TMĐT thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch
Dịch Covid-19 đã tạo ra những tác động theo chiều hướng tiêu cực đối với các ngành sản xuất, trong đó có nông nghiệp. Để hỗ trợ việc tiêu thụ hàng nông sản, nhiều mặt hàng đã được hỗ trợ trên các sàn thương mại điện tử. Thực tế cho thấy, đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử là một trong những giải pháp kịp thời giúp mở rộng kênh tiêu thụ cho nông sản, nhất là khi các kênh tiêu thụ truyền thống bị thu hẹp dó tác động của dịch bệnh.
Tuy nhiên, do tiêu thụ hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử là một phương thức còn khá mới mẻ với người nông dân, đặc biệt là bà con ở các tỉnh miền núi nên cần có sự hỗ trợ nhiều hơn để họ quen với phương thức này.
Ban hành chỉ thị khôi phục sản xuất công nghiệp
Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 3/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chỉ thị nêu rõ dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Với sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội, dịch bệnh từng bước được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi. Thủ tướng yêu cầu khối doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý về khôi phục sản xuất song song với phòng, chống dịch bệnh.
Hàng không dự kiến khôi phục đường bay nội địa với 385 chuyến bay khứ hồi/ngày
Cục Hàng không Việt Nam vừa xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức khai thác các đường bay nội địa trong nước giai đoạn 1 và lấy ý kiến các tỉnh, thành có cảng hàng không, sân bay trước khi triển khai cấp phép hoạt động trở lại, dự kiến áp dụng từ ngày 5/10/2021.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại các đường bay đi và đến các địa phương gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau. Tổng số các đường bay nội địa dự kiến khôi phục lại là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày.
Việt Nam là hình mẫu phát triển năng lượng tái tạo cho các nước ASEAN
Một nghiên cứu mới công bố do Trường Đại học Quốc gia Australia chủ trì cho thấy, Việt Nam đang trở thành hình mẫu về phát triển điện mặt trời và điện gió cho các nước ASEAN. Theo đó, từ năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia đi đầu ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió.
Dựa trên số liệu của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất quang điện mặt trời của Việt Nam đạt khoảng 16.500MW, vượt xa mục tiêu 850MW được đặt ra cho năm 2020 và thậm chí là đang tiến gần đến mục tiêu được đặt ra cho năm 2030 là 18.600MW.
Tại ASEAN, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng có tiềm năng lớn về điện mặt trời và điện gió như Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Philippines. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam đã vượt xa các nước này trong việc khai thác điện mặt trời và điện gió.
Nguồn cung nhà đất tung ra thị trường thấp nhất 5 năm
Báo cáo quý III của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, tổng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường cả nước đạt 35.852 sản phẩm, giao dịch đạt 16.647 sản phẩm, tương đương tỷ lệ hấp thụ 40,9%. VARS đánh giá làn sóng Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến ngành bất động sản. Hầu hết dự án phát triển bất động sản trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công; những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng không thể triển khai.
Do đó, nguồn cung hiện có trên thị trường bất động sản đa phần là hàng tồn từ các quý trước. Lượng cung cũng như dự án mới rất hạn chế và không có dấu hiệu cải thiện; lượng nguồn cung đạt ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.