Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày vừa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cơ cấu lại và làm dịu gánh nặng về nợ của Hy Lạp để thể chế này có thể tham gia vào gói cứu trợ tài chính trị giá 86 tỷ euro (94 tỷ USD) mà các chủ nợ châu Âu cam kết dành cho Athens.
Phát biểu trên đài phát thanh của Pháp, Tổng giám đốc Lagarde đặt câu hỏi liệu thỏa thuận cứu trợ mới đạt được giữa Athens và các chủ nợ quốc tế tại Brussels (Bỉ) có thể cải thiện tình hình tài chính của Hy Lạp hay không, nếu không thực hiện tái cơ cấu “núi nợ” của Athens. Và câu trả lời được đưa ra là “Không”.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo này cũng nói thêm rằng các đối tác châu Âu mới chỉ thông qua nguyên tắc giảm nợ cho Hy Lạp chứ chưa đề cập đến số tiền và phương thức thực hiện và IMF cần một chương trình hoàn chỉnh để quyết định có tham gia vào gói cứu trợ hay không.
Theo quan điểm của thể chế này, chương trình tái cơ cấu nợ Hy Lạp sẽ bao gồm hai phần. Phần thứ nhất, Hy Lạp sẽ phải thực hiện những cải cách cơ bản để "giải phóng" nền kinh tế, đồng thời tạo điều kiện cho tăng trưởng. Phần thứ hai bao gồm việc vừa phải cung cấp nguồn tài chính vừa thực hiện tái cơ cấu nợ để giảm núi nợ (của Xứ sở các vị Thần).
Tổng giám đốc Lagarde cũng cho ủng hộ việc gia hạn thời gian thanh toán các khoản nợ cho Hy Lạp và kéo dài thời gian ân hạn cho nước này, mà trong khoảng thời gian đó Athens sẽ không có nghĩa vụ phải thanh toán nợ. Đồng thời, số lãi phải trả của Hy Lạp cũng nên được giảm xuống mức thấp nhất có thể.
Trước đó, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua dự luật về những biện pháp cải cách khắc nghiệt theo yêu cầu của các chủ nợ, bước đầu tiên mà nước này cần thực hiện trước khi bắt đầu các cuộc thương lượng về gói cứu trợ mới trị giá 86 tỷ euro (94 tỷ USD).
Tuy nhiên, đó mới chỉ là thành công bước đầu, khó khăn vẫn còn ở trước mắt khi Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 17/7 nhận định thỏa thuận cứu trợ tài chính thứ ba của Hy Lạp là “khó khăn” cho tất cả các bên.
>IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
>Hy Lạp: Sẽ không trả nợ cho IMF đúng hạn