TP.HCM dẫn đầu trong xu thế mới về thương mại điện tử
Số lượng website, app do tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn TP.HCM sở hữu đã đăng ký với Bộ Công Thương có tỷ lệ cao nhất nước.
1. Ngành công thương đặt ra 27 nhiệm vụ để phát triển thương mại điện tử
Phát triển thương mại điện tử là tất yếu, là xu thế chung trong dòng chảy phát triển thương mại của TP.HCM. Bên cạnh thuận lợi là những khó khăn, thách thức, Thành phố đang từng bước tháo gỡ, những giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững hơn.
“TP.HCM cũng là nơi đặt trụ sở làm việc của hầu hết doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) và dịch vụ bổ trợ lớn nhất. Đây cũng là địa phương dẫn đầu trong xu thế mới về TMĐT” - ông Nguyễn Minh Hùng - Phó trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TP.HCM, chia sẻ
Doanh số mua hàng cao nhất cả nước
* Thưa ông, ông có thể cho biết những kết quả đạt được của TMĐT của TP.HCM trong thời gian gần đây?
- Năm 2024, thị trường TMĐT Việt Nam tiếp tục bùng nổ với tốc độ tăng trưởng hơn 2 chữ số, ước tính quy mô thị trường đạt hơn 27 tỷ USD, trong đó TP.HCM tiếp tục đạt doanh số mua hàng TMĐT cao nhất cả nước, doanh số bán theo kho hàng cao thứ hai cả nước.
Mua sắm kết hợp giải trí trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok… cũng có sự phát triển mạnh mẽ và tăng trưởng khá đồng đều. Nổi bật là sự tăng trưởng của nền tảng TikTok Shop. Mặc dù mới xuất hiện từ giữa năm 2022 nhưng đến nay TikTok Shop hiện đã chiếm gần 10% tổng doanh số TMĐT.
Bước sang năm 2024, TMĐT tại TP.HCM tiếp tục phát triển, tăng trưởng mạnh, trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần tiêu thụ hiệu quả hàng hóa. Việc này tạo nền tảng để phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, khi các thỏa thuận thương mại tự do được thực thi.
* Thời gian vừa qua, các sàn TMĐT nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng. Ông nhận định về tình trạng này như thế nào?
- Theo Metric, tổng doanh thu TMĐT trên địa bàn TP.HCM 10 tháng đầu năm 2024 đạt 91.962 tỷ đồng, tăng 43,7% so cùng kỳ, chiếm 33,5% doanh thu TMĐT cả nước. Trong đó, các nền tảng TMĐT nước ngoài như TikTok Shop, Shopee, Lazada… đang chiếm lĩnh phần lớn thị trường (hơn 80%). Đồng thời, gần đây một số nền tảng TMĐT như Temu, Shein… cũng đã cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
TP.HCM có 23.870 website TMĐT bán hàng (chiếm 47,2% cả nước), 319 website cung cấp dịch vụ TMĐT (chiếm 43,5% cả nước)...
TMĐT phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Bên cạnh mặt tích cực, công tác quản lý chất lượng, ngăn chặn hàng giả, hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an ninh mạng, dữ liệu cá nhân… trở nên phức tạp hơn khi có sự tham gia của nhiều nhà cung cấp, nhất là nhà cung cấp từ nước ngoài.
Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong việc cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu xuyên biên giới. Điển hình như:
+ Các nền tảng TMĐT quốc tế gia nhập thị trường Việt Nam, mang theo chuỗi cung ứng quốc tế; trong khi doanh nghiệp Việt Nam chưa kịp tiếp cận, thích nghi với các nền tảng, phương thức bán hàng mới.
+ Hàng hoá tại các nước có lợi thế cạnh tranh nhờ quy mô lớn, trình độ sản xuất cao; trong khi xâm nhập thị trường Việt Nam không gặp hàng rào kỹ thuật, nghĩa vụ thuế quan… đủ mạnh.
+ Người tiêu dùng nhanh chóng tiếp cận, thích nghi thói quen mua sắm mới; trong khi một số doanh nghiệp chậm thích nghi, chậm áp dụng công nghệ mới, dần mất thị phần do không bắt kịp xu hướng thị trường.
* Ông đánh giá như thế nào về cơ hội cho các doanh nghiệp TP.HCM trong thời gian tới?
- Mặc dù sự phát triển của các nền tảng TMĐT quốc tế tạo ra áp lực cạnh tranh lớn, tuy nhiên, đây cũng là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp thành phố nói riêng. Cụ thể:
+ Các nền tảng TMĐT quốc tế thu hút lượng lớn người tiêu dùng trực tuyến, đây cũng chính là thị trường tiềm năng nếu doanh nghiệp kịp thời thích ứng; doanh nghiệp có thể sử dụng chính các nền tảng này để xuất khẩu, tận dụng hệ thống logistics và mạng lưới toàn cầu mà các nền tảng này xây dựng.
+ Doanh nghiệp có thể tận dụng các nền tảng TMĐT quốc tế để kết nối với các nhà cung cấp và đối tác quốc tế để tăng cường năng lực sản xuất (nhập khẩu máy móc, công nghệ, nguyên vật liệu…).
+ Các nền tảng TMĐT quốc tế sử dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý chuỗi cung ứng, logistics và xử lý dữ liệu. Doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng các công nghệ này để tối ưu hóa quy trình kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số và mở ra cơ hội cải tiến quy trình kinh doanh và tăng cường khả năng cạnh tranh.
+ Sự cạnh tranh khốc liệt từ các nền tảng TMĐT Trung Quốc buộc doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để tồn tại và phát triển, từ đó giúp nâng cao tiêu chuẩn chung của ngành TMĐT.
+ Các công ty logistics Việt Nam có thể hợp tác với các nền tảng TMĐT lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng, phát triển dịch vụ giao hàng, và mở rộng quy mô hoạt động; đồng thời doanh nghiệp sản xuất tận dụng sự phát triển này để cải thiện khả năng giao hàng nhanh chóng, hiệu quả, giảm chi phí vận chuyển.
+ Thị trường TMĐT phát triển cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình ngách (cung cấp các sản phẩm độc đáo, mang tính địa phương) dễ dàng tham gia thị trường.
Nghiên cứu thành lập Trung tâm Hỗ trợ TMĐT
* TP.HCM đã có những giải pháp gì cho DN không bị bỏ lại phía sau trong xu thế TMĐT phát triển?
- Từ góc độ địa phương, bên cạnh nhiệm vụ rà soát, kịp thời kiến nghị Trung ương hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách kinh tế vĩ mô, TP.HCM cần tập trung các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng và nhanh chóng chuyển đổi số trong thương mại. Một số giải pháp cụ thể gồm nghiên cứu thành lập Trung tâm Hỗ trợ TMĐT (E-commerce Support Center, mô hình đầu tiên tại Việt Nam nhưng phổ biến tại Trung Quốc); xây dựng chính sách mời gọi đầu tư, hình thành các trung tâm logistics chuyên biệt tại các khu vực quan trọng để hỗ trợ lưu kho, vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp TMĐT. Bên cạnh đó, nghiên cứu chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào công nghệ số, xây dựng website TMĐT, sử dụng các nền tảng quản lý bán hàng trực tuyến và các giải pháp liên quan đến logistics và thanh toán điện tử… Đồng thời tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về xu hướng TMĐT, khuyến khích doanh nghiệp tận dụng cơ hội TMĐT để phát triển doanh thu, mở rộng thị trường và truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng mua sắm trực tuyến an toàn; tuyệt đối không mua sắm hàng hoá không rõ nguồn gốc...
* Thương mại TP.HCM trong thời gian tới sẽ như thế nào?
- UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030. Theo đó, UBND TP.HCM đề ra mục tiêu tỷ trọng đóng góp của ngành công thương trong tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) đến năm 2030 đạt khoảng 40%; tỷ trọng giá trị công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 15 - 20%; tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 6,5 - 7,5%/năm.
Đối với lãnh vực thương mại, Thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 6 - 7%/năm. Hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả các quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam; tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 12-13%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng hàng hóa phân phối qua các kênh TMĐT chiếm khoảng 25%.
TMĐT theo đó, hiện nay và trong thời gian tới sẽ có những đóng góp quan trọng cho ngành thương mại. Trong xu thế phát triển hiện nay không thể tách rời sự phát triển của TMĐT ra khỏi sự phát triển chung của thương mại.
* Ông có thể cho biết kế hoạch phát triển ngành thương mại nói chung và TMĐT nói riêng?
- Năm 2024, Sở Công Thương TP.HCM phối hợp với các sở, ngành xây dựng kế hoạch phát triển thị trường TMĐT với 27 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chia hai nhóm.
Đối với nhóm giải pháp thúc đẩy, Sở Công Thương nhận định, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hoá hoàn toàn có thể thích ứng, chuyển đổi phương thức bán hàng, kết hợp online và offline, phát huy lợi thế của chợ truyền thống, đó là: Văn hoá, nguồn hàng, người bán hiểu rõ sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm, kho hàng. Đồng thời, khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị… áp dụng các mô hình kết hợp. Đối với nhóm giải pháp quản lý, hiện dữ liệu TMĐT còn tương đối tổng quan, chưa chi tiết. Cơ quan thuế, quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn để xác định nguồn hàng, doanh thu, nhà bán. Vì thế, cần xây dựng công cụ thu thập dữ liệu giao dịch TMĐT: dữ liệu kho hàng, dữ liệu nhà bán, dữ liệu giao dịch, doanh thu…; từ đó điều hướng, hỗ trợ cơ quan thuế, quản lý thị trường thực hiện chức năng quản lý có trọng điểm, trọng tâm.
Sở Công Thương TP.HCM đang xây dựng công cụ thu thập hệ thống dữ liệu giao dịch TMĐT: dữ liệu kho hàng, dữ liệu nhà bán, dữ liệu giao dịch, doanh thu… Từ đó điều hướng, hỗ trợ cơ quan thuế, quản lý thị trường thực hiện chức năng quản lý có trọng điểm, trọng tâm.
* Xin chân thành cảm ơn ông!
Trung tâm hỗ trợ TMĐT có các nhiệm vụ như chuyển giao công nghệ tiên tiến (quốc tế và nội địa) trong hoạt động TMĐT, đặc biệt là TMĐT trực tiếp (Live Commerce) - xu hướng đang phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc; cung cấp các dịch vụ tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp phát triển kênh bán hàng trực tuyến, tiếp cận các nền tảng TMĐT, hỗ trợ về kỹ thuật, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thị trường, thương mại số cho doanh nghiệp, tập trung cung cấp thông tin chi tiết về ngành hàng, sản phẩm, cũng như các giải pháp công nghệ sẵn có nhằm hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với các đối tác phù hợp; tích hợp các giải pháp TMĐT và công nghệ quản lý chuỗi cung ứng, từ sản xuất, kho vận đến phân phối hàng hóa, giúp doanh nghiệp quản lý vận hành hiệu quả và tăng cường năng lực cạnh tranh….
2. Doanh nghiệp không thể tách rời với thương mại điện tử
Thương mại điện tử có vai trò quan trọng để phát triển thương mại của mỗi doanh nghiệp. Muốn giảm trung gian trong mua bán nhằm tăng tối đa lợi ích cho người tiêu dùng thì phải ưu tiên phát triển thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food) - doanh nghiệp sản xuất nha đam và thạch dừa, cho biết, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp, đóng góp vào sự tăng trưởng chung.
Đưa doanh nghiệp đến gần khách hàng
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, TMĐT giúp doanh nghiệp đa dạng hóa kênh bán hàng, tăng hiệu quả kinh doanh, hỗ trợ xây dựng thương hiệu. TMĐT không chỉ là kênh bán hàng mà còn là đòn bẩy đưa GC Food đến gần hơn với khách hàng, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tuy vậy, cũng theo ông Thứ, hiện nay TMĐT chỉ chiếm tầm 1% doanh thu của GCfood, với khoảng 300-500 triệu đồng mỗi tháng, vì GCFood từ trước nay tập trung bán sỉ và xuất khẩu. Theo đó, hiện nay GCFood đang triển khai nhiều hoạt động để kênh TMĐT tăng dần tỷ trọng vì mong muốn giảm trung gian trong mua bán nhằm tăng tối đa lợi ích cho người tiêu dùng.
“Năm 2024, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế nhưng kinh doanh của GC Food vẫn đạt được kết quả tích cực, dự kiến năm 2024, doanh thu thuần đạt 570 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế đạt trên 60 tỷ đồng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng kép hằng năm trong 5 năm gần nhất từ 2020-2024 là 28%” - ông Thứ chia sẻ thêm.
Trong khi đó, ông Trương Chí Cường, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, mặc dù trong hai năm gần đây TMĐT của công ty phát triển khá tốt, trung bình mỗi năm doanh số bán hàng trên nền tảng TMĐT tăng khoảng 30% so với năm trước nhưng so với kênh bán hàng truyền thống thì doanh thu từ TMĐT của Công ty hiện nay còn đang ở mức rất thấp.
Sở dĩ vậy, ông Cường lý giải, bởi đặc thù ngành hàng trứng của Công ty trên các nền tảng TMĐT như Lazada, Shopee, website của công ty hay tiktok sản lượng hạn chế do cần giao liền trong vòng 4 tiếng đồng hồ, dẫn tới chi phí giao hàng cao. Trong khi đó, trứng ăn liền có thể giao chậm thì sức bán cao hơn trứng tươi.
“TMĐT là kênh bán hàng rất quan trọng trong xu thế phát triển hiện nay. TMĐT giúp trứng tươi và trứng ăn liền của chúng tôi tiếp cận các khách hàng ở khắp mọi miền đất nước. Thuận lợi là ít bị ảnh hưởng bởi hàng nhập khẩu. Tuy nhiên khó khăn lớn lại nằm ở chi phí vận chuyển. Chi phí vận chuyển trứng tươi quá cao ảnh hưởng lớn tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Vĩnh Thành Đạt đang xây dựng nhà xưởng theo chuẩn FSSC để hướng tới xuất khẩu trứng ăn liền và trứng gà nhân đạo lỏng thanh trùng sang các nước như Nhật Bản và Hàn quốc” - ông Trương Chí Cường nói.
Là đơn vị bán lẻ lớn của Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, năm 2023 doanh số bán hàng trực tuyến của Saigon Co.op đạt gần 1.700 tỷ đồng, tăng trưởng 19,5% so cùng kỳ năm trước.
Theo ông Thắng, kết quả đạt được như vậy là vì Saigon Co.op đã tập trung xây dựng, chuẩn hóa quy trình vận hành, triển khai truyền thông, khuyến mãi thu hút khách hàng, phát triển e-voucher, thanh toán trực tuyến, gia tăng các dịch vụ và trải nghiệm khách hàng. Số lượng khách hàng đăng ký website và App đạt gần 190.000 tài khoản mới (tăng 130%), số lượng pageview của website ước đạt 18,9 triệu lượt, tăng 202%.
Tuy là con số ấn tượng so với cùng kỳ 2022, nhưng gần 1.700 tỷ đồng doanh số bán hàng trực tuyến cũng còn khá khiêm tốn trong tổng doanh số gần 30.000 tỷ đồng của đơn vị.
Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, phù hợp với xu hướng phát triển TMĐT
Cần bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trước gian lận trực tuyến
Ông Nguyễn Văn Thứ của GC Food cho rằng, bên cạnh những thuận lợi thì sự phát triển rất nhanh của TMĐT cũng chính là những thách thức lớn đối với doanh nghiệp.
Trong đó, nổi cộm là việc cạnh tranh không lành mạnh. Hàng hóa kém chất lượng, giá rẻ tràn lan trên các sàn TMĐT, được quảng bá quá mức mà không có sự kiểm soát. Điều này dẫn đến việc khách hàng dễ bị thu hút nhưng lại mua phải sản phẩm không đảm bảo, gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng và thị trường. Hàng giá rẻ tràn lan sẽ kéo theo áp lực về giá cả. Sản phẩm chất lượng thực sự đôi khi gặp khó khăn trong việc cạnh tranh về giá so với những sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhưng được đầu tư mạnh về quảng cáo.
Để tạo điều kiện phát triển bền vững và hiệu quả hơn, ông Thứ mong muốn Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, phù hợp với xu hướng phát triển TMĐT. Song song đó, cơ quan chức năng cần tăng cường đầu tư vào mạng Internet, hệ thống logistics và các nền tảng thanh toán online nhằm cải thiện tốc độ, tính ổn định và sự thuận tiện cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, cần bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trước gian lận trực tuyến. Cụ thể là tăng cường các biện pháp giám sát và xử lý hành vi gian lận trên sàn TMĐT, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp kinh doanh uy tín. Bên cậnh đó, ban hành chính sách nghiêm ngặt để kiểm soát chất lượng và tính chính xác của các thông tin quảng cáo, nhằm ngăn chặn tình trạng hàng hóa kém chất lượng nhưng được truyền thông quá mức, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính.
Theo ông Nguyễn Thế Sỹ Quý - Giám đốc marketing Vissan, sau đại dịch, thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng phát triển mạnh, tạo cơ hội lớn cho Vissan nói riêng và doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực mở rộng doanh thu từ TMĐT. TMĐT không chỉ là xu hướng mà còn là công cụ quan trọng giúp các doanh nghiệp khẳng định vị thế của mình.
Cơ hội lớn đồng thời với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nhiều thương hiệu thực phẩm tham gia sàn TMĐT với nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn, đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để cạnh tranh. Bên cạnh đó, là thách thức lớn trong việc duy trì chất lượng hàng hóa và dịch vụ giao nhận khi mở rộng quy mô hoạt động.
Ông Nguyễn Thế Sỹ Quý cũng cho rằng, để phát triển TMĐT thuận lợi hơn trong thời gian tới, cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý trong việc phát triển mạng lưới Internet và thanh toán số ở các khu vực nông thôn, cũng như có nguồn hỗ trợ tài chính. Cơ quan quản lý cần có các chính sách vay vốn ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và chuỗi cung ứng.
“Không thể bỏ quên việc tăng cường bảo vệ thương hiệu. Cụ thể cơ chế pháp lý chặt chẽ hơn để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử là việc làm vô cùng quan trọng” - ông Sỹ Quý nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Ngọc Huyền - Sáng lập viên Mia Fruit: Ngay từ đầu tôi đã tập trung vào bán online
TMĐT có vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của Mia Fruit. Ngay từ đầu, khi mới thành lập Mia Fruit, tôi đã định hướng và tập trung vào việc bán online thay vì bán trực tiếp.
Ngoài việc bán hàng online, tôi cũng đã xây dựng Bản đồ trái cây Việt Nam trên nền tảng TMĐT. Bản đồ trái cây Việt Nam này không phải bản đồ 2D, bản đồ trên giấy, mà là bản đồ công nghệ, bản đồ số hóa, nên khi sử dụng bằng bất cứ phương tiện điện tử nào như máy tính, điện thoại… đều có thể truy cập. Khi truy cập sẽ thấy được bức tranh toàn cảnh của trái cây Việt Nam, mỗi một địa phương có đặc sản gì, chỉ dẫn địa lý gì, vùng trồng như thế nào, sản lượng ra sao… đều sẽ hiện ra trên bản đồ.
Bà Nguyễn Thị Hải Quỳnh - sáng lập viên Sạp Hoa, quận 7, TP.HCM: Phụ thuộc vào buôn bán truyền thống rất dễ bị đào thải
Doanh nghiệp nhỏ Sạp Hoa có đến 70% lượng khách đến từ online, chỉ có 30% là khách trực tiếp đến cửa hàng, nên thương mại điện tử là vấn đề “sống còn”.
Không chỉ dừng lại ở các nền tảng cũ như Facebook, Instagram, ngày nay Sạp Hoa còn phải tự tạo áp lực cho mình nâng cấp để tham gia những nền tảng mới như Tik Tok vì nó phủ rộng số lượng khách hàng lớn, tiếp cận và thị hiếu số đông.
Không thể tưởng tượng được rằng có ngày một tiệm hoa lại livestream mỗi ngày trên nhiều nền tảng. Nhưng để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp bắt buộc phải thích nghi. Để phát triển không thể đứng ngoài TMĐT như trước kia được nữa. Nếu không thay đổi, không thức thời, không chào hàng qua Zalo, không kinh doanh trên Facebook, Instagram và Tik Tok, chỉ phụ thuộc vào buôn bán truyền thống thì rất dễ bị đào thải.