![]() |
Ảnh: Huỳnh Phạm Dũng |
Theo kế hoạch được người phát ngôn của UBND TP.HCM chia sẻ với báo giới trước Tết Nguyên đán 2018, đến tháng 6/2018, các đề án nhằm triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ được trình HĐND TP.HCM xem xét và thông qua. Thêm nữa, đây cũng là thời điểm quan trọng cho việc triển khai Bảy chương trình đột phá cũng như việc xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.
Để thực hiện được những mục tiêu ấy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong từng nhấn mạnh, Thành phố cần huy động nguồn lực rất lớn, không chỉ vốn mà còn là nhân lực, cụ thể là đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong và ngoài nước. Hơn nữa, mọi việc phải được gấp rút triển khai.
Ngay những ngày đầu tháng 3, các sở, ban, ngành của Thành phố đã triển khai các chương trình xúc tiến, kêu gọi, tìm kiếm nhà đầu tư thực hiện một trong Bảy chương trình đột phá. Đầu tuần này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cũng đã tổ chức hội nghị phản biện dự thảo đề án về thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của Thành phố giai đoạn 2018 - 2022.
Tại hội nghị, PGS-TS. Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM cho biết, Nghị quyết 54 cho phép HĐND có quyền quyết định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức và quy định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Thành phố thay vì phải chịu nhiều quy định ràng buộc như trước. Đây là tiền đề quan trọng cho việc thu hút nhân tài đến TP.HCM làm việc.
Theo ông Ngân, tài chính cũng cần nhưng người làm khoa học cần nhất là môi trường làm việc, nên bên cạnh chế độ đãi ngộ xứng đáng, TP.HCM cần tạo cơ chế làm việc thuận lợi để các nhà khoa học được tự do sáng tạo, tự do cống hiến. Được biết, theo đề án, chuyên gia và trí thức sau khi trúng tuyển sẽ được nhận mức trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng nếu có học hàm giáo sư, phó giáo sư hoặc trình độ tiến sĩ, hay người có trình độ thạc sĩ loại giỏi, tốt nghiệp xuất sắc ở nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận, đồng thời có ít nhất một công trình nghiên cứu khoa học được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
Cùng với việc đề ra chính sách chiêu mộ nhân tài, năm 2018, TP.HCM sẽ kêu gọi các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia triển khai những dự án hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm. Tại Hội nghị Chỉnh trang và Phát triển đô thị do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và Hiệp hội Các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển đô thị sinh thái hải ngoại phối hợp tổ chức, TP.HCM đã đưa ra danh mục 193 dự án mời gọi đầu tư (bao gồm các tuyến Metro, các dự án cải tạo, di dời nhà trên và ven kênh rạch, các dự án xây dựng, cải tạo chung cư cũ, hư hỏng nặng), trong đó, các cơ quan đại diện của TP.HCM đặc biệt nhấn mạnh đến các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị (thuộc Bảy chương trình đột phá).
Ông Lê Trần Kiên - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nhấn mạnh, hiện Thành phố rất quan tâm đến việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia cải tạo và xây lại chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp. Song song đó là di dời, tổ chức lại cuộc sống của người dân sống trên và ven kênh rạch. Qua hơn 20 năm triển khai chương trình này, Thành phố đã bồi thường và di dời khoảng 36.000 căn nhà trên, ven kênh rạch và đến năm 2020 sẽ di dời, tổ chức lại cuộc sống cho khoảng 20.000 người dân nữa.
Theo ông Kiên, trong năm 2018, TP.HCM sẽ đẩy nhanh tiến độ mời gọi và lựa chọn chủ đầu tư đối với 13 chung cư cấp D (cấp phải tháo dỡ), mục tiêu đến năm 2020 là hoàn thành việc tháo dỡ, xây dựng toàn bộ 15 chung cư cấp D, như chung cư 128 Hai Bà Trưng, chung cư 23 Lý Tự Trọng. Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư, các chung cư này sẽ được tháo dỡ để xây dựng chung cư mới thay thế nhằm tổ chức lại cuộc sống người dân, thay đổi cảnh quan đô thị, góp phần chỉnh trang đô thị.