Tôi là người chịu lắng nghe

LỮ Ý NHI thực hiện| 08/12/2010 04:02

Nhiều năm trước, tôi không hề ý thức việc xây dựng văn hóa công ty mà chỉ nghĩ kinh doanh là làm sao có nhiều lợi nhuận. Nhưng sau thất bại trong việc dùng người đã giúp tôi có cái nhìn khác. Tôi hiểu ra, kinh doanh không chỉ tập trung đến doanh thu, lợi nhuận mà trước hết phải quan tâm đến con người".

Tôi là người chịu lắng nghe

Mười bốn năm hoạt động trong lĩnh vực cung ứng, sản xuất hóa chất, thuốc nhuộm cho ngành dệt vải, in hoa, nhuộm vải và wash (giặt mài), Tân Châu đã gầy dựng được uy tín đối với nhiều doanh nghiệp trong ngành, nhưng mỗi lần nhắc đến Công ty, ông Chung Văn Đạt không nói đến những bằng khen, những thành quả đạt được mà chỉ tự hào về văn hóa công ty và khẳng định, đó là nền tảng cho thành công của Tân Châu.

* Văn hóa công ty, nói như ông, nó đã mang lại thành công cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, xây dựng được văn hóa công ty không dễ. Ông có thể chia sẻ đôi chút thành công của mình trong việc này?

- Nhiều năm trước, tôi không hề ý thức việc xây dựng văn hóa công ty mà chỉ nghĩ kinh doanh là làm sao có nhiều lợi nhuận. Nhưng sau thất bại trong việc dùng người đã giúp tôi có cái nhìn khác. Tôi hiểu ra, kinh doanh không chỉ tập trung đến doanh thu, lợi nhuận mà trước hết phải quan tâm đến con người.

Tôi đưa ra nhiều cách đổi mới Công ty, trước hết là cam kết tăng lương 2 lần/năm cho nhân viên, tổ chức nhiều đợt sinh hoạt tập thể, nghỉ mát hằng năm cho nhân viên, nâng cấp đội ngũ bằng các cuộc tọa đàm, hội thảo, cử người đi học nâng cao kiến thức và chuyên môn, tạo điều kiện cho nhân tố mới phát triển, chia sẻ với nhân viên những thành công, hướng đi của công ty để họ an tâm thấy được sự thăng tiến.

Đặc biệt, xây dựng không khí, môi trường làm việc thoải mái, coi Tân Châu như ngôi nhà thứ hai để mọi người không bị áp lực làm việc cho công ty mà như làm cho chính mình.

* Nói như vậy, văn hóa công ty là do người lãnh đạo đặt ra và bắt mọi người thực hiện, như vậy có áp đặt không, thưa ông?

 Theo tôi, xây dựng văn hóa công ty không phải bằng những quy định bắt buộc, mà trước hết phải bằng cái tâm của người lãnh đạo. Nó chính là triết lý kinh doanh, và muốn nó thấm nhuần trong nhân viên, thì trước hết triết lý đó phải cao hơn ước muốn kiếm tiền và mình phải là người kiên định thực hiện, phải làm gương, làm sao để nhân viên tự nguyện theo quy định chung với sự thoải mái, đồng lòng.

* Ngoài bài học kinh nghiệm phải lo cho con người, ông còn rút ra bài học gì về quản lý nữa không?

- Trước đây tôi từng là giáo viên dạy môn hóa cấp 2, vì cuộc sống đưa đẩy, tôi trải qua nhiều nghề để kiếm sống. Sau khi nghỉ dạy học và thôi làm công nhân ở xí nghiệp sản xuất giấy, một đứa em bày vẽ cho tôi đi bán hóa chất nhuộm, chỉ cho tôi mối lái và nói nhỏ: “Nếu anh chịu khó, nghề này cũng kiếm cơm kha khá vì ít ai làm”.

Lúc đó, tôi không có vốn, phải đem hộ khẩu cầm cố để lấy tiền mua hàng. Tuy cũng lai rai qua ngày nhưng thấy cách buôn bán này chỉ là cò con, vì vậy tôi xin làm nhân viên bán hàng cho một công ty hóa chất của Đài Loan.

Thời điểm này buôn bán hóa chất được coi là “ăn nên làm ra” nên sau khi lập gia đình, bà xã tôi động viên nên mở công ty riêng, và tôi mạnh dạn thành lập Công ty Tân Châu vào năm 1996, lúc đầu chỉ nhận làm đại lý phân phối các sản phẩm hóa chất của Bayer/LanXess (Đức) và Kisco (Hàn Quốc).

Khi bước vào kinh doanh, tôi chỉ biết tập trung vào việc phát triển doanh thu, sau khi công việc ổn định, tôi lại lo chạy vòng ngoài và tập trung vào các dự án kinh doanh, và lo làm từ thiện.

Toàn bộ việc điều hành, quản lý nhân viên, công ty tôi giao hết cho phó giám đốc. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, anh ta mở công ty riêng và kéo hết nhân viên giỏi của tôi về làm việc với mình. Lúc đó, tôi choáng váng và suy sụp, cay đắng nhất là niềm tin vào con người đã không đặt đúng chỗ.

Và bài học quản lý tôi rút ra là người lãnh đạo, dù vẫn phải giao việc, tin tưởng nhân viên nhưng không thể buông lỏng quản lý mà phải luôn kiểm tra, sâu sát và luôn đi cùng với nhân viên để hiểu được nguyện vọng, suy nghĩ của họ, kịp thời uốn nắn, động viên họ. Trong cách dụng người cũng phải thận trọng hơn, không nên giao hết quyền lực cho một người.

* Nhiều người đánh giá thành công của ông là do sự nhạy bén, có tầm nhìn xa, ông thấy thế nào?

Trong chuyến thăm Trung tâm cai nghiện ở Bình Phước

- Khi bước vào kinh doanh, tôi chẳng có kinh nghiệm gì và chẳng được trang bị chút kiến thức nào về kinh doanh, cứ làm, đến đâu rút kinh nghiệm đến đó.

Vì vậy khi nói đến “tầm nhìn”, tôi thấy lớn lao quá. Tuy nhiên, kinh doanh cũng cần có chút năng khiếu và năng khiếu đó chính là sự nhạy cảm với thị trường để có định hướng xa.

Chẳng hạn, khi nắm bắt được nhu cầu và xu hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam, nhìn lại lĩnh vực sản xuất phụ liệu chưa phát triển tương xứng, nhất là phần lớn hoá chất dùng cho ngành này đều phải nhập khẩu, tôi đã đưa ra một quyết định táo bạo là chuyển dần từ thương mại (nhà phân phối) sang nhà sản xuất hóa chất nhuộm vải.

Để biến ý tưởng thành hiện thực, tôi đã cử các kỹ thuật viên ra nước ngoài học tập công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại của Tập đoàn Bayer/LanXess rồi cải tiến cho phù hợp với điều kiện sản xuất ở Việt Nam.

Sở dĩ tôi nói đến việc cải tiến vì ngành dệt nhuộm của Việt Nam còn lạc hậu về máy móc, công nghệ, việc sử dụng hóa chất ngoại nhập đôi lúc không tương thích với công nghệ cũ nên chất lượng không cao, lại lãng phí. Chính vì nắm được điểm yếu này mà tôi đã sản xuất những nguyên liệu phù hợp với từng loại thiết bị, từng doanh nghiệp.

Từ sản xuất, tôi chăm sóc khách hàng tốt hơn, hỗ trợ họ về khâu kỹ thuật tốt hơn. Chính điều đó đã làm nên thành công của Tân Châu.

Niềm tự hào lớn nhất của tôi bây giờ là Tân Châu đã trở thành một công ty hàng đầu Việt Nam về cung cấp thuốc nhuộm, sản xuất và phân phối hơn 300 loại hoá chất cho ngành dệt nhuộm, là nhà cung cấp hóa chất cho các công ty dệt nhuộm hàng đầu Việt Nam như Dệt May Thành Công, Dệt May Hà Nội, Dệt Nam Định, Dệt kim Đông Phương, Dệt Phước Thịnh, Dệt Thái Tuấn, Dệt Phước Long... và một số công ty nước ngoài như Esquel, Deuck Woo, Epic Designer...

* Từ một thanh niên đạp xe đi giao từng thùng hóa chất đến một giám đốc luôn thận trọng trong từng cử chỉ, tác phong và lãnh đạo cả trăm nhân viên, bản thân ông có cảm nhận sự thay đổi của chính mình?

Dã ngoại cùng nhân viên

- Mười bốn năm vào nghiệp kinh doanh, tôi thấy mình lớn lên rất nhiều và thay đổi lớn nhất là cách suy nghĩ, biết kiềm chế bản thân và chừng mực trong mọi ứng xử, thậm chí chọn bạn để chơi cũng thận trọng hơn.

Nói tóm lại, tôi thay đổi rất nhiều nhưng có một điều không thay đổi là vẫn sống giản dị, dễ hòa nhập và hết lòng với anh em trong công việc cũng như mọi cuộc chơi.

* Nghe nói ông ít khen nhân viên vì trong các cuộc họp, chỉ thích nghe những điều chưa tốt để phê bình, uốn nắn. Liệu điều này có mâu thuẫn với cam kết tạo môi trường làm việc thoải mái của Tân Châu?

 Đúng là tôi không thích nghe những lời khen mà chỉ thích nghe phê bình, thích nghe điều chưa tốt. Trong các cuộc họp tôi cũng thường phê phán những cái không tốt và chỉ dành lời khen cho nhân viên vào cuối năm.

Tôi làm điều đó là để cho mọi người luôn phấn đấu, học hỏi những điều tốt hơn nữa, và quan trọng là không muốn cho cấp quản lý, điều hành quan liêu, ngủ quên trong thành quả.

Tôi không bao giờ phê phán theo kiểu chỉ trích, la mắng mà là góp ý xây dựng, luôn mở cho nhân viên hướng đi để họ biết phải làm gì, phải phấn đấu ra sao cho hòa hợp với văn hóa công ty.

* Sau sự cố “mất người”, nghe nói ông đã thu phục được nhiều người giỏi rất gắn bó với công ty. Ông có thể chia sẻ “bí quyết” này?

- Không có bí quyết gì cả ngoài cái tâm của tôi, đã hứa gì thì làm đúng và phải đảm bảo uy tín với khách hàng và nhân viên. Có lẽ cũng do tôi từng làm giáo viên nên còn có một ưu điểm là sự rộng lòng và khả năng chịu nghe, biết phân tích, phán đoán mọi trục trặc xảy ra, kể cả tâm lý con người. Tôi quan niệm, muốn dùng người phải hiểu người và để hiểu thì phải biết lắng nghe, phân tích được bản chất vấn đề.

* Quan điểm kinh doanh của ông là kiên định đi theo hướng đã chọn, nhưng ông lại vươn ra nhiều lĩnh vực khác, và thực tế đã thua lỗ khi đầu tư vào hai xưởng may ở TP.HCM và Bình Dương. Ông có thể cho biết vì sao không?

- Trong kinh doanh, tôi vẫn kiên định đi theo đúng hướng mình đã chọn, vì vậy ngay cả lúc khó khăn nhất của nền kinh tế, khi người ta đổ xô vào chứng khoán, bất động sản, tôi vẫn trung thành với lĩnh vực hóa chất nhuộm.

Tuy nhiên, kinh doanh cũng cần có mạo hiểm và cũng không nên cho tất cả trứng vào một rổ. Sở dĩ tôi chọn đầu tư thêm vào hai xưởng may sản phẩm xuất khẩu là vừa để kinh doanh vừa để giúp học viên cai nghiện ma túy có việc làm sau khi trở về cộng đồng. Sau một thời gian hoạt động, vì không thuộc sở trường nên không có hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, về mặt xã hội thì tôi đã làm được một việc có ý nghĩa. Hiện nay, tôi đã tặng lại xưởng may cho Trung tâm Cai nghiện ma túy Bình Phước.

* Nhưng ông còn đầu tư vào lĩnh vực đá quý?

- Như đã nói, bên cạnh ngành chủ lực, nếu phát hiện ra “thị trường xanh” thì vẫn nên đầu tư. Nhiều người nói tôi mạo hiểm và tôi cũng thấy đầu tư vào đây thì trước mắt chín phần thua, một phần thắng. Tuy nhiên, tôi vẫn làm vì nhìn thấy tiềm năng.

* Nghe nói ông còn giảm stress bằng việc đóng phim?

- Tôi đóng phim là để được vui. Qua mỗi lần đóng phim, đi xa, tôi biết thêm nhiều vùng miền của đất nước, rất thú vị. Dự định của tôi cũng sẽ đầu tư vào nghệ thuật. Đó cũng là đích mà tôi muốn đạt tới.

* Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ông có kiến nghị gì không, thưa ông?

- Một hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam là chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân trước mắt, trong kinh doanh ít đồng lòng, thậm chí còn nói xấu nhau để giành khách hàng.

Một buổi họp ở công ty

Vì vậy, nó làm cho đất nước, làm cho ngành nghề không phát triển mạnh được. Tôi đề nghị Nhà nước khuyến khích doanh nhân tham gia hiệp hội ngành nghề và những hiệp hội đó có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước nhà.

Chẳng hạn như ở Mỹ, một hiệp hội nào đó lên tiếng là chính phủ phải lắng nghe và coi lại một đạo luật kinh tế đã được ban hành.

Hay như ở Thái Lan, những ai muốn kinh doanh du lịch thì phải vào Hiệp hội Du lịch Quốc gia, nơi đây điều hòa mọi trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức du lịch. Nhà nước cũng nên tạo sân chơi bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.

Trong các chiến lược phát triển kinh tế, Nhà nước nên tham khảo ý kiến các hiệp hội ngành nghề, các doanh nhân để có cái nhìn thực tế.

* Ở tuổi ông, nhất là khi công ty đã ổn định, nhiều doanh nhân đã nghĩ đến chuyện an nhàn, nhưng xem ra ông còn muốn dấn thân?

 Cũng có lúc tôi mệt mỏi nhưng nghỉ ngơi xong, thấy khỏe, lại nảy ra ý tưởng mới. Kinh doanh là vậy, khi có một đồng thì muốn có hai đồng, khi có cơ hội mà bỏ qua thì lại tiếc. Song, mục đích cuối cùng của tôi cũng chỉ vì trách nhiệm với công ty, với thương hiệu và với nhân viên của mình.

* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tôi là người chịu lắng nghe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO