Tiêu chí đánh giá doanh nghiệp công nghệ cao

15/07/2015 01:14

Doanh thu doanh nghiệp, tổng chi bình quân, số lượng lao động,... là những quy định mới về các điều kiện để trở thành doanh nghiệp công nghệ cao.

Tiêu chí đánh giá doanh nghiệp công nghệ cao

Doanh thu doanh nghiệp, tổng chi bình quân, số lượng lao động,... là những quy định mới về các điều kiện để trở thành doanh nghiệp công nghệ cao.

Luật Đầu tư 2014 hiện hành và Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg đã điều chỉnh nội dung tại Điều 18 Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 về các tiêu chí để đánh giá doanh nghiệp công nghệ cao.

Đầu tiên, các sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất phải thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định tại Điều 6 Luật Công nghệ cao 2008. Cụ thể, các sản phẩm đó phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có tỷ trọng giá trị gia tăng cao trong cơ cấu giá trị sản phẩm;

- Có tính cạnh tranh cao và hiệu quả kinh tế - xã hội lớn;

- Có khả năng xuất khẩu hoặc thay thế sản phẩm nhập khẩu;

- Góp phần nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia.

Thứ hai, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp thân thiện với môi trường như xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải hay sử dụng công nghệ sạch để sản xuất. Đồng thời phải thực hiện tiết kiệm năng lượng sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tổ chức quốc tế chuyên ngành trong trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam.

Thứ ba, doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm. Theo quy định trước đây, doanh thu bình quân của doanh nghiệp trong 3 năm liền từ sản phẩm công nghệ cao chỉ đạt ít nhất 60% trong tổng doanh thu hàng năm và từ năm thứ tư trở đi phải đạt trên 70%.

Thứ tư, Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg đã chia điều kiện về tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam, và số lượng lao động có trình độ chuyên môn cho doanh nghiệp chất lượng cao theo hai trường hợp, một là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hai là doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng, cụ thể:

- Với điều kiện về tổng chi, luật mới quy định cụ thể là tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm thay vì quy định về tổng chi bình quân theo đơn vị năm như quy định trước đây.

Trường hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 1%. Trường hợp với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lượng lao động trên 300 người, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 0,5%.

- Về điều kiện số lượng người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trước đây doanh nghiệp công nghệ cao cần có số lượng lao động đạt trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 5% tổng số lao động.

Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg vẫn giữ nguyên quy định này dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số người lao động trên 300 người, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 2,5% nhưng không được thấp hơn 15 người.

Trường hợp đã nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao trước thời điểm ngày 1/8/2015 mà vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận, các doanh nghiệp sẽ thực hiện theo các điều kiện nêu trên để trở thành doanh nghiệp công nghệ cao.

Công ty Luật PLF

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiêu chí đánh giá doanh nghiệp công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO