Ảnh minh họa |
Ngày 24/1/2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nghị quyết này là cơ sở pháp lý để TP.HCM tạo ra cơ chế phát huy nội lực và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó có cơ chế đấu thầu những công trình đầu tư công.
Thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của Bộ Chính trị, ngày 20/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 494/CT-TTg về việc sử dụng vật tư, hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước trong đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.
Luật Đấu thầu có những quy định đột phá trong các nội dung hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước khi tham gia đấu thầu.
Có thể thấy sau gần 8 năm thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg, việc tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được trong đầu tư công tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đã đạt những kết quả khả quan, qua đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần giảm nhập siêu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và Chỉ thị 494/CT-TTg vẫn còn một số vướng mắc, dẫn tới việc sử dụng vật tư, hàng hóa trong nước trong đấu thầu còn những bất cập.
Kế hoạch đầu tư công năm 2018 của TP.HCM gần 40.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 843 tỷ đồng, vốn ODA 2.864 tỷ đồng, vốn ngân sách thành phố 36.165 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Xuân Hàn - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, mặt dù triển khai Chỉ thị 494/CT-TTg bước đầu đã thay đổi nhận thức của các chủ đầu tư, đặc biệt trong các đơn vị sử dụng vốn nhà nước, nhưng có nhiều nguyên nhân mà kết quả thực hiện không như mong muốn. Khi đi vào các dự án cụ thể, nhiều tư vấn mời thầu, chủ đầu tư vẫn coi nhẹ các quy định của pháp luật, nhiều dự án doanh nghiệp Việt Nam phải đứng ngoài hoặc chỉ là thầu phụ ngay trên đất nước mình.
Ông Trần Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu cho biết thêm, quy định của pháp luật thì đã rõ, nhưng chủ đầu tư các công trình công đưa ra nhiều điều kiện làm khó doanh nghiệp trong nước khi tham gia đấu thầu, như quy định tiêu chuẩn hàng xuất xứ từ các nước G7 thay vì đưa ra tiêu chuẩn hàng hóa, hoặc không chia nhỏ gói thầu theo quy định để doanh nghiệp nội có thể tham gia.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đủ khả năng thực hiện các dự án liên quan đến phần mềm. Vì thế UBND TP.HCM nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội tham gia Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 vừa được thông qua.
Theo ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí điện TP.HCM, các doanh nghiệp ngành cơ khí điện có thể chế tạo được nhiều phụ tùng, linh kiện chất lượng cao, đã xuất khẩu phụ tùng sang các nước phát triển. Do vậy khi lập, đàm phán dự án, lãnh đạo TP.HCM nên chủ động đề nghị tỷ lệ hàng nội địa cụ thể, đặc biệt là các dự án lớn có vốn ODA để doanh nghiệp tham gia.
Ý kiến chung của doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, do vậy sẽ đem lại cho TP.HCM nhiều cơ hội cũng như không ít thách thức, đặc biệt là khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong ngành công nghiệp hỗ trợ và chế tạo. Nghị quyết 54 của Quốc hội là cơ sở pháp lý để Thành phố hỗ trợ và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế nội lực.
Ông Nguyễn Xuân Hàn kiến nghị, trên cơ sở Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và Chỉ thị 494/CT-TTg, TP.HCM nên tận dụng Nghị quyết 54 để tạo cơ chế đột phá cho doanh nghiệp tham gia các công trình đầu tư công. Ông tin tưởng rằng, nếu doanh nghiệp tham gia được nhiều công trình đầu tư công, Thành phố sẽ có nhiều công ty mang tầm cỡ thế giới trong vài thập kỷ tới.