Quy hoạch thành phố theo hướng đô thị sông nước
Theo bà Đặng Thục Trang – Giám đốc Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam tại TP.HCM, trước giờ báo chí nói quá nhiều về việc xanh hóa các dòng kênh tại TP.HCM, tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp ngắn hạn. Sau khi các chương trình, dự án xanh hóa các dòng kênh kết thúc, nhiều kênh bị ô nhiễm trở lại. Vì thế, điều quan trọng là phải có một tầm nhìn và quy hoạch dài hạn để các kênh rạch ở TP.HCM có đời sống riêng và được coi là di sản đô thị.
“Trước tiên, phải khảo sát toàn bộ các kênh rạch tại TP.HCM, xem những kênh rạch nào có thể quy hoạch để phát triển theo hướng di sản sinh thái, du lịch. Cần xác định cái lõi, đích đến của hệ thống kênh rạch tại thành phố là gì, ví dụ như thành phố hiện tắc đường nhiều thì có thể coi kênh rạch có sứ mệnh giao thông bổ trợ hay không?”, bà Trang nêu vấn đề.
Trong việc quy hoạch cụ thể, theo bà Trang cần mời các kiến trúc sư có tầm nhìn, am hiểu giao thông, đô thị, lịch sử, văn hóa thành phố, đặc biệt là phải hiểu tập quán của người dân sống quanh kênh, trên cơ sở đó nghiên cứu, khảo sát và đưa ra phương án quy hoạch phù hợp.
“Quan trọng phải khảo sát từng khu vực, như quanh sông Sài Gòn thế nào, khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đường Hoàng Sa – Trường Sa ra sao, khu vực Bến Nghé hiện trạng như thế nào. Nơi nào có thể phát triển theo hướng du lịch, khu vực nào có thể kết nối xe buýt hay thuyền trên sông? Mỗi khu vực có kết quả khảo sát khác nhau thì việc quy hoạch cũng phải khác nhau. Những thành phố có văn hóa lớn nổi tiếng trên thế giới đều gắn bó với dòng sông và họ rất quan tâm tới việc quy hoạch, phát triển đôi bờ. Tôi đã từng đến thăm và rất ấn tượng với hệ thống kênh đào Canal des Deux Mers ở Pháp nối liền sông Garonne với biển Địa Trung Hải hay hệ thống kênh đào Amsterdam (Hà Lan). Gần hơn nữa thì có Thái Lan hay như Hội An cũng phát triển hệ thống kênh rạch khá tốt. Chúng ta có thể học hỏi họ điều này nhưng không thể bê nguyên kết quả của họ sang, phải tùy từng điều kiện, thực trạng mặt nước để nghiên cứu”, bà Trang cho biết.
Theo TS.KTS Ngô Minh Hùng - Viện trưởng Viện nghiên cứu di sản văn hóa và phát triển Trường Đại học Văn Lang, để xanh hóa và làm sạch các dòng kênh tại TP.HCM, việc quan trọng nhất là thành phố phải xác định rõ mục tiêu và tầm nhìn chiến lược, khung kế hoạch, thời gian và lộ trình (ngắn hạn đến năm 2025, trung hạn tới năm 2030, dài hạn đến năm 2045 và sau năm 2045). Trên cơ sở đó, thành phố sớm công bố rộng rãi các chương trình hành động cụ thể để các cơ quan, sở ban ngành và người dân cùng thực hiện.
Kênh đen được xanh hóa là nỗ lực của lãnh đạo TP.HCM |
KTS Ngô Minh Hùng đề xuất, cần định vị và xây dựng mô hình thành phố phát triển theo hướng đô thị sông nước, sinh thái, trung hòa carbon, hệ thống sông, kênh, rạch xanh làm gia tăng nét đặc trưng bản địa, xứng tầm với thành phố đang trên đà trở thành thành phố có vị thế trên thế giới và trong khu vực. Bên cạnh đó là quyết tâm của lãnh đạo thành phố, các nhà quản lý đô thị trong việc hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn chiến lược để xanh hóa các không gian hệ thống kênh rạch nội và ngoại thị.
Thực hiện tầm nhìn trên, cần thành lập quỹ, xã hội hóa nguồn lực nhằm hỗ trợ các chương trình xanh hóa không gian kênh rạch gắn với các đô thị, nhất là các dự án đảm bảo cảnh quan đa dạng, phong phú, môi trường trong lành, vệ sinh sạch đẹp, quản lý chất lượng nước. Khuyến khích các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới, sáng tạo nhằm kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiêm kênh rạch.
Trong đó, vai trò, sự tham gia, chung tay của cộng đồng trong việc ủng hộ chủ trương, chính sách, chương trình của Nhà nước làm xanh, sạch và đẹp dòng sông Sài Gòn và hệ kênh rạch là vô cùng quan trọng. Hoạt động này rất cần định hướng của cơ quan quản lý và được hoạch định một cách tổng thể qua các chương trình, hành động thích hợp với từng khu vực thành thị.
“Việc thực hiện quỹ, xã hội hóa cần vai trò “đầu tàu” của Nhà nước. Ban đầu, Nhà nước nên dành một khoản ngân sách để lập quỹ. Sau đó, kêu gọi người dân tiếp tục ủng hộ tiền để phát triển quỹ. Các doanh nghiệp (DN) có thể tham gia nhưng phải cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận và hướng tới cộng đồng. Từng có trường hợp, các DN tham gia dự án, sau khi thực hiện, họ biến khu vưc đó thành của riêng, chỉ phục vụ cho mục đích lợi nhuận. Như vậy không phải là hướng tới cộng đồng”, ông Hùng nhận định.
Phát triển các tuyến đi bộ, tạo bản sắc riêng cho cuộc sống người dân ven kênh
Là người có 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ, từng tư vấn thiết kế quy hoạch phố Đông và phố Tây Thượng Hải, Trung Quốc, TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn rất tâm huyết với vấn đề phát triển, chỉnh trang các dòng kênh tại TP.HCM. Ông cho biết, TP.HCM ngay từ đầu đã là một đô thị sông nước, nhưng đến nay đô thị vẫn “đang ngủ”. Vì thế, đã đến lúc bản sắc đô thị sông nước của TP.HCM cần được đánh thức để phát triển xứng tầm.
Nói về việc quy hoạch các con kênh tại TP.HCM, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, phải đặc biệt quan tâm đến tuyến phố hai bên kênh vì bấy lâu nó đang phát triển theo hướng tự phát.
“Cần quy hoạch tuyến phố hai bên kênh, phát triển theo hướng du lịch. Phải tính đến bãi đỗ xe, quy hoạch lại vỉa hè, có chỗ đi bộ cho người dân, chỗ còn lại cho người ta buôn bán, có chỗ ngồi thư giãn, có mái che. Có thể quy hoạch theo hướng tuyến phố đa chức năng, tầng dưới phục vụ thương mại, tầng trên ăn uống, giải trí, ban đêm có đèn, bảng hiệu quy củ. Đồng thời, phát triển tuyến giao thông trên kênh bằng thuyền, đưa khách đi dạo ngắm vẻ đẹp hai bên kênh. TP.HCM đang “bội thực” nhà cao tầng, thiếu không gian xanh, chỉnh trang lại dòng kênh ven sông sẽ giúp thành phố có diện tích không gian xanh lớn. Khi có quy hoạch bài bản, các nhà đầu tư nhìn thấy lợi ích, họ sẵn sàng vào đầu tư. Khi đó chúng ta có thể kêu gọi vốn theo hướng công tư kết hợp”, ông Sơn chia sẻ.
Phát triển TP.HCM theo hướng đô thị sông nước, theo ông Ngô Viết Nam Sơn, cần chú ý đến bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa của khu vực này để quy hoạch cho phù hợp. “Khi chúng tôi quy hoạch, chỉnh trang lại Thượng Hải, khu ven kênh rạch rất hấp dẫn khách du lịch, những dòng kênh này có bề dày lịch sử, có cây cầu nổi đẹp, người dân sống lâu tạo nên nét bản sắc của địa phương. Vì thế, chúng tôi quyết định giữ lại, quy hoạch bài bản, chỉnh trang và trở thành dòng kênh sạch, thu hút khách du lịch. TP.HCM có thể tham khảo điều này”, ông Sơn cho biết.
Về cuộc sống của những người dân sinh sống xung quanh các con kênh tại TP.HCM, ông Sơn cho rằng, với những dân sinh sống bất hợp pháp, phải di dời để trả lại môi trường xanh, sạch cho các dòng kênh. Với những người này, phải có chính sách tái định cư phù hợp, ổn định cuộc sống cho họ. Còn với những người đã sinh sống lâu dài, hợp pháp thì cần bố trí việc làm cho họ dựa vào chính những tài nguyên ven kênh. “Khi chúng ta quy hoạch, phát triển tuyến phố hai bên kênh trở nên hấp dẫn, có bản sắc riêng so với những con phố khác, thu hút khách du lịch, đem lại lợi nhuận cho người dân sinh sống xung quanh thì họ sẽ tự có ý thức giữ gìn, bảo vệ “nồi cơm” của mình”, ông Sơn nhấn mạnh.
Bà Đặng Thục Trang cũng chia sẻ: “Chúng tôi đã từng quy hoạch cho người dân làng chài Nhơn Lý (Bình Định), tất cả phải làm từng bước, không thể dẹp ngay được. Với những người buôn thúng bán bưng, nếu làm tốt có thể tạo được một nét văn hóa thú vị, hấp dẫn du khách. Ngoài ra, khi quy hoạch các con kênh theo hướng du lịch, xung quanh xây kè, công viên, cuộc sống của những người dân xung quanh kênh sẽ trở nên “có giá”. Trước đây, người ta lấp kênh để làm nhà hướng mặt ra phố, nhưng ngày nay, người ta lại làm nhà hướng mặt ra sông, suối, kênh, rạch để có cảnh đẹp. Ai chẳng mong muốn hàng ngày đi dạo, ngắm làn gió mát dịu từ những con kênh xanh, sạch, đẹp, quan trọng là phải có tầm nhìn và vốn để thực hiện các quy hoạch đó”, bà Trang chia sẻ.
(Bài 3: Xanh hóa kênh đen: Một số giải pháp )