Cố doanh nhân Nguyễn Trần Bạt là người sáng lập Invest Consult Group, đi tiên phong trong mảng tư vấn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam những năm đầu đất nước đổi mới.
Rất nhiều tập đoàn và ngân hàng lớn trên thế giới đã vào Việt Nam kinh doanh, như Coca-Cola, IBM, ANZ, Philip Morris, City Bank, Toyota, Daewoo, Motorola... Các tổ chức quốc tế như UNDP, World Bank... với những chương trình nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật cho cải cách kinh tế Việt Nam đều qua sự tư vấn của Invest Consult Group của Nguyễn Trần Bạt.
Ông Nguyễn Trần Bạt được gọi với nhiều chức danh: nhà tư vấn, luật sư, doanh nhân, nhà nghiên cứu kinh tế - xã hội. Người ta còn gọi Nguyễn Trần Bạt là triết gia, nhà văn hóa, nhà tư tưởng bởi ông đã để lại 11 tác phẩm giá trị với tư cách một doanh nhân.
Ông đã tạo nề nếp học và đọc cho các con ngay từ nhỏ - như một cách giúp các con tránh những thiệt thòi mà cha từng nếm trải, như nghèo khổ và không được học hành đầy đủ khi đất nước có chiến tranh.
Anh Nguyễn Ngọc Tuệ và Nguyễn Ngọc Lân - hai con ông nay thay cha lãnh đạo tập đoàn sau khi được đào tạo ở Anh. Họ kể về sự rèn cặp của cha, về nhiều thứ trong cuộc sống, trong đó có việc đọc sách từ bé.
Hai anh thường nhớ cha mình rất bận rộn giao thương nhưng vẫn tìm cơ hội dẫn các con đi gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà văn hóa.
"Một lần bố mời nhạc sĩ Thiều Hoa đến nhà, cho chúng tôi ăn cơm cùng, rồi được giới thiệu gặp Honna - nhạc trưởng người Nhật Bản, nghệ sĩ chính hiệu sống phiêu bạt khắp nơi. Tôi lạ là ông ấy nói chuyện đầy thích thú với bố tôi - người chả dính líu gì tới âm nhạc", anh Nguyễn Ngọc Tuệ chia sẻ.
Mấy cha con nhiều lần tiếp xúc với gia đình học giả Nguyễn Văn Vĩnh và ông Bạt còn tổ chức một chuyến thăm nhà văn Tô Hoài rất trọng thị, đưa các con và người của tập đoàn đi cùng.
"Trên xe, mọi người hào hứng bàn nhau xem nên hỏi nhà văn chuyện gì, vì tài sản sáng tạo của Tô Hoài rất lớn, chả lẽ mình cứ hỏi mãi về Dế mèn phiêu lưu ký. Cha tôi bảo Dế mèn phiêu lưu ký là một kiệt tác văn học, không chỉ dành cho trẻ em, không chỉ là chuyện trẻ con. Ông ấy sẽ không bao giờ ngừng yêu mến tác phẩm thành công của mình", anh Nguyễn Ngọc Lân kể.
"Và diễn ra như thế thật. Nhà văn đã kể cho nghe những gì bạn đọc quan tâm, kể cả quá trình lao động làm nên tác phẩm".
Doanh nhân Nguyễn Trần Bạt cho các con được trải nghiệm cuộc sống văn minh nhưng không phải choáng ngợp hay sợ hãi sự cao sang. Vì nếu khổ quá dễ mắc hèn yếu, có khi tham tiền.
Ông dạy các con không chỉ phải mạnh mẽ thoát khổ mà còn cả mạnh mẽ trước cám dỗ của cao sang. Ông dạy thái độ đối với tiền: không yêu tiền thì không có động lực kiếm tiền, nhưng cũng phải đủ bản lĩnh để nó không chi phối hay quật ngã mình. Điều đó có ý nghĩa đạo đức và triết học.
Các con ông kể: "Bố cho chúng tôi hiểu thế nào là tầm quan trọng của thư viện. Do đó, với chúng tôi, thư viện không chỉ là nơi tìm đọc, thu gom kiến thức có hệ thống, mà còn là nơi lan tỏa kiến thức".
Từ nhỏ, ông đã cho các con đọc những tác phẩm văn học có giá trị, như Tam quốc chí, Không gia đình, Những người khốn khổ, Truyện cổ Andersen... Khi con mới 14 tuổi, ông đã cho đọc Chiến tranh và hòa bình, xong rồi phải nhận xét và phân tích tác phẩm.
Vì bản thân mê triết học nên ông đã cho các con đọc Platon và Socrates song song với đọc sách văn học. Dù còn bé, các con chưa thể nhận thức hết, nhưng chí ít đã làm quen với các khái niệm triết học tương đối khó.
Các anh còn kể, cha mình rất hay có những cuộc bàn luận với các con những khái niệm mà tuổi nhỏ không quan tâm, như công lý, công bằng là gì, cái nào quan trọng hơn... Nhờ thế khi đi học, các con không cảm thấy chán, hay gặp khó khăn khi học và đọc những cuốn sách khó.
Tình yêu thương, quý trọng với bố Nguyễn Trần Bạt rất sâu sắc và một phần nhờ thế, các con ông đã tiếp bước là những doanh nhân giỏi. Hình ảnh chống lại bệnh tật và sau khi mổ tim bố đã "chiến đấu" với chính mình để bỏ thuốc lá in sâu vào ký ức các con.
Cha mẹ nào cũng yêu và hết lòng với con cái, nhưng ít ai tỉ mỉ dẫn dắt con trưởng thành về trí tuệ và tâm hồn, xem trọng văn hóa để xây dựng năng lực và nhân cách như doanh nhân - triết gia Nguyễn Trần Bạt.