Tản mạn về chiếc smartphone

MINH TÚ/DNSGCT| 01/02/2017 03:53

Từ khi nhóm hàng điện thoại di động trở thành mặt hàng có mãi lực lớn trên thị trường thì cũng là lúc hoạt động xoay quanh trục ngành hàng này đầy ắp những cung bậc cảm xúc...

Tản mạn về chiếc smartphone

Năm 2016 đã qua và chúng ta đang chứng kiến những thay đổi của tháng đầu năm 2017.

Đọc E-paper

Từ khi nhóm hàng điện thoại di động trở thành mặt hàng có mãi lực lớn trên thị trường thì cũng là lúc hoạt động xoay quanh trục ngành hàng này đầy ắp những cung bậc cảm xúc vui – buồn, hào hứng – ngao ngán, sôi nổi – trầm tư…

Nhiều kẻ giàu lên, nhưng cũng không ít người rỗng túi. Ngẫm quá khứ để nhìn đến tương lai và thử tiên liệu cho số phận của chiếc điện thoại di động vốn đã trở thành “bạn đời” của hàng chục triệu người Việt Nam cũng là một điều thú vị.

Nhìn lại năm cũ

Năm 2016, thị trường điện thoại di động Việt Nam đã ghi nhận nhiều sự kiện đáng nhớ cũng như đáng quên.

Thế Giới Di Động đã trở thành “ông trùm” của lĩnh vực bán lẻ hàng điện máy với gần 1.500 cửa hàng, từ chuỗi thegioididong.com (1.214 cửa hàng) trong ngành hàng thiết bị kỹ thuật số đến Điện máy Xanh (264 cửa hàng) của ngành hàng điện tử. Mỗi lần nghe “ông trùm” này đòi hỏi quyền lợi, nhiều nhà sản xuất phải răm rắp làm theo, lấy đắng làm ngọt. Nhưng giữa tháng 7, lần đầu tiên, “con châu chấu” Viễn Thông A đã cho “con voi” Thế Giới Di Động knock-out để giành độc quyền lô hàng 400 chiếc Samsung Galaxy S7 Batman trong một cuộc đấu tay đôi.

Nhưng cuộc chiến giữa các nhà bán lẻ chưa có dấu hiệu dừng lại dù ngoài mặt, ai cũng hiểu Thế Giới Di Động đang dẫn dắt cuộc chơi tại thị trường Việt Nam. Bằng chứng là câu chuyện ba nhà bán lẻ lớn, gồm Thế Giới Di Động, FPT Shop và Viễn Thông A đua nhau khuyến mại Samsung Galaxy Note7.

Để thu hút khách tham gia chương trình Pre-order, ngoài món quà chung trị giá 5-5,3 triệu đồng/máy, mỗi nhà bán lẻ còn có phần quà riêng. Thế Giới Di Động dùng hình thức bốc thăm chọn 20 khách hàng du lịch Singapore và Malaysia bằng du thuyền năm sao (chi 20 triệu đồng cho mỗi khách hàng). Trong khi đó, FPT Shop “chơi sốc” bằng bốn vé tham dự Victoria’s Secret Show (mỗi vé giá 500 triệu đồng) và ba vé du lịch đến Israel (mỗi vé 300 triệu đồng).

Chưa hết, nếu Thế Giới Di Động có đêm tiệc Pool Party thì FPT Shop đáp lễ bằng một đêm tiệc đặc biệt với những cô gái trong trang phục nóng bốc lửa của hãng thời trang Victoria’s Secret. Dù biết mình yếu hơn nhưng Viễn Thông A cũng dám thử sức bằng việc công bố tặng bảy thẻ “Bay cùng Vietnam Airlines” mỗi thẻ trị giá 20 triệu đồng).

Không “đình đám” như Samsung nhưng cả iPhone 7 và 7 Plus đều được khách hàng săn đón. Chỉ tính riêng lượng hàng bán tại 4 kênh Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viễn Thông A và Viettel Store trong tháng 11 đã đạt khoảng 100 ngàn máy. Một số nhà bán lẻ nói rằng nếu iPhone 7 và 7 Plus không na ná như 6s Plus thì lượng tiêu thụ còn nhiều hơn.

Ngày mở bán iPhone 7 của FPT shop

Những tháng cuối năm 2016, người tiêu dùng tận mắt chứng kiến cuộc “so găng” giữa Samsung và Oppo. Ngày 11/8, Oppo tung ra thị trường dòng F1s. Một tháng sau, Oppo tuyên bố đã bán được 200 ngàn máy.

Ngày 23/9, Samsung “phản công” bằng J7 Prime. Một tháng sau, Samsung cũng cho biết đã bán được 200 ngàn máy. Đó là lần đầu tiên Samsung công bố lượng hàng bán được và nhiều người cho rằng chuyện lạ đó nhằm “dằn mặt” Oppo!?!

Những năm trước, từ tháng 6 đến tháng 8 là khoảng thời gian được giới kinh doanh gọi là mùa thấp điểm của thị trường điện thoại di động. Nhưng trong năm 2016, thị trường không có hiện tượng “sũng nước” dù tại TP. Hồ Chí Minh vẫn có những trận mưa gây ngập lụt nhiều nơi.

Trong 3 tháng mùa mưa, thị trường tiếp đón hơn 30 mẫu smartphone, trong đó ngoài những tên tuổi đã quen thuộc như Wiko, HTC, Mobiistar, Huawei, Oppo, Asus… còn có mười mẫu của 3 thương hiệu mới toanh là Oukitel, Elephone và Infinix.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em – Giám đốc kinh doanh của thegioididong.com từng nhận định rằng việc các hãng chọn mùa mưa để tung hàng mới là việc “chưa từng có”. Ông Lý Anh Chương – chủ chuỗi cửa hàng Anh Chương (TP. Pleiku) cũng tỏ ra ngạc nhiên vì những năm trước, trong mùa mưa, sức mua thường bị giảm 20 – 30%, nhưng trong năm 2016, hàng vẫn được tiêu thụ đều đều.

Còn nhớ, lần đầu tiên, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Thế Giới Di Động đã ban “quân lệnh” cho đội ngũ kinh doanh: “Hãy quên đi khái niệm thấp điểm! Tháng nào cũng là tháng kinh doanh cao điểm”.

Giới trẻ thích selfie với smartphone

Nếu nói về kỷ niệm buồn trong năm qua thì cũng có nhiều chuyện để suy ngẫm. Samsung Note7 “ngã ngựa” là một sự kiện đặc biệt đối với giới tiêu dùng Việt Nam. Sự quyến rũ của các chương trình quảng bá, khuyến mại do các nhà bán lẻ thực hiện đã khiến không ít người háo hức mong được sở hữu sản phẩm “đỉnh” đó dù phải chi ra vài chục triệu đồng.

Đáng tiếc là do sự cố kỹ thuật, Samsung phải thu hồi Note7 trên toàn cầu, làm nhiều khách hàng bị hụt hẫng. Bà Nguyễn Bạch Điệp – Tổng giám đốc FPT Shop bình luận rằng nếu không xảy ra sự cố, với sức hấp dẫn đã tạo được, Note7 sẽ đem lại doanh số và lợi nhuận không hề nhỏ cho các nhà bán lẻ.

Vinpro+ đóng cửa cũng là một tin buồn cho thị trường bán lẻ sau gần hai năm hiện diện với khoảng 100 cửa hàng trên cả nước. Nhưng đó là một kết thúc “có hậu” vì nhiều người cho rằng với cách làm của ông chủ Vingroup, Vinpro+ không chết trước thì cũng… chết sau!

Ông Nguyễn Đức Tài còn gián tiếp chỉ ra nguyên nhân: “Với một thị trường có sức mua đến 8 tỉ USD, ai cũng có tham vọng. Nhưng ngành bán lẻ điện máy không phải là nơi cần nhiều vốn, mà cần sự tinh tế, tỉ mỉ với từng khách hàng”.

Điều gì sẽ đến trong năm 2017?

Nếu năm 2016, sức mua smartphone của giới tiêu dùng trên toàn thế giới đạt khoảng 8 tỉ USD (tương đương 170.000 tỉ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2015) thì sang năm 2017, tình hình sẽ ra sao? Hầu hết các nhà phân phối thiết bị di động nói chung, điện thoại thông minh nói riêng đều kỳ vọng thị trường điện máy Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng.

Ông Huỳnh Phước Cường, một chuyên gia nghiên cứu thị trường độc lập đưa ra nhận định: “Nhóm ngành điện thoại di động, chủ yếu là smartphone, sẽ tiếp tục tăng trưởng trong hai, ba năm tới với tốc độ khoảng 12%/năm. Những yếu tố tác động đến tăng trưởng nhóm hàng này là thu nhập bình quân của người tiêu dùng vượt ngưỡng 2.000 USD/năm, hàng chục triệu người trẻ đều muốn sở hữu smartphone và mặt hàng này thay đổi nhanh về công nghệ”.

Vì thế, các nhà bán lẻ sẽ tăng tốc mở chuỗi. Ông Nguyễn Đức Tài cho biết, trong năm 2017, Thế Giới Di Động sẽ tiếp tục mở rộng chuỗi thegioididong.com nhưng sẽ không được như năm 2016 vì còn để dành sức mở chuỗi Điện máy Xanh. FPT Shop hiện có 400 cửa hàng. Theo bà Nguyễn Bạch Điệp, doanh nghiệp này sẽ mở thêm 500 cửa hàng mới trong năm 2017.

Smartphone và trẻ

Có khả năng một số hãng smartphone mới sẽ thâm nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài một cái tên rất quen với người tiêu dùng là Nokia, có thể trên kệ của các cửa hàng sẽ xuất hiện thêm smartphone của một thương hiệu “lạ mà quen” là Energizer (vốn chuyên cung cấp pin) hay của Xiaomi…

Ông Bùi Văn Hòa – Giám đốc Freetel Việt Nam (thương hiệu mới xuất hiện cuối năm 2016) bình luận: “Việc hòa nhập và phát triển tại thị trường thiết bị di động Việt Nam là một thách thức lớn đối với các thương hiệu mới vì tại đây luôn có sự cạnh tranh khốc liệt mà vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn lại, trong khi người tiêu dùng ngày càng khó tính”.

Oppo đã tuyên bố rằng trong năm 2017 sẽ tập trung vào phân khúc trung và cao cấp. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội chứng kiến những “cuộc đấu tay đôi” giống như Samsung J7 Prime với Oppo F1s trong năm 2016. Những ai yêu thích Samsung thì chờ đợi Note8 xóa nhòa bi kịch Note7.

Điều mà nhiều người tiêu dùng mong đợi trong năm 2017 là những chiếc smartphone có camera chất lượng cao, cảm biến vân tay nhạy, sạc pin nhanh, cấu hình mạnh và thiết kế cũng lạ mắt. Tất nhiên, sản phẩm hiện đại hơn là tốt, nhưng giá bán phải hợp với túi tiền của đa số khách hàng và chế độ chăm sóc cũng phải tận tụy hơn.

>>Thiết bị di động sôi động mùa sắm Tết

>>Xu hướng smartphone năm 2017

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tản mạn về chiếc smartphone
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO