TP.HCM sẽ đẩy mạnh liên kết vùng, phối hợp sản xuất hàng xuất khẩu chuyển dịch đến các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế so sánh giữa thành phố và các tỉnh, thành phía Nam. Đặc biệt sẽ tái cơ cấu thị trường, tận dụng tốt cơ hội thị trường của các quốc gia đã ký kết FTA như EVFTA, CPTPP; chuyển hướng chiến lược xuất khẩu chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc.
Do là nơi tập trung nguồn hàng từ các tỉnh, thành đưa về để xuất khẩu; đồng thời là đầu mối nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn thành phố nói riêng và cả vùng Nam Bộ nói chung, vì vậy TP.HCM định hướng phát triển xuất khẩu theo hướng phát triển các loại hình dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như tài chính, logistics; phát triển xuất khẩu dịch vụ phần mềm, nội dung số.
Mục tiêu chung là trong giai đoạn 2021-2025 xuất khẩu hàng hóa của thành phố tăng bình quân 11%/năm, xuất khẩu dịch vụ tăng bình quân 15%/năm; giai đoạn 2026-2030 xuất khẩu hàng hóa tăng 10%/năm và xuất khẩu dịch vụ tăng 15%/năm.
Để đạt mục tiêu trên, TP.HCM có một số giải pháp như duy trì và hỗ trợ phát triển các sản phẩm có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng cao. Nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành xuất khẩu tiêu biểu theo hướng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; chuyển dịch dần sang những ngành có mức độ tinh vi và cơ hội đa dạng hóa cao. Hoàn thiện chiến lược phát triển cụm ngành logistics, chú trọng quy hoạch lại hệ thống cảng biển và cơ sở hạ tầng logistics, tăng cường kết nội giao thông đến vùng sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Sở Công Thương TP.HCM dự kiến sẽ thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại theo hướng tập trung vào những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh gắn với thị trường FTA. Cạnh đó là cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan bằng việc thực hiện giải pháp cắt giảm 50% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ; giảm 50% thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa…