Thông tin trên được đại diện UBND TP.HCM đưa ra tại Hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Con số này thấp nhất trong nhiều năm qua.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, có nhiều khó khăn, vướng mắc khiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2022 chưa nhiều so với các năm trước đây. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021, việc tái khởi động thi công các dự án các tháng đầu năm 2022 có độ trễ nhất định sau thời gian Thành phố thực hiện ứng phó dịch bệnh, chi phí đầu vào không ổn định và có xu hướng tăng... khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như dịch bệnh Covid-19, giá nguyên vật liệu đầu vào, chuỗi cung ứng, thị trường tiêu thụ, khó khăn vướng mắc về thực hiện các quy định về đầu tư công, về sử dụng vốn ODA..., các nguyên nhân chủ quan như các khó khăn liên quan công tác giải phóng mặt bằng, cần phải có thời gian thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án muộn hơn so với cùng kỳ... cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các cơ quan, đơn vị.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, UBND TP.HCM đã ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Theo đó, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp mang tính thường xuyên, đặc thù của công tác giải ngân vốn đầu tư công cho các cơ quan thực hiện, đảm bảo tối đa việc hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công của Thành phố.
Lãnh đạo Thành phố xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022 của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp.
Phó bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ mong Thành phố tăng cường đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công |
Vì vậy, lãnh đạo Thành phố chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.
Song song đó, lãnh đạo Thành phố cũng chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức, các chủ đầu tư hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị mình; đôn đốc các nhà thầu thực hiện nghiêm quy định về thanh toán, quyết toán giá trị công trình và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND Thành phố về việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn và báo cáo ngay với UBND Thành phố tình trạng các nhà thầu triển khai chậm trễ, không đảm bảo năng lực, chất lượng, tiến độ, không thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán vốn đầu tư theo quy định.
Cần phải tổ chức rà soát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công định kỳ hàng tháng để đánh giá kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công, lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị để đảm bảo dự án triển khai đúng thời gian, không để xảy ra tình trạng “ngâm” vốn phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.
Tăng cường cải tiến hệ thống quản lý đầu tư công, bổ sung và tích hợp các tính năng giám sát tiến độ thực hiện dự án, liên thông với các cơ quan quản lý tài chính như Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Thành phố để cập nhật kịp thời kết quả giải ngân vốn đầu tư công.
Phát biểu tại hội nghị, Phó bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cũng cho rằng giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM quá thấp. Bà đề nghị Thành phố tăng cường đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn cho các dự án đầu tư công để phát triển Thành phố.
“Rất vui mừng khi Quốc hội thông qua dự án Vành đai 3 nhưng chúng ta còn nợ nhân dân dự án Vành đai 2. Tôi mong thành phố quyết liệt thực hiện các dự án này”, bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.