Đánh thức nhân viên

P.H.L| 16/07/2009 09:15

Ngày nay, khi thị trường cạnh tranh đòi hỏi DN phải đáp ứng bằng sức mạnh tổng lực và độ phủ toàn diện, thì nguồn lực bên trong DN càng được yêu cầu cao hơn...

Đánh thức nhân viên

Ngày nay, khi thị trường cạnh tranh đòi hỏi DN phải đáp ứng bằng sức mạnh tổng lực và độ phủ toàn diện, thì nguồn lực bên trong DN càng được yêu cầu cao hơn. Chính vì vậy, “team building” – xây dựng đội ngũ, hiểu theo nghĩa đầy đủ nhất là cách thức tạo sự thấu hiểu, đoàn kết để sự liên thông trong công việc, trong DN càng được đề cao, tuy nhiên, khi môi trường kinh tế thay đổi, đòi hỏi chất lượng nguồn lực bên trong phải thay đổi, thì quan điểm và phương thức “team building” cũng thay đổi.

Hoạt động này không còn đơn thuần là những chuyến dã ngoại, những trò vận động tập thể hay cách ráp nối con người lại với nhau..., mà đòi hỏi những triết lý sâu hơn để phát huy sức mạnh cá thể và tập thể.

Lãnh đạo theo nhiệm kỳ.

Nếu như trước đây, trong đội ngũ chỉ có một người lãnh đạo cố định, lâu dài trong mọi hoạt động, thì nay các chương trình “team building” đều hướng tới đánh thức và phát huy khả năng lãnh đạo của mọi cá thể. Theo đó, các thành viên trong đội ngũ sẽ luân phiên được đặt vào vị trí người đứng đầu. Với “luật chơi” này, thì dù cương vị trên thực tế là tổng giám đốc, “ông tổng” cũng phải tuân theo sự chỉ huy của “sếp mới” trong hoạt động “team building”.

Mục đích của quan điểm này là biến tất cả thành viên trong đội ngũ có khả năng trở thành người lãnh đạo, chí ít cũng là người tự chủ, quyết đoán, tự “lãnh đạo” chính mình thay vì chỉ tự xem mình là “kẻ dưới” như lâu nay. Đây cũng là cách giúp phát hiện những người có khả năng lãnh đạo thực sự trong đội ngũ và làm cho tập thể không bị phụ thuộc hoàn toàn vào một vài cá thể đứng đầu.

Quản lý theo chiều ngang. Tiếp nối phương thức trên, trong công việc, thay vì “bổ dọc” theo đúng thứ tự cấp bậc, vị trí, nhiều DN bắt đầu ứng dụng mô hình quản lý mới. Theo cách này, công việc được chia thành từng “gói” và các thành viên có năng lực nhất sẽ thay nhau làm người chịu trách nhiệm cao nhất cho mỗi “gói”.

Điều này có nghĩa là họ chịu sự lãnh đạo đan xen, trong “gói” công việc này, anh là “sếp” tôi, tôi hỗ trợ anh; nhưng trong “gói” công việc khác, anh phải chịu sự phân công của tôi, làm theo quyết định và kế hoạch của tôi. Không ai hoàn toàn là “người trên kẻ trước”, cũng không ai chỉ mãi làm “nền” cho người khác “biểu diễn”. Đây cũng là cách đánh thức cảm hứng và khả năng của nhân viên hiệu quả nhất.

Không hòa tan. Nhiều quan điểm “team building” trước đây có khuynh hướng “hòa tan” tính cá thể, xóa nhòa hình ảnh cá nhân để tạo nên một tập thể “không còn sự phân biệt”. Nhưng quan điểm mới cho rằng: Phải có những cá thể nổi trội, khác biệt mới tạo nên một tập thể mạnh.

Theo quan điểm này, người ta chuộng mô hình xây dựng đội bóng mạnh toàn diện nhưng phải làm bật lên những ngôi sao. Do vậy, trong nhiều trường hợp, “team building” bằng cách phần lớn đội ngũ liên kết với nhau thành bệ phóng vững chắc để nâng những cá thể xuất sắc nhất “bay” lên. Với quan điểm mới này, sự khác biệt của mỗi cá nhân được khuyến khích thay vì bị làm nhòe đi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đánh thức nhân viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO