Việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường mới còn nhiều tiềm năng này là một hướng đi mới phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam.
Đây cũng là khu vực có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, tiếp giáp với cả 3 châu lục là châu Á, châu Âu và châu Phi, là địa bàn trung chuyển hàng hóa đi các khu vực xung quanh, đặc biệt Dubai hiện trở thành thị trường trung chuyển hàng hóa lớn thứ ba trên thế giới.
Tại hội thảo xúc tiến ngày 27/9 tại TP.HCM do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức, ông Ngô Khải Hoàn - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết thị trường châu Phi có hơn 1,3 tỷ người. Kinh tế khu vực châu Phi tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây kéo theo nhu cầu tiêu dùng cũng tăng.
Hiện nay, các nước châu Phi dỡ bỏ dần hàng rào thuế quan, giảm thuế nhập khẩu. Đặc biệt, nhu cầu với nông sản từ các nước trong khu vực này là rất lớn, ước tính sẽ đạt tới 110 tỷ USD vào năm 2025 với yêu cầu về chất lượng, mẫu mã không quá cao. Trong đó gạo, thủy sản, cà phê, sản phẩm dệt may, giày dép các loại, hạt tiêu là những mặt hàng tiêu thụ rất tốt.
Còn thị trường Trung Đông có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu lương thực, thực phẩm: 80% lương thực, thực phẩm trị giá khoảng 40 tỷ USD (năm 2016) phải nhập khẩu hằng năm, đến năm 2035 ước nhập khẩu khoảng 70 tỷ USD lương thực, thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng (Văn phòng chứng nhận Halal cho các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của luật Hồi giáo) cho rằng, thị trường Trung Đông nói riêng và thị trường các nước Hồi giáo nói chung có sức mua lớn và nhu cầu cao đối với các sản phẩm Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản, rau củ quả.
Các thị trường này không có nhiều rào cản kỹ thuật và thuế quan nhưng yêu cầu sản phẩm phải có chứng nhận Halal và đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp muốn mở rộng xuất khẩu vào thị trường này thì sản phẩm có chứng nhận Halal là điều kiện bắt buộc.
Ngoài thị trường Trung Đông, các thị trường ưa chuộng các sản phẩm chứng nhận Halal trong thời gian tới với dư địa rất lớn là Ấn Độ, Trung Quốc, châu Âu…
Mặc dù tiềm năng còn rất lớn, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ những rủi ro phải đối mặt khi xuất khẩu sang thị trường Trung Đông – châu Phi, đó là: rủi ro về thanh toán như nhiều đối tác trả chậm, không có khả năng thanh toán, rủi ro về tỷ giá.
Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng gặp rủi ro trong tranh chấp về hợp đồng mua bán như khối lượng, trọng lượng hàng hóa, thời gian giao hàng, tranh chấp liên quan đến chủ thể của hợp đồng do người ký hợp đồng không có năng lực chủ thể đầy đủ…
Ông Ngô Khải Hoàn cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Phi và Trung Đông, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tích cực thúc đẩy hợp tác song phương thông qua kênh Ủy ban hỗn hợp, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là các sản phẩm nông sản thế mạnh của Việt Nam, cung cấp thông tin thị trường tại châu Phi và Trung Đông cho doanh nghiệp nắm rõ.