xem xét thực hư để có quyết định chính xác khi mua bán đất, hạn chế rủi ro, tránh tình trạng “chết đuối trên cạn”.

Nhưng muốn chấm dứt những cơn sốt đất thì ngay từ đầu, chính quyền địa phương phải lập tức can thiệp chứ không thể để mặc cho cò đất thao túng như bấy lâu nay! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bầm dập với những cơn sốt đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO