Từ 30/7, vận chuyển hàng hóa sẽ không còn ách tắc

Ý Nhi| 30/07/2021 06:30

Chiều 29/7, Văn phòng Chính phủ ra công văn số 5187/VPCP-CN tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch bệnh Covid-19, áp dụng từ ngày 30/7.

Từ 30/7, vận chuyển hàng hóa sẽ không còn ách tắc

Mặc dù công văn số 1015/TTg-CN ban hành ngày 25/7 quy định việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19 đã ghi rõ: "Không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán Giấy nhận diện có mã QR Code của ngành Giao thông Vận tải) trên các tuyến đường", thế nhưng trên thực tế, nông sản, rau củ từ miền Tây, Đà Lạt... vẫn bị ứ đọng, thậm chí phải đổ bỏ trong khi TP.HCM bị thiếu hàng cục bộ, giá đội lên từng ngày.

Ở một số tỉnh như Khánh Hòa, Sóc Trăng, Đồng Tháp... các mặt hàng bánh mì, sữa tươi, các loại nước đóng chai bị cấm lưu thông chỉ vì hiểu sai lệch hàng hóa thiết yếu. Bên cạnh đó, hệ thống đăng ký QR code trên trang web của Bộ GTVT thường bị trục trặc. 

Những ách tắc trên đường vận chuyển 

Là DN cung ứng bao bì cho các DN sản xuất hàng thiết yếu, trong đó có thực phẩm, bà Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty New Toyo cho biết: “Sáng 28/7, tại các chốt kiểm tra liên phường TP. Thủ Đức, nhóm kiểm soát tại đây đã cho xe của Công ty New Toyo đi giao hàng, nhưng buổi chiều, cũng xe đó thì nhóm khác thay ca lại không cho xe vào bãi, bắt buộc phải có mã QR code. Trong khi Bộ GTVT đã có văn bản tháo gỡ khó khăn cho DN vận chuyển hàng thiết yếu chưa đăng ký được mã QR code, vì việc đăng ký QR Code mấy ngày qua tại Bộ này đang bị trục trặc”.

Tương tự, khi Công ty PVMilk chở nguyên liệu sản xuất sữa từ Đà Lạt về Sóc Trăng thì suôn sẻ nhưng từ Sóc Trăng vào TP.HCM thì lại bắt buộc phải có mã QR Code, trong khi hệ thống đăng ký mã QR Code chưa kết nối được.

Khó khăn trong vận chuyển cũng xảy ra với công ty sản xuất thịt đóng vỉ MEATDeli khi phải điều chuyển nguồn cung thịt tươi từ các trang trại ở Nghệ An vào TP.HCM và ngược lại. Đại diện công ty than thở tại một số tỉnh thành yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm PCR nhưng chỉ có hiệu lực trong 3 ngày, khiến tài xế  đi từ Nghệ An vào TP.HCM phải xét nghiệm liên tục, chi phí phát sinh và việc giao hàng cũng bị chậm. 

Không chỉ đăng ký mã QR Code bị trục trặc, nhiều DN còn bị hạn chế số lượng xe. Đơn cử như  New Toyo có 10 chiếc xe chở hàng thì chỉ có 3 xe được cấp QR Code, còn Công ty Nhựa Duy Tân có gần trăm chiếc xe thì chỉ được cấp mã cho 8 chiếc.

Chưa kể, quy định tại các địa phương không thống nhất, nơi thì yêu cầu tài xế cứ 3 ngày phải có xét nghiệm CPR/lần, nơi thì 7 ngày. Mới đây, lại có trạm yêu cầu giấy xét nghiệm trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Hay cùng một cung đường vận chuyển nhưng tại tỉnh Bình Dương, chốt kiểm dịch Cầu 110 yêu cầu qua chốt phải đổi tài xế, các chốt còn lại từ Daklak, Dak Nông, Bình Phước, Bình Dương thì yêu cầu tài xế có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 tiếng đồng hồ...

Theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, việc yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với các tài xế vận chuyển hàng hóa chỉ trong vòng 72 tiếng đồng hồ hoặc yêu cầu tài xế phải thực hiện cách ly, đổi tài xế trong quá trình vận chuyển… cộng với quy định không thống nhất giữa các địa phương đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải ít nhất 100 tỷ đồng/ngày.

Trước thực tế mỗi địa phương hiểu quy định “hàng hóa thiết yếu” một cách khác nhau khiến việc lưu thông vận chuyển hàng hóa bị ách tắc, Bộ Công Thương vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục "hàng hoá cấm lưu thông" thay cho quy định "hàng hoá thiết yếu". Theo đó, các DN chỉ cần tham chiếu các danh mục hàng hóa cấm lưu thông theo luật, còn các hàng hóa không nằm trong danh mục này sẽ được cấp thẻ xanh để lưu thông từ địa phương này sang địa phương khác.

khong-kiem-tra-tai-cac-chot-ki-6424-7203

Kiểm tra QR code. Ảnh: Lao Động Thủ Đô

Công văn 5187 tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa 

Ngay trong chiều 29/7, Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn 5187/VPCP-CN với tiêu đề Tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19. Nội dung công văn 5187 có những điểm mới gỡ khó cho DN vận tải, trong đó điều đầu tiên ghi rõ: "Không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có Giấy nhận diện có QR Code còn thời hạn do ngành Giao thông Vận tải cấp, vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến đường...Trường hợp phương tiện không có Giấy nhận diện có QR Code hoặc có nhưng hết thời hạn thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-COV-2 đối với người trên phương tiện".

Như vậy, kể từ ngày 30/7, trừ hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định thì tất cả các loại hàng hóa khác phục vụ xây dựng, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và tiêu dùng đều được qua chốt kiểm tra.

Thứ hai, cho phép các phương tiện lưu thông kể cả khi không có QR Code hoặc có nhưng hết thời hạn.

Thứ ba, cho phép tài xế có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên trong thời hạn 72 tiếng đồng hồ, thay vì chỉ chấp nhận kết quả RT-PCR như nhiều địa phương đang áp dụng, gây tốn kém cho DN.

Tuy nhiên, theo đề xuất của nhiều DN thuộc Hiệp hội Hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam thì cần phải tiêm chủng vaccine ngay cho các tài xế, nhân viên vận tải liên tỉnh, logistics cảng biển… để bảo đảm sự liên tục, thông suốt trong việc lưu thông hàng hóa tiêu dùng và sản xuất. 

Bên cạnh đó, cũng cần gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ô tô ra vào mỗi địa phương. Đối với tài xế xe liên tỉnh đã được tiêm vaccine, cần cho phép kéo dài thời hạn của kết quả xét nghiệm âm tính để tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ 30/7, vận chuyển hàng hóa sẽ không còn ách tắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO